Những bản đồ cũ được một số quan chức chính phủ tin rằng có thể nắm giữ chìa khóa cho tuyên bố chủ quyền của Philippines ở bãi cạn Scarborough thuộc Biển Đông, do các nhà truyền giáo nước ngoài và nhà thám hiểm thuộc địa tạo ra bị coi là “cá nhân và phi chính thức” - theo thông tin đăng trên trang web của  cơ quan ngoại giao Trung Quốc tại thành phố Makati.


Lục Dương, một học giả tại Bắc Kinh trong báo cáo này viết rằng, các bản đồ ấy không đại diện cho quan điểm của chính phủ Philippines.

Các nhà chuyên vẽ bản đồ châu Âu gọi bãi cạn Scarborough là “Bajo Scarburo” trong bản đồ năm 1820 trích từ cuốn “Bản đồ Philippines: Thời kỳ Tây Ban Nha”


Học giả Trung Quốc trích dẫn thông tin trước đó đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Philippines ngày 28/4 rằng, một bản đồ do nhà truyền giáo vẽ và xuất bản năm 1734 là một trong những bản đồ đầu tiên chỉ ra rằng bãi cạn Scarborough (mà Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) là một phần của Philippines.

Người Philippines gọi bãi cạn này là Bajo de Masinloc hay Panatag.

Báo cáo của học giả Trung Quốc nói, một bản đồ khác được các nhà thám hiểm Tây Ban Nha vẽ vào năm 1792 và xuất bản năm 1808 tại Madrid đã vạch rõ con đường họ tới và đi thuyền quanh đảo. Theo giới phân tích, điều này cho thấy, Philippines có thể bóng gió rằng, nếu Trung Quốc có căn cứ tuyên bố chủ quyền với đảo Hoàng Nam trên các bản đồ lịch sử, thì Manila cũng có thể làm như vậy.

“Nhưng Trung Quốc có thể đưa ra số lượng bản đồ chính thức lớn hơn thể hiện chủ quyền với bãi cạn. Thậm chí một công dân Philippines viết trên báo Manila Standard Today cũng công nhận thực tế rằng, Trung Quốc đã phát hiện ra đảo Hoàng Nham và vẽ một bản đồ hòn đảo vào năm 1279 trong thời nhà Nguyên (1271-1368)”, thông tin đăng trên trang web của cơ quan ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.

Trong báo cáo của mình, Lục cũng khẳng định rằng, các bản đồ chính thức do các chính phủ kế tiếp của Trung Quốc xuất bản luôn coi Hoàng Nham là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

“Không có điều ước quốc tế nào xác định phạm vi lãnh thổ của Philippines bao gồm đảo Hoàng Nham là một phần trong đó. Rõ ràng các bản đồ thời cũ mà Philippines đề cập không có giá trị khi các điều ước ấy được soạn thảo. Hơn thế nữa, trong một thời gian dài, các bản đồ chính thức của Philippines hay bản đồ được xuất bản với sự phê chuẩn chính thức, đều đánh dấu đảo Hoàng Nham hay bãi cạn Scarborough nằm bên ngoài giới hạn lãnh thổ của nước này”, Lục đưa ra các lý do.

Theo tác giả Trung Quốc, bản đồ quốc gia Philippines do Cơ quan Thông tin bản đồ và tài nguyên quốc gia - Namria - xuất bản năm 2006 cũng đặt Hoàng Nham bên ngoài giới hạn lãnh thổ của Philippines.

“Đó cũng là thực tế với Bản đồ Philippines xuất bản năm 2010, và Bản đồ chính trị Philippines xuất bản năm 2008”, học giả Lục nói. “Tất cả các bản đồ này được Namria chứng nhận và rõ ràng đại diện cho quan điểm chính thức của chính phủ Philippines”.

Trong tháng 4, thượng nghị sĩ Philippines Edgardo Angara, người có bộ sưu tập các bản đồ cổ của Philippines nói với nhật báo Inquirer rằng, các bản đồ từ thời thuộc địa Tây Ban Nha có thể nắm giữ chìa khóa cho tuyên bố chủ quyền của quốc gia Đông Nam Á với bãi cạn Scarborough.

“Rõ ràng bãi cạn Scarborough là một phần nghiên cứu bản đồ học của chúng ta thời thuộc địa Tây Ban Nha. Chúng ta có các bản đồ sao chép từ bản gốc thực hiện năm 1734. Trong thời gian đó, bãi cạn Scarborough là một phần lãnh thổ của Philippines”, Angara nói. Ông cũng khẳng định còn có nhiều bằng chứng khác.

Thái An (theo Inquirer)