Dễ hiểu là Trung Quốc đang lo
lắng bảo vệ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Những ký ức châu
Âu thế kỷ 19 và cuộc chiến tranh với Nhật thế kỷ 20 khiến họ có độ “nhạy cảm”
cao trước các liên minh quân sự hiện đại được láng giềng thành lập như Nhật Bản,
Hàn Quốc với Mỹ.
Ảnh: wordpress |
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tiến hành những cuộc tập trận quy mô lớn nhằm cải thiện khả năng phòng thủ duyên hải, huy động nhanh chóng và linh động kiểm soát chiến đấu. Ở đây rõ ràng có sự “thử nghiệm” đối với việc hiện diện các tài sản dưới nước, mặt đất và trên không của Mỹ.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc thử nghiệm dự án triển khai lực lượng tầm xa đã tạo ra sự thay đổi lớn trong tác động của nó. Dự án ấy vượt qua nỗ lực nhằm đạt được các khả năng cần thiết để thiết lập một vành đai bảo vệ xung quanh các vùng biển của họ.
Để xoa dịu những quan ngại quốc tế, quân đội Trung Quốc (PLA) đã thúc đẩy chiến dịch ngoại giao quân sự nhằm cải thiện quan hệ song phương và đa phương với châu Á - Thái Bình Dương và giảm những tranh chấp lãnh thổ. PLA còn tham gia các sáng kiến an ninh toàn cầu, như các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, các sứ mệnh phối hợp với NATO trong chống hải tặc ở vùng Sừng châu Phi. Tìm ra những con đường làm việc với nhau một cách chặt chẽ hơn và minh bạch hơn là một chủ đề chính của cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo PLA và đoàn đại biểu Ủy ban Quân sự quốc tế (IMS) khi họ gặp nhau tại Bắc Kinh hồi tháng 2. NATO vốn tìm kiếm việc tăng cường đối thoại với PLA, đang nỗ lực xây dựng các cuộc gặp cấp cao thường xuyên mà họ lặng lẽ duy trì với Trung Quốc hai lần/năm, cũng như mở rộng các kênh thông tin đã thiết lập thông qua các đại sứ của Bắc Kinh ở Bỉ.
Trong phản ứng với việc Trung Quốc tăng cường các khả năng hải quân, Lầu Năm Góc - đang phải đối mặt với áp lực cắt giảm chi tiêu ngân sách 485 tỉ USD trong thập niên tới - đã bắt đầu các ưu tiên cho chiến lược “trục xoay” mới. Đô đốc Sam Locklear, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) trong tháng 3 sau khi dẫn dắt các lực lượng hải quân Mỹ ở châu Âu và điều phối hoạt động NATO tại Libya, đã nhận nhiệm vụ chuyển đổi PACOM thành đội quân tiên phong trong chiến lược quốc phòng mới của Mỹ.
Ở phạm vi rộng, chiến lược mới có nghĩa là củng cố sự hiện diện của Mỹ ở Thái Bình Dương nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Về phương diện ngoại giao, bộ Ngoại giao Mỹ đã tái khẳng định các cam kết an ninh với nhiều quốc gia trong khu vực và thúc đẩy quan hệ với những liên minh lâu dài như Nhật Bản, Philippines và Australia. Mỹ cũng đang đào sâu quan hệ với các quốc gia ASEAN. Tự thân PACOM đã và đang có những cuộc thương thảo về thỏa thuận an ninh song phương với Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Campuchia và Philippines.
Trong khi một số nhà phân tích chính sách xem tương lai quan hệ đối tác NATO - ASEAN là điều quan trọng với ổn định khu vực, thì những người khác lại cảm thấy rằng, PACOM đủ khả năng và “miễn nhiễm” khỏi các phiền toái của một bộ máy quan liêu đa quốc gia để thành công trong việc đảm bảo các lợi ích chiến lược Mỹ tại Thái Bình Dương khi NATO nếm trải thất bại ở Trung Đông.
Từ quan điểm của Trung Quốc, sự tồn tại tiếp tục của NATO kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, phương châm tồn tại của khối và việc khối mở rộng phạm vi, địa bàn hoạt động ra ngoài Bắc Đại Tây Dương đã tiết lộ vị thế thực sự của nó. Nhận thức chung ở Trung Quốc là NATO phần lớn là phương tiện truyền bá sự bá quyền và ưu thế quân sự của Mỹ trên toàn cầu. Bắc Kinh đặc biệt lo ngại về vai trò của khối này trong việc lật đổ các chế độ không mong muốn tại Afghanistan và Libya. Họ xem đó như là việc thiết lập một tiền lệ nguy hiểm.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng thừa nhận mong muốn bình thường hóa và tăng cường quan hệ với NATO nếu như nó đáp ứng mục tiêu “trỗi dậy hòa bình” và hội nhập hài hòa vào hệ thống toàn cầu. Họ vẫn để ngỏ cho mọt cách tiếp cận đa phương và “tôn trọng” các vấn đề cả hai bên cùng quan tâm ví dụ như những mối đe dọa an ninh phi truyền thống như khủng bố, phổ biến vũ khí hạt nhân…
Khi hải quân Trung Quốc gia tăng sự quả quyết ở châu Á - Thái Bình Dương, thu hút sự chú tâm của Mỹ khỏi Đại Tây Dương, thì Bắc Kinh cũng không ngừng thúc đẩy những ảnh hưởng kinh tế và chính trị với châu Âu thông qua con đường thương mại và đầu tư.
Việc thiếu minh bạch liên quan tới các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc đã được thảo luận trong chuyến công du của phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ hồi tháng 2. Ông Tập là người có quan hệ gần gũi với quân đội Trung Quốc hơn là chủ tịch đương nhiệm Hồ Cẩm Đào. Ông cũng là người được cho là sẽ kế nhiệm ghế chủ tịch Trung Quốc vào cuối năm nay. Trong buổi thảo luận với lãnh đạo Mỹ, ông Tập đã cam kết sẽ thúc đẩy việc khôi phục và mở rộng đối thoại quân sự Trung - Mỹ.
Hội đàm Tham vấn Quốc phòng tổ chức thường niên giữa các quan chức quân sự, dân sự cấp cao Trung Quốc và Mỹ đã “nguội lạnh” trong những năm gần đây với việc Mỹ tiếp tục bán lượng vũ khí lớn cho Đài Loan. Ông Tập đã nhấn mạnh rằng, sự hiện đại hóa và mở rộng quân sự của Trung Quốc hoàn toàn có tính chất phòng thủ, tốc độ gia tăng mạnh mẽ của nó đơn giản là phản ánh tính cần thiết đưa các lực lượng vũ trang lên một tầm mới tương xứng với tăng trưởng kinh tế, gia tăng dân số và vị thế quốc tế.
Hy vọng rằng, nỗ lực cải thiện đối thoại sẽ mang tới sự minh bạch rõ ràng hơn. Có thể trên thực tế, Trung Quốc đang tìm kiếm chủ yếu khả năng bảo vệ lãnh thổ và các tuyến đường biển vận chuyển năng lượng cũng như những tài nguyên khác từ Trung Đông và châu Phi tới nước này. Cũng có thể họ đang quả quyết và cứng rắn hơn trong các yêu sách chủ quyền kinh tế và lãnh thổ với toàn bộ Biển Đông.
Có thể họ đang phát triển khả năng để hỗ trợ những sứ mệnh đa quốc gia nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định thế giới cũng như khu vực. Hoặc có thể theo như một số nhà quan sát là họ đang làm suy yếu NATO và thiết lập sự cân bằng quyền lực ba bên - một trạng thái cân bằng chiến lược tạo điều kiện thuận lợi hơn giúp Trung Quốc quản lý các rủi ro toàn cầu nhằm mở rộng thị phần kinh tế ở châu Phi cũng như khu vực khác.
Trong bất kỳ trường hợp nào, một điều đang ngày càng rõ ràng hơn - là sự quyết đoán của Trung Quốc; sứ mệnh mới của PACOM trong việc tự khẳng định lại ở châu Á - Thái Bình Dương đang tạo tiền đề cho khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh mới.
Thái An (theo oilprice)