- Thay vì những vấn đề nóng như ùn tắc giao thông, trật tự xây dựng..., HĐND TP Hà Nội đã lựa chọn chuyện công viên và hồ nước cho một phiên chất vấn nhẹ nhàng sáng nay (12/7).


Đại biểu HĐND TP Hà Nội ở phiên chất vấn sáng 12/7. Ảnh: Phạm Hải

Kỳ nào cũng nhắc...

Là người bấm nút chất vấn cuối cùng sau rất nhiều câu hỏi của các đại biểu liên quan nội dung thực trạng quản lý công viên và hồ nước ở Thủ đô, đại biểu Lê Văn Thành nói: "Tôi đã tham gia hội đồng hai nhiệm kỳ, đến giờ vẫn nhắc đến công viên Đống Đa". Chỉ câu chuyện xoay quanh công viên và hồ nước , ông Thành nói "kỳ họp nào cũng nhắc", và vẫn "không thể làm được". 

Lần này ông dứt khoát "nếu không làm mạnh một lần, kỳ họp sau vẫn đưa ra". Chung tâm trạng này, đại biểu Nguyễn Hữu Thắng cũng ngao ngán: "Tôi theo dõi cả chục năm nay, đề tài công viên bàn nhiều, nhưng nếu cứ để như hiện nay thì sẽ tiếp tục bàn trong vài chục năm tới".

Những chất vấn xoáy quanh việc mật độ xây dựng nhà, nhà cao tầng quanh công viên lớn, sự chồng chéo, trách nhiệm không rõ ràng của các đơn vị quản lý công viên, vai trò quản lý công ích của Nhà nước đối với công viên và hồ nước, xã hội hóa không đến nơi đến chốn, doanh nghiệp tận thu dịch vụ làm phá vỡ quy hoạch không gian của công viên như hầm để xe công viên biến thành quán bar, giải phóng mặt bằng xây dựng công viên....

Công viên Tuổi trẻ bị nhiều đại biểu "kêu" nhiều nhất, đặc biệt là mô hình quản lý nhập nhằng giữa doanh nghiệp, Nhà nước, chính quyền địa bàn.

ĐB Đặng Bình An thiết tha: "Hãy trả lại đúng ý nghĩa cho công viên, là nơi người dân đến hưởng thụ cây xanh, sự trong lành".

Trả lời các chất vấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi cho hay hiện Hà Nội có 68 công viên và hồ nước. Việc xã hội hóa công viên là việc làm khó, trong khi phải tính đến cả lợi ích cho doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo những công ích chung đối với cộng đồng, người dân.  Ông dẫn ra những nỗ lực của thành phố trong việc giải phóng mặt bằng, kinh doanh không phép trong công viên... và thẳng thắn khẳng định trước mọi vấn đề có trách nhiệm của UBND TP.

Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh "chốt" một số điểm như đề nghị UBND sắp tới rà soát trên cơ sở quy hoạch theo hướng không điều chỉnh tăng mật độ xây dựng nhà cao tầng quanh công viên. Làm rõ trách nhiệm của đơn vị chủ quản trong quản lý, chọn mô hình quản lý khả thi nhất cho hai loại công viên: công viên vườn hoa công cộng và công viên vui chơi giải trí.

Ngân sách sẽ dành để bố trí đầu tư cho công viên vườn hoa công cộng, còn công viên vui chơi giải trí sẽ thực hiện xã hội hóa. Đến tháng 12 năm nay sẽ xong dự án công viên Hồ Ba mẫu, tháng 11 xong mô hình quản lý công viên Tuổi trẻ, 2013 xong giải phóng mặt bằng công viên Tuổi trẻ, năm 2014 xong giải phóng mặt bằng công viên Đống Đa...

5.000 tỉ đồng hỗ trợ thuế

Một nghịch lý liên quan chương trình hỗ trợ lãi suất đầu tư cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn, đó là có dự toán ngân sách nhưng thực hiện rất thấp, gần như không thể giải ngân. Đó là nội dung chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Nam khi ông dẫn con số của năm 2011 chỉ thực hiện được 2 tỉ đồng trong số ngân sách dự toán 50 tỉ.

Số dư dự toán còn lại được chuyển sang năm nay, cộng với bố trí dự toán mới lên đến gần 100 tỉ đồng, song đại biểu băn khoăn với cơ chế thực hiện chỉ đạt tỉ lệ thấp như năm ngoái thì liệu có thể thực hiện được hỗ trợ bao nhiêu cho doanh nghiệp trong năm nay? giải pháp nào có thể hỗ trợ doanh nghiệp đang khó khăn.

Phó Chủ tịch TP Nguyễn Văn Sửu cũng chỉ ra nghịch lý là thành phố khi dự toán ngân sách luôn quan tâm doanh nghiệp nhưng thực hiện phải dựa trên dự án. Ông cũng nhấn mạnh đây là ngân sách dự toán nhằm hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp, chứ không phải cho vay lãi suất huy động.

Lấy câu chuyện của Đà Nẵng dùng cơ chế, thẩm quyền riêng cho phép, đã có những giải pháp mạnh mẽ hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Văn Phòng chất vấn Hà Nội, ngoài những chương trình, giải pháp thực hiện theo Chính phủ, có những giải pháp riêng nào giúp doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu khẳng định không phải tỉnh nào cũng có "cái khác", có quỹ xúc tiến thương mại, hỗ trợ giá như Hà Nội. Khẳng định việc huy động sử dụng các quỹ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, ông cho hay Hà Nội sẽ tập trung quyết liệt đồng bộ mọi giải pháp. Như liên quan giải phóng mặt bằng, nếu dự án nào giải phóng nhanh, có hồ sơ, người dân đồng thuận, có các phương án di dân thì "cứ lên kho bạc là giải ngân"....

Ông cũng cho hay, tới đây thực hiện chương trình giãn, hoãn, thuế theo Nghị quyết 13 của Chính phủ, thành phố đã chuẩn bị 5.000 tỉ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ lãi suất 60 tỉ, bất chấp điều này có thể ảnh hưởng đến thu ngân sách của thành phố.

Quản lý chung cư: Ưu tiên lợi ích của dân

Về vấn đề quản lý chung cư đang rất bức xúc, các đại biểu nêu nhiều băn khoăn nhưng các câu trả lời lại quá ít ỏi. Trưởng ban Pháp chế HĐND Nguyễn Hoài Nam chỉ ra trong xây dựng các khu đô thị, chung cư mới, Hà Nội “mới chỉ quan tâm đến diện tích, còn quản lý vẫn nhiều vấn đề”.

Theo ông Nam, nhiều chung cư chưa có ban quản trị theo luật định, đến khi có tranh chấp giữa người dân và chủ đầu tư, điển hình gần đây ở các khu Kaengnam, The Mannor…, không có ai quan tâm giải quyết.

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng khẳng định khi chưa có ban quản trị, việc giải quyết tranh chấp phải có cả chính quyền địa phương, các sở ngành liên quan, chủ đầu tư và người dân phối hợp.

Ông Hùng cũng nói đang xây dựng các mô hình quản lý chung cư phù hợp với các hình thức đầu tư xây dựng: “Không thể có một mô hình cho rất cả, nhưng phải đảm bảo trật tự an toàn và điều kiện sống tốt nhất cho cư dân”.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà cho các hộ dân ở chung cư quá chậm, dù họ đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính, cũng là vấn đề bức xúc.

Sở Xây dựng Hà Nội viện dẫn lỗi ở các chủ đầu tư chậm bàn giao giấy tờ, hợp đồng cho các công ty kinh doanh nhà, song các ĐB nhấn mạnh: Đó là vấn đề giữa doanh nghiệp và nhà nước, người dân đã hoàn thành nghĩa vụ thì phải được đảm bảo quyền lợi.

Linh Thư - Chung Hoàng