Hãng Reuters đưa tin, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa vừa cho hay, các quốc gia Đông Nam Á đã đạt được một “lập trường chung” về vấn đề tranh chấp Biển Đông, nhưng sẽ không khôi phục lại một thông cáo chung vốn bị huỷ bỏ sau những bất đồng tại hội nghị thượng đỉnh khu vực tuần trước.

Ông Natalegawa nói với Reuters rằng, 10 quốc gia thành viên đã nhất trí về các yếu tố của một “văn kiện” của ASEAN, sẽ được Campuchia - nước chủ tịch ASEAN, đưa ra cuối ngày hôm nay và chi tiết những gì được nhất trí tại Diễn đàn Khu vực ASEAN tuần trước ở Phnom Penh (kể cả tranh chấp hàng hải).

"Chúng tôi đang nỗ lực rằng, những quyết định khác của các ngoại trưởng sẽ được trình bày trong một văn kiện khác”, Ngoại trưởng Indonesia nói. Ông nhấn mạnh rằng, tuyên bố chung bị huỷ bỏ tuần trước vì một trong bốn đoạn liên quan tới vấn đề Biển Đông trong văn kiện dự thảo đã không thể đạt được đồng thuận.

  Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa. Ảnh: Minh Thăng

Ngoại trưởng Natalegawa cho hay, khối này sẽ đưa ra văn kiện gồm chi tiết 6 nguyên tắc của ASEAN mà không đề cập tới những vụ việc cụ thể ở Biển Đông. Ông nhấn mạnh, ASEAN đã học được những bài học từ sự bất hoà ở Phnom Penh.

"Bạn chỉ có thể có một ASEAN đóng vai trò trung tâm trong khu vực nếu bản thân ASEAN đoàn kết và thống nhất. Tuần trước, chúng ta đã thử nghiệm, có một số khó khăn nhưng chúng ta đã trưởng thành từ đó”, ông nói. "Indonesia đã tiên phong trong việc tái hợp ASEAN qua 36h nỗ lực, ngoại giao con thoi, những chuyến thăm và điện đàm để giờ đây, một lần nữa, chúng ta có thể đạt được lập trường chung về Biển Đông”.

Tuần trước, tại hội nghị khu vực, lần đầu tiên trong 45 năm, các thành viên ASEAN đã không nhất trí về tuyên bố chung sau khi sự kiện kết thúc.

Ông Marty Natalegawa đã hoạt động tích cực trong chuyến công du con thoi khắp Đông Nam Á hai ngày qua để thuyết phục các thành viên ASEAN ủng hộ một tuyên bố chung của khối về vấn đề Biển Đông.

Biển Đông là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và bốn nước Đông Nam Á, trong đó Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền với hầu như toàn bộ vùng biển này.

Theo giới phân tích, sự thất bại khi không đưa ra được tuyên bố chung và những tranh cãi sau cánh cửa hội nghị khép chặt về các ngôn từ sử dụng hay không sử dụng khiến ASEAN gặp khó khăn trong lộ trình thực hiện kế hoạch hình thành một cộng đồng kinh tế kiểu như EU vào năm 2015.

Thái An (theo Reuters)