Nhiều nhà phân tích trên thế giới đã đặt dấu hỏi về việc Mỹ đang mất dần vị thế siêu cường, và ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang được củng cố. Tuy nhiên, một báo cáo mới đưa ra đã phác thảo một chiến lược cho Mỹ nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực.
Mỹ lập tác chiến không quân - hải quân, TQ nổi đóa
TQ triệu tập đại diện Mỹ vì Biển Đông
Báo cáo mang tên: "Quan điểm
chiến lược của lực lượng Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Đánh giá độc
lập" cho biết, Mỹ đang chuẩn bị cho khả năng một cuộc xung đột với Trung Quốc.
Báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược độc lập (CSIS) tại Washington đưa ra.
Trung tâm này là một tổ chức phi chính phủ nhưng được Bộ quốc phòng Mỹ ủy thác
thực hiện đánh giá.
Tàu sân bay Mỹ. Ảnh: Reuters |
Báo cáo trên đã được đưa vào thảo luận trong các cuộc họp của các quan chức quân sự cấp cao trong Tư lệnh Thái Bình Dương của Lầu Năm Góc. CSIS đưa ra báo cáo này vào ngày 27/6 nhưng chỉ được giới truyền thông biết tới sau khi các tác giả chính - David Berteau và Michael Green - giải trình trước Ủy ban Vũ trang Hạ viện Mỹ ngày 1/8.
Báo cáo nói: "Sự bất ổn trong địa chiến lược mà Mỹ và các đồng minh cũng như đối tác đối mặt tại châu Á - Thái Bình Dương là sức mạnh trỗi dậy của Trung Quốc cùng ảnh hưởng của nó sẽ tác động thế nào tới trật tự và ổn định những năm tới đây".
CSIS tán thành việc tái sắp xếp và tăng cường các lực lượng quân sự Mỹ ở Guam và quần đảo Bắc Mariana - những vị trí chiến lược ở Tây Thái Bình Dương. Báo cáo cũng ủng hộ việc triển khai tàu chiến tại Singapore sẽ có khả năng thu thập thông tin tình báo, thực hiện các hoạt động đặc biệt, hỗ trợ quân đổ bộ với xe bọc thép.
Báo cáo xác nhận việc Mỹ đã tổ
chức đàm phán với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines... về khả
năng tiếp cận các căn cứ quân sự.
Không chỉ dừng ở đó, báo cáo còn khuyến nghị rằng, mục tiêu chiến lược sâu xa của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là ngăn chặn “sự vươn lên thành bá chủ của bất kỳ quốc gia nào trong khu vực, đe dọa những lợi ích của Mỹ bằng cách cản trở đường đi của nước Mỹ hoặc chiếm lĩnh các vùng biển của khu vực này. Với quan điểm đó, vấn đề quan trọng nhất của Mỹ tại châu Á hiện nay là sự vươn lên, tầm ảnh hưởng và dự tính về sự lớn mạnh của Trung Quốc trong khu vực”. Hay nói một cách khác, vị trí bá chủ vượt trội của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương phải được duy trì.
Các tác giả đề xuất việc triển khai tàu sân bay hạt nhân Mỹ ở Australia, tăng gấp đôi số lượng các tàu ngầm tấn công hạt nhân ở Guam, triển khai các tàu chiến tới Hàn Quốc và nâng cấp hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại Nhật, Hàn Quốc và Guam.
Báo cáo còn đề cập tới việc bố trí thường xuyên một phi đội ném bom tại Guam cũng như tăng cường các máy bay giám sát có người lái và không người lái trong khu vực. Ngoài ra còn là việc thúc đẩy sự hiện diện của quân đội Mỹ bao gồm triển khai hơn 2.500 lính thủy đánh bộ tại Australia.
Các khuyến nghị đưa ra trùng khớp với chiến lược "trục xoay châu Á" mà chính quyền Obama công bố đầu năm. Đó là một kế hoạch gia tăng sự hiện diện quân sự Mỹ ở khắp châu Á - Thái Bình Dương.
Chính phủ Mỹ đang nỗ lực để hoàn thành mục tiêu này. Mới tuần trước, Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ triển khai sứ mệnh giám sát ở một chuỗi đảo Thái Bình Dương vốn đã trở thành điểm nóng tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Washington cũng khẳng định sự ủng hộ vững chắc với Philippines trong quá trình xảy ra tranh chấp mới nhất giữa nước này với Trung Quốc ở Biển Đông kể từ tháng 4 tại bãi cạn Scarborough. Động thái của Mỹ đã chọc giận Bắc Kinh. Trung Quốc chỉ trích rằng, sự hiện diện của các tàu hải quân Mỹ đã gây trở ngại cho các tuyến vận chuyển nguyên liệu thô và năng lượng quan trọng với Trung Quốc.
Các tác giả báo cáo không khuyến khích một cuộc chiến với Trung Quốc nhưng cũng không loại trừ khả năng xung đột trong trường hợp lợi ích của Mỹ bị đe dọa.
Thái An (theo rt)