Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch xây dựng một hệ thống lá chắn tên lửa mới ở châu Á được cho là để đối phó với những mối đe dọa từ Triều Tiên cũng như các khả năng tên lửa mới của Trung Quốc(?)
Kế hoạch mới là một phần cuộc "dàn trận" phòng thủ ở châu Á với hệ thống rađa mới ở phía nam Nhật Bản và có thể một hệ thống khác ở Đông Nam Á gắn liền với các tàu phòng thủ tên lửa cũng như hệ thống đánh chặn trên đất liền. Đây cũng là một phần chiến lược quốc phòng mới của chính quyền Obama trong việc chuyển dịch các tài nguyên về khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau một thập niên chiến tranh tại Iraq và Afghanistan.
Động thái trên xuất hiện vào thời điểm Mỹ và các đồng minh trong khu vực báo động vì nguy cơ tên lửa Triều Tiên. Họ cũng ngày càng lo lắng trước quan điểm hây gấn của Trung Quốc ở các vùng nước tranh chấp thuộc Biển Đông. Các nhà hoạch định chiến lược quốc phòng Mỹ đặc biệt quan ngại về việc Trung Quốc phát triển các tên lửa đạn đạo chống hạm có thể đe dọa hạm đội tàu sân bay của Hải quân Mỹ - lực lượng chủ chốt để Mỹ khuếch trương sức mạnh tại châu Á.
"Trọng tâm của chúng tôi là Triều Tiên", Steven Hildreth, một chuyên gia phòng thủ tên lửa tại cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho biết. "Thực tế là chúng tôi đang xem xét khả năng dài hạn hơn, đó là Trung Quốc". Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa bình luận trực tiếp gì về kế hoạch nói trên, nhưng tỏ ra khá thận trọng.
Lầu Năm Góc lo ngại về việc Trung Quốc phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm mới có thể nhằm vào hạm đội của Mỹ ở Thái Bình Dương. Ảnh: Getty Images |
"Trung Quốc luôn tin rằng, vấn đề phòng thủ tên lửa cần được xử lý một cách thận trọng, từ quan điểm bảo vệ sự ổn định chiến lược toàn cầu và thúc đẩy lòng tin cậy lẫn nhau giữa mọi quốc gia", họ nói trong tuyên bố đưa ra hôm thứ 5. "Chúng tôi ủng hộ tất cả các bên tôn trọng và cân nhắc tới những mối quan tâm an ninh của một bên khác, cố gắng thực hiện an ninh vì lợi ích chung và những nỗ lực cùng có lợi, trong khi tránh xảy ra tình huống để một nước đặt ưu tiên an ninh quốc gia của mình lên trên an ninh quốc gia của nước khác".
X-Band
Trung tâm của nỗ lực mới sẽ là việc triển khai một hệ thống rađa cảnh báo sớm gọi là X-Band, trên một hòn đảo ở phía nam Nhật Bản, quan chức quốc phòng Mỹ cho biết. Lầu Năm Góc đang thảo luận vấn đề này với Nhật - một trong những đồng minh thân cận nhất của Washington trong khu vực. Hệ thống rađa sẽ được lắp đặt trong vòng vài tháng theo thỏa thuận với Nhật.
Một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nhật nói rằng, Tokyo chưa bình luận gì. Mỹ và Nhật Bản đã bác bỏ việc triển khai rađa mới ở Okinawa.
Các quan chức thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và cơ quan phòng thủ tên lửa của Mỹ cũng đang xem xét những địa điểm trong khu vực Đông Nam Á cho một rađa X-Band thứ ba tạo thành một vòng cung cho phép Mỹ và các đồng minh khu vực theo dõi chính xác hơn bất kỳ vụ phóng tên lửa đạn đạo nào từ phía Triều Tiên cũng như Trung Quốc.
Một số quan chức quốc phòng Mỹ đã tập trung vào Philippines như một địa điểm tiềm năng cho X-Band thứ ba. Nhưng quan chức Lầu Năm Góc nói rằng chưa xác định bất cứ nơi nào và các cuộc bàn thảo mới ở giai đoạn khởi đầu.
Theo giới phân tích, việc tăng cường hiện diện của Mỹ sẽ làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc - nước từng chỉ trích gay gắt hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ trong quá khứ. Bắc Kinh lo ngại hệ thống ấy - tương tự như hệ thống Mỹ đang triển khai ở Trung Đông và châu Âu để đối phó với Iran, có thể xói mòn chiến lược răn đe của Trung Quốc. Bắc Kinh đã phản đối việc triển khai X-Band đầu tiên của Mỹ ở Nhật năm 2006, Moscow cũng có động thái tương tự về hệ thống ở châu Âu và Trung Đông.
Vòng cung phòng thủ
Hiện Lầu Năm Góc cũng đặc biệt lo ngại về sự mất cân bằng quyền lực ngày càng lớn xuyên eo biển Đài Loan. Trung Quốc đã phát triển các tên lửa đạn đạo hiện đại và tên lửa đạn đạo chống hạm có thể nhằm mục tiêu là lực lượng hải quân Mỹ trong khu vực. Theo báo cáo hàng năm mới nhất của Lầu Năm Góc, Trung Quốc có khoảng 1.000-1.200 tên lửa đạn đạo tầm ngắn nhằm vào Đài Loan và đang phát triển các tên lửa dẫn đường, đạn đạo tầm xa hơn bao gồm một loại được thiết kế để đánh trúng mục tiêu là tàu di động ở khoảng cách cả ngàn km.
Vòng cung X-Band được đề xuất cho phép Mỹ không chỉ dõi theo toàn bộ hoạt động từ Triều Tiên mà còn nhìn sâu hơn vào Trung Quốc, các quan chức Mỹ nói.
Một mục tiêu khác của Lầu Năm Góc là trấn an các đồng minh đang lo lắng trong khu vực. Nhiều nước muốn có sự ủng hộ của Mỹ, đồng thời không muốn khiêu khích Trung Quốc và họ không chắc Washington có thể đối trọng với sự hiện đại hóa quân sự nhanh chóng của Bắc Kinh hay không bởi những khó khăn tài chính của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trong chuyến thăm tàu chiến USS John C. Stennis gần đây nói rằng, Mỹ sẽ "tập trung lực lượng vào Thái Bình Dương".
Jeffrey Lewis, giám đốc chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á tại Viện nghiên cứu quốc tế Monterey ở California, cho hay, bất kỳ kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa nào ở châu Á sẽ đều là hồi chuông báo động Trung Quốc. Ông Hildreth ở cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ thì nói, Mỹ đang "đặt các nền móng" cho hệ thống phòng thủ tên lửa rộng lớn trong khu vực, có thể kết hợp tên lửa đạn đạo phòng thủ của Mỹ với những cường quốc khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.
Một khi X-Band xác định được quỹ đạo của tên lửa, Mỹ có thể triển khai các tên lửa đánh chặn từ mặt đất hay trên biển. Hải quân Mỹ đã đưa ra kế hoạch mở rộng hạm đội tàu chiến có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo từ 26 tàu hiện tại lên 36 tàu vào năm 2018. Các quan chức Mỹ cho hay, khoảng 60% trong số này có thể được triển khai ở châu Á - Thái Bình Dương.
Thái An (theo Wall Street Journal)