Khi Trung Quốc khánh thành giàn khoan nước sâu đầu tiên hồi tháng 5, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia nước này (CNOOC) đã gửi một thông điệp tới cấp trên cùng nhân viên về ý nghĩa của giàn khoan đối với tham vọng của Bắc Kinh ở nước ngoài.
>> TQ lại mời thầu dầu khí ở Biển Đông
>> TQ đóng tàu khu trục, lập căn cứ giám sát biển
"Các giàn khoan nước sâu cỡ lớn là lãnh thổ quốc gia di động và là một vũ khí chiến lược”, ông Vương Dĩ Lâm nói. CNOOC đang sử dụng giàn khoan để khoan ba giếng trong năm nay ở Biển Đông - vùng biển diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và nhiều nước khác, cũng là nơi “đụng độ” giữa Bắc Kinh và Washington.
Vương giờ đây đang tập trung vào thỏa thuận trị giá 15,1 tỉ USD của CNOOC để mua lại công ty Nexen của Canada - một hợp đồng “bom tấn” cần có sự phê duyệt của Mỹ vì các tài sản năng lượng của Nexen ở vịnh Mexico.
Đây cũng là thỏa thuận mới nhất trong một vai trò kép mà Vương thừa nhận kể từ khi nắm quyền ở CNOOC năm ngoái: điều hành công ty như một doanh nghiệp hoạt động ở nước ngoài theo định hướng lợi nhuận đa quốc gia, và thúc đẩy nó như một tài sản chính trị và chiến lược ở trong nước.
Xung đột giữa hai vai trò này làm dấy lên những lo lắng ở chính Trung Quốc - nơi thậm chí một số người trong công ty của Vương cũng e ngại rằng, các động thái mang tính chính trị của CNOOC ở Biển Đông có thể bị xem là quá gây hấn. Vương dẫn dắt CNOOC để khẳng định yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở đây, bất chấp cạnh tranh chủ quyền với một số nước khác.
Ngoài ra còn có những quan ngại trong ngành công nghiệp dầu khí Trung Quốc, gồm nỗi lo về việc CNOOC tuyên bố thỏa thuận với Nexen trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ - nơi mà vấn đề Trung Quốc đã trở thành vấn đề tranh cãi chính trị nóng bỏng. "Thời điểm có vẻ không hợp lý”, một người có quan hệ mất thiết với các công ty dầu khí lớn của Trung Quốc nói. “Nếu không thành công, nguy cơ thực sự rất lớn” với những công ty khác của Trung Quốc có tham vọng tại Bắc Mỹ.
Khuếch trương chính trị?
Các động thái gần đây của CNOOC dưới thời các nhà điều hành trong đó có Vương là sử dụng những thỏa thuận ở nước ngoài để thúc đẩy sự tín nhiệm chính trị. Nó xuất hiện trong bối cảnh Trung Quốc yêu cầu các tập đoàn nhà nước tìm kiếm kinh doanh vượt ra ngoài phạm vi bờ biển Trung Quốc, và đúng vào thời điểm Trung Quốc đang tìm kiếm những nhà lãnh đạo trẻ tuổi hơn có hiểu biết quốc tế và năng lực kinh doanh.
"Nó sẽ là niềm tự hào chính trị” nếu Vương có thể thành công trong thỏa thuận với Nexen, người viết về các nhà điều hành dầu khí Trung Quốc tại Viện Brooking ở Washington - Erica Downs - cho biết. Vương, 55 tuổi, xem ra đang cạnh tranh cho một vị trí cao hơn, các nhà phân tích và người thông hiểu những hoạt động của CNOOC đánh giá.
Là một tập đoàn dầu khí ngoài khơi chính của Trung Quốc, CNOOC trở thành công ty Trung Quốc có dính líu nhiều nhất với Biển Đông.
CNOOC hồi tháng 6 tuyên bố mở vòng thầu mới các lô dầu khí cho những đối tác nước ngoài. Các lô này nằm trong phạm vi mà Việt Nam khẳng định thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình theo Công ước LHQ về Luật Biển.
Vương bắt đầu sự nghiệp của mình
tại bộ Xăng dầu Trung Quốc sau khi có tấm bằng cử nhân ngành thăm dò và địa chất
dầu khí tại Trung Quốc năm 1982. Sau khi bộ này giải tán và được thay thế bởi
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), Vương dành thời gian những năm 1990
và đầu 2000 ở cương vị điều hành CNPC tại khu vực giàu tài nguyên Tân Cương. Một
quan chức CNPC cho biết, Vương “khá khiêm tốn” trong công ty nhưng được xem là
người có thẩm quyền cao.
Sau khi thăng tiến lên vị trí thứ ba trong CNPC năm 2003, Vương đã đảm nhận vai
trò dẫn dắt CNOOC năm ngoái trong cuộc tái cơ cấu ngành công nghiệp dầu khí
Trung Quốc.
Vương được tin là có sự ủng hộ chính trị lớn. Một người nói rằng, công việc của
Vương ở Biển Đông dường như là nỗ lực để “khuếch trương” sự tín nhiệm chính trị,
thể hiện rằng ông có thể bảo vệ các lợi ích của Bắc Kinh ở một trong vùng tranh
chấp nhạy cảm nhất của khu vực.
Thái An (theo Wall Street Journal)