Vào thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sắp tới Bắc Kinh, Trung Quốc đã cảnh báo Mỹ không can dự vào các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi. Ảnh: presstv

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trong cuộc họp báo ngắn nói rằng, Mỹ không phải là một lực lượng hữu ích trong việc giải quyết các tranh chấp hàng hải.

"Chúng tôi lưu ý rằng, Mỹ đã nhiều lần khẳng định không đứng về phía nào trong tranh chấp", người phát ngôn Hồng nói khi được hỏi về vai trò của Mỹ. "Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ tuân thủ các cam kết của họ và làm nhiều điều có lợi hơn cho hòa bình và ổn định khu vực, chứ không phải ngược lại".

Báo chí Trung Quốc, trong đó có Nhân dân Nhật báo cho hay, tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông nằm trong số "các lợi ích quốc gia cốt lõi" của Bắc Kinh - cách diễn đạt cho thấy Trung Quốc coi tầm quan trọng của chủ quyền ở Biển Đông ngang bằng với Tây Tạng và Tân Cương.

Ông Hồng không trả lời câu hỏi một cách trực tiếp. "Trung Quốc, như bất kỳ nước nào khác trên thế giới, có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình", vị này tuyên bố.

Liên quan tới vấn đề Biển Đông, quan chức Philippines hôm nay đã hoan nghênh kêu gọi của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về một giải pháp hòa bình cho tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin nói, sự ủng hộ của bà Clinton cho một giải pháp hòa bình vấn đề tranh chấp và thông qua một bộ quy tắc ứng xử là các mục tiêu mà Manila cũng đang tìm kiếm.

Bà Clinton trong chuyến thăm Indonesia đã cảnh báo chống lại bất cứ hành động áp chế nào trong bất đồng ở Biển Đông và thúc giục đạt được tiến bộ về bộ quy tắc ứng xử.

"Chúng ta bấy lâu đã cố gắng đã hoàn tất bộ quy tắc. Bộ quy tắc này sẽ giảm thiểu bất kỳ cuộc đối đầu nào trong khu vực", ông Gazmin nói với báo chí. "Đó là những gì chúng ta đang tìm kiếm. Chúng ta cần nói chung một tiếng nói. Nếu chúng ta đoàn kết, chúng ta có thể đối phó với một nước lớn và chúng ta có thể theo đuổi một giải pháp thông nhất trong ASEAN và các nước bên thứ ba", ông nói.

Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với một số nước ASEAN. Họ đưa ra yêu sách chủ quyền với hầu như toàn bộ Biển Đông bất chấp các ranh giới lượn sát gần bờ biển nước khác. Trong tháng 4, tàu Trung Quốc và Philippines đã đụng độ tại bãi cạn Scarborough. Trong khi Philippines rút các tàu của họ khỏi khu vực này thì tàu Trung Quốc vẫn ở lại.

Cũng trong hôm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez đã nhấn mạnh rằng, Philippines đang tìm kiếm một "cách tiếp cận đa phương, hòa bình, dựa trên luật pháp" để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

Thái An (theo Mysinchew, Reuters)