Các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc tìm kiếm các đề xuất cải tổ kinh tế ở những tổ chức cố vấn chính sách để có thể hạn chế bớt quyền lực của tập đoàn nhà nước, tự do hơn trong thiết lập lãi suất cũng như tỉ giá đồng nhân dân tệ.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm chậm trễ trong cải tổ cơ cấu, một số tác giả của các đề xuất bày tỏ quan ngại rằng, sự phục hồi mỏng manh trong tăng trưởng kinh tế có thể làm chệch hướng chương trình đề xuất. "Trung Quốc đang tiếp cận một giai đoạn mà chính phủ phải thực thi những cải tổ cơ bản hơn", Thạch Hiểu Dân, phó chủ tịch Hiệp hội Cải cách kinh tế - tổ chức cố vấn thuộc UB Phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc, cho biết.

Ngân hàng Thế giới cảnh báo, Bắc Kinh cần áp dụng những cải tổ sâu rộng để tránh một cuộc khủng hoảng. Ảnh: carnegieendowment

Tiến trình chuyển giao quyền lực cao nhất của Trung Quốc sẽ diễn ra trong tháng tới tại đại hội đảng lần thứ 18. Phó chủ tịch Tập Cận Bình được cho là sẽ kế nhiệm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào còn ông Lý Khắc Cường sẽ thay thế Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Đại hội dự kiến diễn ra ngày 8/11.

Đại hội Đảng Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng yếu nhất trong ít nhất 13 năm trở lại đây sau cả ba thập niên đạt mức tăng trưởng gần 10%.

Hãng Reuters đã phỏng vấn 5 cố vấn chính sách liên quan tới những đề xuất cải cách. Họ nói rằng, đề nghị chương trình nghị sự đến từ các thành viên của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc. Đáng kể hơn, một số nguồn tin cho hay, các thành viên nội các Trung Quốc đã thể hiện sự quan tâm lớn tới việc tìm kiếm những đề xuất từ tầng lớp cố vấn chính sách ngoài Bắc Kinh. Điều này thể hiện sự đồng thuận quốc gia trong việc tìm kiếm nội dung và thời gian biểu thích hợp cho một công cuộc cải cách cơ cấu mạnh tay ở Trung Quốc.

Ưu tiên cao trong đề xuất của các cố vấn là làm sao hạn chế sự can thiệp của chính phủ trong nền kinh tế cũng như ngăn chặn đặc quyền của hơn 100.000 doanh nghiệp nhà nước (SOE) bao gồm ưu đãi tiếp cận nguồn vốn cho vay từ ngân hàng hay các hợp đồng chính phủ.

Những cải cách khác được đề xuất trong tín dụng ngân hàng, đất đai và tài nguyên tự nhiên. Tín dụng hiện nay ở Trung Quốc được phân bổ bởi chính quyền trung ương. Các ngân hàng nhà nước "nhận lệnh" cho vay bao nhiêu và khi nào - chủ yếu với các doanh nghiệp và dự án nhà nước. Trong khi toàn bộ đất đai và tài nguyên cơ bản do nhà nước sở hữu, quyền sở hữu cá nhân hạn chế với quyền cho thuê để sử dụng tạm thời.

Theo giới phân tích, các cải tổ trên sẽ mang tới sự thay đổi căn bản với cơ cấu kinh tế Trung Quốc. "Tôi cho rằng, sự đồng thuận về cải tổ đã được hình thành ở cấp trung ương cho dù còn nhiều người còn có những khác biệt về thời điểm và cách thức thực thi cải cách", Vương Quân, nhà kinh tế học cấp cao tại Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế - tổ chức cố vấn hàng đầu cho chính phủ ở Bắc Kinh, nói.

Bẫy thu nhập trung bình

Giới chuyên gia nói rằng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần "mở khóa" cho các tiềm năng phát triển mới, đặt nền kinh tế vào con đường ổn định hơn để tranh "bẫy thu nhập trung bình" - khi mà thị phần bị mất dần về tay các đối thủ cạnh tranh có chi phí thấp hơn, và khả năng đạt được vị thế các nước có thu nhập cao lại quá xa vời.

Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay, GDP tính theo đầu người của Trung Quốc là 5.500 USD năm ngoái, so với 22.400 USD ở Hàn Quốc, 34.500 USD ở Hong Kong và 46.200 USD tại Singapore.

Quỹ đạo thay đổi

Những đổi thay trong quá khứ dường như đã ủng hộ quan điểm của các nhà kinh tế giấu tên. Đặng Tiểu Bình đã tiến hành công cuộc cải tổ kinh tế cuối những năm 1970 để cứu vãn nền kinh tế ở bờ vực sụp đổ sau cuộc Cách mạng Văn hóa.

Ông đã có chuyến đi nổi tiếng tới phía nam Trung Quốc năm 1992 để khởi động giai đoạn thứ hai của cuộc cải tổ kinh tế sau sự kiện Thiên An Môn 1989. Và hàng loạt các biện pháp cải cách thị trường sâu rộng đã được thủ tướng Trung Quốc bấy giờ là Chu Dung Cơ áp dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận, ba thập niên với 10% tăng trưởng trung bình GDP hàng năm đã qua và nền kinh tế cần những động lực "tươi mới", giới phân tích nhấn mạnh.

Trong tháng 2, WB đưa ra báo cáo rằng, Bắc Kinh cần áp dụng những cải tổ sâu rộng để tránh một cuộc khủng hoảng. Theo WB, tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc có thể chậm lại, còn khoảng 5%/năm trong giai đoạn 2026-2030, từ mức 8,5% giai đoạn 2011-2015.

Quan điểm chủ đạo của Bắc Kinh là đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, rằng các lợi ích đã giảm dần từ những cải cách trong quá khứ và áp lực mở cửa thị trường khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới một thập niên trước.

Và kể cả khi những cải cách mới cũng không thể nhanh chóng tạo ra sự chuyển biến. "Phần dễ dàng nhất của cải cách đã được thực hiện trong 30 năm qua, nên chúng tôi sẽ không còn nhiều lĩnh vực để cải cách có thể mang lại kết quả nhanh chóng", nhà phân tích Trác Huệ Tân cho biết.

Thái An (theo Reuters)