Từ chiếm hữu đất đai trái phép đến tranh chấp lao động và gia tăng các cuộc biểu tình liên quan tới môi trường… Đảng cầm quyền Trung Quốc (CPC) đang đứng trước yêu cầu cấp thiết là giải quyết những bất an, lo lắng từ người dân.

"Bất cứ khi nào chúng ta đưa ra một quyết định liên quan đến lợi ích trước mắt của người dân, chúng ta phải thu hút và xem xét quan điểm của họ về vấn đề đó. Chúng ta không được làm điều gì có thể tổn hại đến lợi ích của dân và phải sửa chữa bất kỳ hành động nào gây tổn hại tới lợi ích của họ”, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nói trong báo cáo trước đại hội toàn quốc CPC lần thứ 18.

Ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc. Ảnh: Econews

Tuy nhiên, những lời của ông Hồ Cẩm Đào không đủ làm an lòng Trương Thiết Hữu, một nông dân ở thị trấn nhỏ bên bờ Dương Tử thuộc tỉnh An Huy. "Vâng, chúng tôi muốn có quyền tham gia vào quá trình ra quyết định, nhưng nó không phải là điều dễ dàng”, Trương nói.

Năm 2011, Trương và dân làng đã đổ xuống đường biểu tình phản đối nhà máy hoá chất công nghiệp xây dựng gần làng họ bởi họ cho rằng, nó là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt, phá huỷ mùa màng và khiến nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn không an toàn. Nhà máy này đang sản xuất formaldehyde.

Cuối cùng, người dân làng với sự giúp đỡ của báo chí và các tổ chức môi trường phi chính phủ, đã khiến chính quyền địa phương ra quyết định buộc nhà máy di dời và dành chi phí làm sạch môi trường. "Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lo lắng vì những mối nguy tiềm ẩn - chúng tôi không biết có bao nhiêu dự án khác đang đe dọa môi trường vẫn đang hoạt động gần chúng tôi hoặc sẽ đến với chúng tôi”, Trương nói. "Chúng tôi háo hức về quyền được thông tin”.

Sau hơn 30 năm phát triển nhanh chóng, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng cũng phải trả giá đắt về tài nguyên và môi trường. Việc mở rộng mô hình tăng trưởng và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng trong các thập niên qua đã dẫn tới tình trạng thiếu thốn, khan hiếm tài nguyên, môi trường bị hủy hoại và tồi tệ hơn là ngày càng có nhiều “sự cố lớn”.

Năm 2012, ba cuộc biểu tình phản đối việc xây dựng các nhà máy hóa chất gần khu dân cư đã xảy ra ở thành phố Thập Phương, Ninh Ba và Khởi Đồng. Bạo động thậm chí đã xảy ra khi người dân địa phương đối đầu với quan chức chính quyền. Toàn bộ các dự án này cuối cùng đã phải hủy bỏ và người dân dường như giành phần “thắng”.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, chính quyền phải tìm kiếm giải pháp có hệ thống để giảm bớt những lo ngại của người dân về ô nhiễm môi trường và mất lòng tin vào cơ quan chức trách. Nếu không, các cuộc biểu tình tương tự sẽ xảy ra tiếp tục.

"Trong hầu hết trường hợp, chính quyền đã không trưng cầu ý kiến của người dân một cách hiệu quả khi họ quyết định xây dựng một dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, họ cũng không làm tốt trong việc công bố những kiến thức khoa học để người dân bớt lo lắng”, Vương Khải Vũ, một nhà xã hội học ở tỉnh An Huy cho biết.

"Trung Quốc không thể phát triển theo cách toàn diện mà không có công nghiệp hóa chất, nhưng cùng lúc đó, sức khỏe cộng động phải được đảm bảo”, Lưu Chí Biểu, chủ tịch Viện Khoa học xã hội tỉnh Giang Tô nói. "Mọi người ở tất cả các tầng lớp, những tổ chức phi chính phủ đặc biệt là các nhóm chuyên gia cần có cơ hội tham gia vào quá trình ra quyết định của chính phủ”, ông nhấn mạnh.

CPC cũng đã nhận thấy các yếu tố gây mất ổn định trong phát triển kinh tế và xã hội đất nước. Ngoài cam kết để người dân có tiếng nói hơn trong việc ra quyết định của chính quyền, CPC còn thể hiện quyết tâm giải quyết vấn nạn môi trường. Trong báo cáo đưa ra tại đại hội, ông Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến bộ sinh thái và chủ trương xây dựng một “Trung Quốc tươi đẹp” trong kế hoạch phát triển tổng thể của đất nước.

"Chúng ta phải đặt ưu tiên để đạt được tiến bộ sinh thái, nỗ lực xây dựng một đất nước tươi đẹp và đạt được sự phát triển lâu dài, bền vững”, ông Hồ Cẩm Đào tuyên bố. Ông cho rằng, tiến bộ sinh thái có một vị trí nổi bật khi được kết hợp vào kế hoạch phát triển chung của đất nước cùng với những tiến bộ kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội.

"Để xây dựng một Trung Quốc tươi đẹp và hòa hợp, Đảng phải có sự cân bằng giữa những yêu cầu của người dân và phát triển kinh tế”, Vương Đông, một đại biểu tham dự đại hội Đảng cho biết.

Thái An (theo THX)