- Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho rằng, trong số những người nộp đơn tự ứng cử khóa trước, Mặt trận đã chọn giới thiệu những người tốt nhất. Quyết định bỏ phiếu là ở cử tri.

Rất khó minh định chất lượng đại biểu

Tại hội nghị đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ  tuần qua, nhiều ý kiến đề nghị phải làm rõ hơn các tiêu chuẩn để bầu ĐBQH, nhất là tiêu chuẩn về ràng buộc trách nhiệm với cử tri, tránh tình trạng ĐB được bầu ra không gắn bó mật thiết và không chịu trách nhiệm với người bỏ phiếu cho mình. Theo ông, liệu có thể làm rõ được tiêu chuẩn này không và bằng cách nào?

- Giữa ứng viên và cử tri phải luôn có sự ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ.

Nhưng theo cách làm hiện nay, cả MTTQ và cử tri đều không đủ điều kiện cần thiết để đánh giá chất lượng hoạt động của các ĐBQH sau khi đã được bầu. Mỗi kỳ họp chỉ truyền hình trực tiếp trong khoảng 3 - 5 ngày, lại vào giờ hành chính nên không phải ai cũng có điều kiện theo dõi. Sau đó chủ yếu báo chí trích đưa tin các ý kiến phát biểu. Như tôi nhẩm tính, mỗi kỳ họp, báo chí cùng lắm chỉ đưa được ý kiến của khoảng 30 - 50 người. Thêm vào đó, nhiều báo chủ yếu tập trung khai thác một số ĐB “ruột” chứ chưa hẳn đã đưa tin toàn diện về các hoạt động khác.

Ông Nguyễn Văn Pha: Tạo điều kiện cho cử tri biết được mặt mũi, tác phong, năng lực của người ứng cử. Ảnh: Hoàng Long

Như vậy cùng lắm chỉ có 10% ĐB nêu ý kiến được báo chí trích lại. Trong khi đó, theo quan sát của tôi, rất nhiều ĐB hăng hái phát biểu sôi nổi, thẳng thắn tại các buổi họp tổ, tại Hội đồng dân tộc cũng như các ủy ban nhưng ít được giới truyền thông đưa tin.

Do đó, nếu các thành viên MTTQ và người dân đánh giá ĐB chỉ dựa vào hình ảnh nhìn thấy trên truyền thông hoặc trên mặt báo thì rõ ràng không đủ cơ sở đo lường chất lượng hoạt động của họ.

Nhưng mỗi ứng viên khi đi vận động tranh cử đều phải nêu chương trình hành động, và dân đã bỏ phiếu bầu ra đại biểu thì có quyền được biết hoạt động của người đại diện cho mình. Vậy giải quyết tồn tại như ông nói ở trên bằng cách nào? Liệu có kênh nào để đo lường trách nhiệm của đại biểu?

- Ngoài truyền thông, vẫn còn có thêm một số kênh nữa, cụ thể nhất là vào mỗi trước và sau kỳ họp, các đại biểu đều phải về tiếp xúc cử tri nơi đơn vị mình ứng cử.

Nhưng hiện nay cách thức tiến hành các hội nghị tiếp xúc cử tri còn rất hành chính. Đa phần là các đoàn sẽ cử ra một người đại diện để báo cáo, một người lên lĩnh hội, tiếp thu các kiến nghị của cử tri. Như vậy người dân khó có thể biết được những vị đại biểu còn lại hoạt động gì, như thế nào.

Cũng chưa có kênh tiếp xúc rộng rãi để người dân chất vấn các đại biểu hỏi xem tôi đã uỷ quyền cho anh thì anh đại diện và thay mặt tôi như thế nào? Chương trình hành động của anh đã làm được đến đâu?

Tổ chức tiếp xúc cử tri đấy, nhưng rồi cử tri vẫn không có đủ điều kiện để đánh giá hết hoạt  động của một vị ĐBQH mà mình bầu ra.

Rõ ràng, rất khó để minh định chất lượng của một ĐBQH, không thể định lượng được một cách thật sự rõ ràng để từ đó ràng buộc trách nhiệm của đại biểu với cử tri.

Cần thêm tiêu chuẩn "trung thực"

Như vậy, việc mỗi ứng viên phải trình bày chương trình hành động của mình trước cử tri có còn cần thiết?

Không giới thiệu người im tiếng suốt nhiệm kỳ

Nếu đại biểu QH nào cả nhiệm kỳ không phát biểu câu nào thì chắc chắn sắp tới MTTQ sẽ không giới thiệu ứng cử nữa.

(Ông Nguyễn Văn Pha trả lời VietNamNet tháng 3/2010)


- Theo quy định hiện hành, ứng viên khi được giới thiệu chính thức phải trình bày chương trình hành động thật cụ thể để người dân biết và giám sát khi trúng cử. Đây cũng là dịp để ứng viên tiếp xúc với cử tri, giới thiệu chương trình hành động của mình. Mặt khác cũng tạo điều kiện cho cử tri biết được mặt mũi, tác phong, năng lực của người ứng cử.

Trong nhiệm kỳ mới cũng sẽ có một tỷ lệ nhất định, 40 - 50% đại biểu tái cử. Vậy MTTQ có cơ chế nào để đánh giá chất lượng hoạt động các ĐB này để tiếp tục giới thiệu vào nhiệm kỳ mới?

- Quốc hội khoá XII hiện có khoảng 60 đại biểu thuộc khối MTTQ Việt Nam.

Đây là những người cùng hoạt động trong cả một nhiệm kỳ với số ĐB dự kiến sẽ tái cử. Đương nhiên họ được xem như những người đại diện cho MTTQ, cho người dân để đánh giá chất lượng hoạt động của các vị ĐBQH này. Để rồi khi hiệp thương, họ phải có trách nhiệm đưa ra thông tin sát thực để những người không có điều kiện tiếp xúc với các ứng viên đó có thêm thông tin tham khảo.

Như vậy vô hình trung quyền của người dân lại được trao cho một số người?

- Nên nói cho rõ, đây mới chỉ là quyền hiệp thương giới thiệu người ứng cử thôi. Quyền quyết định cuối cùng ai trúng cử vẫn thuộc về đại đa số cử tri.

Luật về bầu cử ĐBQH và HĐND đã quy định cách thức hoạt động như vậy. Luật quy định duy nhất chỉ có MTTQ Việt Nam là tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử. Tuy nhiên để một người nào đó đến được với MTTQ Việt Nam xem xét hiệp thương thì không thể không qua sự giới thiệu của các cơ quan có thẩm quyền, rồi các bước lấy phiếu tín nhiệm của cử tri nơi người đó làm việc và cư trú.

Quy định như vậy theo tôi rất bình thường và khoa học. Trên thế giới, mỗi nước đều có những quy định riêng về bầu cử bộ máy chính quyền. Dù theo thể chế chính trị nào cũng đều có cơ chế giới thiệu người ra ứng cử. Có nước có một tổ chức ổn định để làm việc này như nước ta và một số nước khác, cũng có nước tổ chức phụ trách bầu cử chỉ lập ra khi cần bầu cử và giải tán khi cuộc bầu cử kết thúc.

Nhưng dù cách nào thì cũng phải có một cơ quan hay tổ chức làm việc này chứ không thể ai muốn ứng cử đều có thể đưa ngay vào danh sách để bầu được.

Được biết khi góp ý sửa Luật bầu cử vừa qua, MTTQ đã nêu một số kiến nghị cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện cho ứng viên xong chưa được UBTVQH chấp thuận. Cụ thể là các ông đã đề nghị thêm tiêu chuẩn, điều kiện gì?

- Tiêu chuẩn ĐBQH trong luật hiện hành còn khá chung chung. Vì thế chúng tôi đề nghị luật quy định cụ thể hơn. Chẳng hạn nên có tiêu chuẩn “trung thực”, trung thực trong kê khai lý lịch tuổi tác, bằng cấp, thành tích, trong kê khai tài sản v.v…

"Tiêu chuẩn ĐBQH trong luật hiện hành còn chung chung". Ảnh: Hoàng Long

Thực tế ở cuộc bầu cử vừa qua, có một số em sinh viên hoặc sinh viên mới tốt nghiệp chưa có việc làm cũng tự ứng cử, vì luật quy định 21 tuổi trở lên là có quyền này.

Dĩ nhiên, khi xuất hiện một người tự ứng cử thì cả guồng máy sẽ phải đi theo, nào lấy ý kiến cử tri nơi công tác, cư trú, học tập, nào tổ chức hội nghị hiệp thương. Đến khi hiệp thương mới thấy rằng ứng viên còn quá non nớt không thể đưa vào danh sách được.

Từ đó, MTTQ muốn bổ sung thêm một quy định là điều kiện ứng cử phải chặt chẽ hơn. Ít nhất, ứng viên phải có thời gian làm việc thực tiễn 3 năm chẳng hạn.

Số dư - đề nghị chưa được chấp thuận

MTTQ có kiến nghị gì về số dư khi bầu cử không?

- Hiện nay, Luật bầu cử đại biểu HĐND đã quy định số dư mỗi đơn vị bầu cử ít nhất là 2. Nhưng Luật bầu cử ĐBQH chỉ quy định số dư phải nhiều hơn số đại biểu được bầu.

Nơi nào được bầu 3 đại biểu thì phải dư 2, còn nơi nào bầu 2 thì chỉ cần dư 1 cũng được. Vì thế, MTTQ đề nghị là phải quy định tối thiểu số dư là 2 để người dân có điều kiện rộng rãi hơn để lựa chọn.

Những đề nghị này vẫn chưa được chấp thuận. Theo giải trình của các cơ quan Quốc hội, chúng sẽ được xem xét khi sửa toàn diện các đạo luật về bầu cử và về tổ chức bộ máy nhà nước sau này.

Nhiều thành viên MTTQ từng đề nghị nên có tỷ lệ 5 - 10% đại biểu tự ứng cử trong cơ cấu đại biểu vì thực tế số người tự ứng cử khá nhiều nhưng trúng cử không là bao. Vậy trong đợt bầu cử khoá XIII liệu có thêm cơ chế nào để khuyến khích và tạo điều kiện tăng tỷ lệ đại biểu tự ứng cử?

- Pháp luật không quy định cụ thể về tỷ lệ người tự ứng cử mà chỉ quy định người tự ứng cử cũng thuộc cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử chung và nộp hồ sơ ứng cử ở cấp tỉnh (ủy ban bầu cử cấp tỉnh). Ủy ban MTTQ cấp tỉnh khi tổ chức hiệp thương có trách nhiệm xem xét cả người tự ứng cử và người được giới thiệu.

Trong các cuộc bầu cử vừa qua, trong số những người tự ứng cử hội đủ điều kiện để xem xét, MTTQ cũng đã chọn được những người tốt nhất, tiêu biểu nhất để lập danh sách ứng viên. Còn quyết định cuối cùng vẫn thuộc về đại đa số cử tri.

Tuần này, MTTQ sẽ tiến hành hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất ở Trung ương, tỉnh, thành phố để thỏa thuận cơ cấu, thành phần và số lượng những người ứng cử ĐBQH.

Cuối tuần qua, Ban Tổ chức TƯ đã có hướng dẫn về công tác nhân sự ĐBQH khoá XIII và ĐB Hội đồng nhân dân các cấp. Theo đó, ĐBQH phải là người có đủ các tiêu chuẩn: yêu nước, trung thành với Tổ quốc và hiến pháp; có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực, thực tiễn, bản thân và vợ (chồng) con phải gương mẫu chấp hành luật pháp, được nhân dân tín nhiệm.


  • Lê Nhung