- Trước hàng loạt ý kiến đại biểu HĐND “kêu” khó do ngân hàng, Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội cho hay, khoảng 30 ngân hàng ở Hà Nội bị lỗ.

Thảo luận tại hội trường sáng nay (4/12), nhiều đại biểu bày tỏ quan ngại về tình trạng khó khăn của doanh nghiệp.
Theo phản ánh của ĐB Châu Thị Thu Nga, DN rơi vào hoàn cảnh khó khăn sẽ ít nhiều  ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước. 

ĐB Lê Văn Thành (Thanh Xuân), khẳng định, tỷ lệ DN phá sản nhiều hơn đăng ký thành lập mới. Để tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo nguồn thu cho thành phố thì mấu chốt là chính sách tiền tệ.

Đại biểu HĐND TP Hà Nội Lê Văn Thành. Ảnh: Phạm Hải

“Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế thì tình hình năm 2012 là xấu nhưng đến 2013 trở đi mới thực sự khó khăn. Một năm trước đây tôi từng nói là phải cứu DN trước khi chết. Nhưng nguy hiểm nhất là số  DN phải ngừng hoạt động rất nhiều, nhưng không phá sản được vì thủ tục khó”, ông Thành nói.

Các đại biểu phân tích tình trạng sản xuất đình đốn, sức mua giảm sẽ ảnh hưởng mạnh tới tăng thu ngân sách. Vì vậy e rằng chỉ tiêu tăng trưởng dự kiến năm tới đạt từ 8-8,5% sẽ khó khả thi.

Trước hàng loạt ý kiến “kêu” khó do ngân hàng, bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Nội khẳng định, DN mà chết thì chính ngân hàng cũng “chết theo”.

Bà Sương lý giải, thành phố đã có nhiều giải pháp gỡ khó cho DN, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng. Riêng năm 2012 đã 5 lần điều chỉnh lãi suất, thậm chí có những ngân hàng giãn tới 14 lần. Cho đến nay, lãi suất ngân hàng được đánh giá là ở mức phù hợp, được thị trường chấp nhận.

“Khó khăn là chung của nền kinh tế chứ không riêng Hà Nội. Khó khăn của DN cũng là khó khăn của ngân hàng. DN  mà chết thì ngân hàng cũng chết”, bà Sương nói.

Trong khó khăn chung, ngành ngân hàng cũng trong tình trạng lao đao. “Có khoảng 30 ngân hàng hiện nay ở Hà Nội lỗ. Có ngân hàng lỗ cả nghìn tỷ. Một phần do cách làm ăn yếu kém nhưng phần khác do DN khó khăn nên không trả được nợ”, bà Sương cho hay. 

Theo bà Sương, khôgn có bất kỳ DN nào đủ điều kiện vay vốn mà lại chưa được vay. Các ngân hàng cũng đã cung ứng nhiều gói hỗ trợ lãi suất dành cho khách hàng doanh nghiệp thân tín lâu năm.

Vì sao quỹ hỗ trợ DN chỉ giải ngân 17%?

Tuy nhiên, không nhiều đại biểu có cái nhìn lạc quan như bà Sương. Đa số đều đề xuất thành phố phải có giải pháp gỡ khó cho DN.

ĐB Phạm Văn Châm (Đông Anh) phân tích, thực tế nhiều năm qua thành phố cũng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường, đặc biệt có quỹ hỗ trợ DN với kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng. Song liên tục qua các năm đều giải ngân không hết.

“Thành phố phải làm rõ cơ chế hỗ trợ có vấn đề gì không? Vì ngay các doanh nghiệp cũng phản ánh là họ không mặn mà bởi thủ tục thì khó khăn, doanh nghiệp cũng bí đầu ra nên nếu vay cũng lúng túng trong sử dụng đồng vốn”, đại biểu Châm nói.

Theo ĐB Châm, lỗi đến từ hai phía, cơ chế của thành phố chưa mấy thuận lợi còn bản thân doanh nghiệp cũng không năng động để tự gỡ khó.

ĐB Trần Thị Vân Hoa (Huyện Phú Xuyên) cũng băn khoăn, “tại sao thành phố không làm rõ nguyên nhân vì sao quỹ hỗ trợ doanh nghiệp lại chỉ giải ngân được 17%?”.

Bà Vân Hoa đề xuất, nghị quyết của thành phố nên bổ sung thêm một giải pháp trong nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đó là phải sử dụng hiệu quả quỹ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Đại biểu Lê Văn Thành cũng kiến nghị, Hà Nội phải có chính sách tiền tệ riêng cho giai đoạn sắp tới để gỡ khó cho thị trường, nhất là thị trường bất động sản. Tạo niềm tin để doanh nghiệp yên tâm sản xuất khi dự báo giai đoạn 2013-2015, khủng hoảng tiền tệ còn tiếp tục.  Đừng để khó khăn ngày càng chồng chất.

Ngoài câu chuyện gỡ khó cho DN, các đại biểu còn đề cập nhiều vấn đề khác như giáo dục, văn hóa, giao thông. Lãnh đạo các sở ngành đã tham gia giải trình, tiếp thu ngay tại phiên thảo luận.

Theo ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Chủ tịch thành phố, quanh chuyện lãi suất thì cả DN và ngân hàng đều khó khăn. Giải pháp sắp tới là tái cơ cấu đầu tư trong nội bộ DN. Kể cả DN lần ngân hàng đều phải cố gắng để giải quyết khó khăn. Do vậy, chỉ tiêu tăng trưởng xây dựng cho năm 2013 sở dĩ ở mức trên 8% là nhằm đảm bảo cho các chỉ tiêu an sinh xã hội khác.

Phàn nàn chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra cho thành phố năm tới quá cao, song đa số đại biểu HĐND TP Hà Nội đều biểu quyết thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng năm 2013 của Hà Nội là 8-8,5%. Thành phố cũng phấn đấu cấp lần đầu cho hộ gia đình và cá nhân hơn 86.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Lê Nhung