- Cho rằng nạn cướp giật đang trở nên “tàn bạo và táo tợn”, nhiều đại biểu HĐND TP.HCM đề nghị, trong kỳ họp lần này cần ra Nghị quyết lấy 2013 là “Năm an toàn trật tự xã hội” để thành phố tập trung chống cướp giật. 


Thảo luận tổ chiều 4/12, hầu hết các ý kiến lo ngại trước nạn cướp giật mà theo đánh giá của Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm là “tàn bạo và táo tợn”. Nhiều đại biểu đề nghị lấy năm 2013 là “Năm an toàn trật tự xã hội”.

Cấp bách

ĐB Lâm Đình Chiến (quận 8) nhận định, đây là thời điểm gần Tết, tội phạm cướp giật sẽ gia tăng. Cướp giật đã trở thành câu chuyện thời sự cấp bách của thành phố, tội phạm lộng hành, bất chấp tính mạng của người dân, sẵn sàng chặt tay, chặt chân… người đi đường để cướp tài sản.

Đại biểu Lâm Đình Chiến đề nghị có nghị quyết về chống cướp giật


Do đó, ông Chiến đề nghị, vấn đề cấp bách của kỳ họp lần này là phải có nghị quyết chuyên đề về nạn cướp giật. “Có nghị quyết để lãnh đạo tập trung toàn thành phố trấn áp tội phạm cướp giật, để người dân mỗi khi ra đường an tâm”, ông Chiến nói.

Đồng tình với quan điểm này, ĐB Trần Trọng Dũng,  Phó Tổng biên tập báo Công an TP.HCM cho hay, theo báo cáo của Công an thành phố, trong năm 2012 thì số lượng vụ án cướp giật có 350 vụ. Theo ông, số lượng vụ án cướp giật không lớn nhưng vấn đề đặt ra là tính bạo lực và nguy hiểm cao hơn. Những vụ cướp này đã gây ra những tác động rất mạnh với người dân vì những thủ đoạn hung hãn và công khai, chém người, giật dọc ngay vùng trung tâm thành phố và với cả người nước ngoài.

Đối tượng gây ra những vụ cướp này phần lớn là giới trẻ nghiện ma túy. ĐB Dũng đề nghị chính quyền thành phố có biện pháp mạnh đối với tội phạm cướp giật.

Nhìn nhận ở góc độ tâm lý của giới trẻ, ĐB Đinh Phương Duy nhận định, nên chăng có một khảo sát về giá trị ứng xử, truyền thống văn hóa để từ đó có biện pháp ngăn chặn tội phạm cướp giật. Theo ông, những hành động con bóp cổ cha mẹ, đâm chém dã man trên đường phố để cướp tài sản… cũng là hậu quả của việc giáo dục đạo đức, lối sống chưa tốt.

Ngay khi ĐB Vương Đức Hoàng Quân đưa ra đề nghị HĐND thành phố lấy năm 2013 là Năm an toàn trật tự xã hội, nhiều đại biểu đã đồng tình ủng hộ.

Đề nghị xét xử lưu động vụ chặt tay, cướp xe

Để giải quyết nạn cướp, ĐB Trần Trọng Dũng cho rằng, cần phải có giải pháp lâu dài và giải pháp cấp bách bởi vì tội phạm là một hiện tượng xã hội, tình hình kinh tế xã hội làm nảy sinh tội phạm. Việc thanh thiếu niên không có việc làm tăng cao cũng sẽ dẫn tới tội phạm tăng.

Đại biểu HĐND TP.HCM

Về lâu dài, thành phố cần giải quyết rất nhiều vấn đề liên quan đến vấn đề bảo đảm công ăn việc làm, vấn đề giáo dục nhà trường, gia đình và công tác tự quản của tổ dân phố. “Tạo những sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên, ngoài giờ học cần phải có những sân vận động thể thao nơi công cộng".

Tiếp đó, ngành công an phải tăng cường tuần tra, đặc biệt là các vùng giáp ranh và vào thời gian đối tượng hay gây án, tổ chức mật phục để truy bắt ngay khi đối tượng chưa kịp ra tay, khi chúng đang chuẩn bị hung khí gây án.

Bên cạnh đó, công tác truy tố xét xử phải nghiêm minh và kịp thời. “Vừa rồi Ban Pháp chế cũng kiến nghị Tòa án nhân dân thành phố là phải xét xử nhanh, lưu động những vụ việc mà người dân quan tâm. Như vụ chém lìa tay nạn nhân để cướp tài sản tại cầu Phú Mỹ cần phải xét xử lưu động và phải kết thúc sớm để răn đe các đối tượng khác”, ông Dũng đề nghị.

Mặt khác, dù có khó khăn mấy thì thành phố cũng phải dành kinh phí cho công tác phòng chống tội phạm. “Chương trình phòng chống tội phạm năm 2011 thành phố chi 4 tỷ đồng, nhưng năm nay cũng vậy là tôi chưa đồng ý. Đề nghị tăng thêm kinh phí vì không chỉ cho ngành công an mà đây còn là chương trình phòng chống tội phạm chung cho xã hội, chứ hiện nay ít quá”, ông Dũng nói.

Còn Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND TP.HCM Trương Lâm Danh cho rằng, tình trạng cướp giật là một vấn đề đáng báo động của thành phố hiện nay. Cướp không chỉ đơn thuần là một vài người hay một nhóm người đơn lẻ mà đã có tổ chức. “Nguyên nhân cũng do nhiều người đi đường mang theo đồ nữ trang quá hớ hênh và sự phối hợp liên phường chưa tốt”, ông Danh nói.

Do đó, Ban Pháp chế HĐND thành phố đã đề nghị các cơ quan tư pháp như Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân phải xử các khung hình phạt cao nhất để răn đe, đặc biệt là phải xử lưu động nhằm cho quần chúng biết và đề phòng. “Ban Pháp chế qua các buổi giám sát cũng đã có cảnh báo và đề nghị lực lượng công an thành phố phải tăng cường tuần tra, đặc biệt là phải mật phục để phá cho được các băng nhóm cướp giật”, ông Danh nói.

Bài và ảnh: Tá Lâm