- Cướp giật, cướp…gọi chung là tội phạm đường phố đang lộng hành khắp Sài Gòn, người dân hễ ra đường đều nơm nớp lo sợ, bất an. Tại sao tội phạm đường phố lại mặc sức dọc ngang như thế?

LTS: Đại diện Công an TP.HCM xác nhận, trước khi Hà Nội triển khai mô hình 141, tại TP.HCM cũng đã thực hiện mô hình trấn áp tội phạm có sự phối hợp giữa các lực lượng như: CSHS, CSCĐ, CSGT. Thế nhưng gần đây nạn cướp giật lại rộ lên, tính chất ngày càng tàn độc…khiến dư luận phẫn nộ, bất an. Phải chăng mô hình trấn áp tội phạm đường phố mà chính quyền TP.HCM triển khai bộc lộ hạn chế hay cách làm chưa quyết liệt?

Loạt bài của VietNamNet chỉ góp phần giúp người dân nhận diện thủ đoạn tội phạm đường phố Sài Gòn để tự bảo vệ mình, trước khi chính quyền có biện pháp mạnh, bảo vệ dân.


Ở đâu cũng gặp cướp

Tại cuộc họp báo tổ chức hạ tuần tháng 11/2012, người đại diện công an TP.HCM, thượng tá Vũ Như Hà thừa nhận trước báo giới rằng: nạn cướp có hung khí đang xuất hiện nhiều tại các quận, huyện ngoại thành; riêng nạn cướp giật, nhắm vào người đi đường, du khách lại xảy ra nhiều ở khu vực các quận nội thành như: 1, 3, 5, 10…

Con số cụ thể cho thấy tội phạm đường phố đang lộng hành ở Sài Gòn trở nên nghiêm trọng như thế nào, đó là chỉ qua 4 ngày triển khai cao điểm trấn áp tội phạm trên địa bàn, các lực lượng trực thuộc công an TP.HCM đã khám phá 45 vụ, bắt 50 đối tượng, trong đó tội phạm cướp, cướp giật chiếm 40 vụ, tức gần 89%.

Gần đây công an các quận, huyện TP.HCM đã bắt giữ nhiều băng nhóm gây ra hàng loạt vụ cướp với thủ đoạn tàn độc.

Điển hình vụ băng cướp chặt tay người cướp xe SH tại Q.2, vụ băng cướp chuyên “săn” các cặp tình nhân ở Q.7 hay băng cướp “dao phay” ở huyện Bình Chánh…chưa làm dư luận nguội cơn phẫn nộ thì mới đây 2h30 sáng 30/11, thêm 1 vụ cướp đặc biệt nghiêm trọng khác xảy ra tại khu trung tâm TP, làm dư luận thêm một phen kinh hoàng.

Đó là vụ anh Nguyễn Hữu Chí (SN 1990) và chị Lục Huyền Trang (SN 1987, ngụ tỉnh Bạc Liêu, đều là nhân viên quán ăn ở đường Nguyễn Tri Phương, P.8, Q.10, TP.HCM) sau giờ làm việc, cùng đi dạo ven lề đại lộ Võ Văn Kiệt, đoạn đi qua P.13, Q.5.

Bất ngờ 3 đối tượng đi trên xe gắn máy xông đến chặn đường cặp nam – nữ, yêu cầu đưa ra 150 ngàn đồng.

Biết gặp cướp lại không mang theo tiền, anh Chí trình bày “không có tiền” thì 1 trong 3 đối tượng nhặt cục đá ven đường đập đầu anh Chí rồi đạp anh này lẫn chị Trang xuống kênh Tàu Hũ ven đại lộ; sau đó chúng lên xe tẩu thoát.

Chị Trang cố gắng vùng vẫy, bơi được vào bờ. Riêng anh Chí, phải 30 phút sau, người dân mới tìm thấy thi thể.

Nhìn số hung khí của các tên cướp sử dụng để gây án, ai cũng sởn tóc gáy.

Theo số liệu thống kê về tình hình an ninh trật tự của Bộ Công an thì hầu như ngày nào tại TP.HCM cũng xảy ra cướp, cướp giật. Thủ đoạn chung của loại hình tội phạm này là rất manh động, chúng sẵn sàng “chém trước, cướp sau” hay kề dao vào cổ để lấy xe, tài sản…

Riêng về tình trạng cướp giật, từ lâu được coi là vấn nạn và nay càng diễn biến phức tạp hơn. Những đoạn clip phát tán đầy rẫy trên mạng internet gần đây như: cướp giật cầu Sài Gòn, quận Bình Thạnh; giật túi xách táo bạo trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5; ngang nhiên giật dây chuyền trước đám cưới tại huyện Bình Chánh….cho thấy một thực trạng hết sức nhức nhối.

Vì sao tội phạm đường phố lộng hành?

Được biết thời gian gần đây, nhiều người dân bàn tán, đồn thổi về nạn dùng kim tiêm cướp tài sản ngay tại công viên 23/9, Q.1 nhắm vào những người đi đường vào ban đêm ngay giữa trung tâm TP.

Chị Nguyễn Thị Kim Khê (SN 1978, ngụ Q.4, hiện đang buôn bán tại Q.1) cho biết, mặc dù chưa thấy tận mặt các vụ cướp, nhưng mỗi khi kết thúc ngày buôn bán, chị đều để tiền bạc ở lại cửa hàng, bỏ túi 50 ngàn đồng phòng hờ trên đường về.

Bởi lẽ như nhiều người khác, mỗi khi ra đường, chị Khê đều nơm nớp lo sợ, bất an…

Ngang nhiên cướp giật dây chuyền trước một đám cưới ở huyện Bình Chánh, TP.HCM ngay giữa ban ngày và kẻ gây án khá bình thản.

Trả lời P.V VietNamNet về tình trạng cướp, cướp giật ngày càng tăng cả về số vụ lẫn tính chất nguy hiểm, một vị lãnh đạo Công an tại TPHCM cho rằng, do TP có lượng dân nhập cư đông, bản thân chính quyền cơ sở không thể kiểm soát nổi về thân nhân, lai lịch số người này.

Điều quan trọng là tình hình kinh tế khó khăn chung, ngay cả nhóm trí thức (sinh viên) cũng có một bộ phận không đủ tiền ăn học nên dính vào con đường phạm pháp.

Hay một số công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…bị các công ty khó khăn sa thải, vẫn bám trụ lại đất Sài Gòn và trở thành tội phạm đường phố để sống lay lắt qua ngày.

Trước đây, khi tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, Công an TP.HCM đã cho tái lập lực lượng hình sự đặc nhiệm (tức đội nghiệp vụ số 3, trực thuộc phòng hình sự); ở các quận huyện có các tổ đặc nhiệm thuộc quản lý của đội hình sự nhằm mục đích đấu tranh với tội phạm đường phố.

Tuy nhiên, chính lãnh đạo công an các quận, huyện cũng than rằng, lực lượng này còn mỏng, mỗi ca trực đêm chỉ có thể huy động 1 tổ, nhiều nhất là 5 – 6 trinh sát đi địa bàn, không thể kiểm soát hết những tuyến đường “nóng”, phức tạp về an ninh trật tự.

Một trinh sát hình sự đặc nhiệm cho biết, hiện mỗi đêm các anh ra đường chỉ có nhiệm vụ rảo quanh, phát hiện đối tượng đi xe gắn máy khả nghi là đeo bám, chờ cho chúng ra tay thì truy đuổi, khống chế…

PV VietNamNet có tiếp xúc với đối tượng Vũ Hữu Cường (SN 1993, ngụ tỉnh Thanh Hóa, hiện sống lang thang) – là kẻ cầm đầu băng cướp “dao phay” gây ra 12 vụ cướp, vừa bị công an huyện Bình Chánh bắt giữ.

Cường lỳ lợm khai: “Em xui quá, đêm đó không may gặp tổ tuần tra của công an xã Vĩnh Lộc A, tụi em mới bị bắt. Bình thường tụi em chọn đường vắng vẻ, thiếu ánh sáng ra tay chớp mắt, đánh nhanh rút gọn, dễ gì bắt được!".

Những tên cướp có lối suy nghĩ như thế, hèn gì tội phạm đường phố không dọc ngang Sài Gòn?

Đàm Đệ

(còn nữa)