- Các huyện miền núi Nghệ An chiếm số lượng dân cư khá lớn. Tuy nhiên, phần lớn người dân chưa được tiếp cận với truyền hình có chất lượng vì sóng rất kém. Muốn xem tivi, không còn cách nào khác ngoài dùng chảo lậu.

Bỏ 500 nghìn đồng, xem hàng chục kênh

Theo ghi nhận của PV VietNamNet, tại các khu vực thuộc những huyện miền tây Nghệ An như Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn... (trừ những khu vực chưa có điện lưới) hầu hết nhà nào cũng trang bị tivi, thiết bị giải trí hiệu quả sau một ngày vất vả.

{keywords}
Chảo lậu không rõ nguồn gốc, không nhãn mác có mặt khắp nơi.

Qua rồi cái thời xem tivi với giàn ăng-ten cao vút trên nóc nhà, giờ đây nhà nào cũng trang bị chảo thu với số lượng kênh ít thì 19, nhiều thì lên đến 40 kênh, từ các kênh Trung ương đến địa phương, từ thời sự đến giải trí.

Được biết ở đây người dân chủ yếu sử dụng loại đầu thu sóng truyền hình được bán với giá dao động từ 550 – 650 nghìn đồng, tuy giá thành rẻ nhưng loại sản phẩm này tỏ ra khá hiệu quả và rất được “ưa chuộng” tại đây.

Trước đây, khi dùng ăng-ten, ở các khu vực vùng biên, đặc biệt là ở những vùng lõm sóng, chất lượng truyền hình thu được rất kém do đường truyền không ổn định.

Vài khu vực như Châu Thôn, Cắm Muộn, Quang Phong (Quế Phong), Khe Mừ, Thanh Thủy (Thanh Chương) chỉ thu được một số kênh của Đài THVN, mặt khác điện lưới không ổn định, các thiết bị truyền hình đắt tiền không phải lúc nào cũng hoạt động như mong muốn.

Cho nên loại đầu thu mà người dân ở đây quen gọi là “chảo lậu” vừa rẻ vừa đáp ứng tốt nhu cầu của bà con được coi là lựa chọn sáng suốt, bên cạnh đó loại sản phẩm này khi sử dụng không hề mất phí hàng tháng, một điều ít thấy tại các khu vực “dưới xuôi”.

{keywords}
Đầu thu sóng truyền hình lậu ở nhà một nhà dân huyện Quế Phong.

Anh Vi Trường (Quế Phong, Nghệ An) cho biết: “Ở đây nhà nào cũng dùng chảo, xem được nhiều kênh truyền hình hay lắm, không như trước đây chỉ bắt được nhiều lắm là 6 kênh”.

Nói rồi anh Trường bật cho chúng tôi xem thử, quả thật từ các kênh của VTV đến các đài khác như QTV, THVL, NTV, HTV, ANTV, VTC…đều có thể thu sóng.

Anh Trường cũng cho biết thêm: “Lên thị trấn xem được nhiều kênh hay và lạ lắm như bóng đá, ca nhạc, phim…nhưng hình như xem cái đó phải trả tiền, với lại cũng không biết làm thế nào để thu được nên thôi, dùng như mọi người thế này là được rồi”.

Cũng giống như anh Trường, khi được hỏi tại sao không dùng các thiết bị của đài truyền hình mà lại dùng chảo “lậu”. Anh Thành (Thanh Thủy, Thanh Chương) cho hay: “Cũng muốn xem chương trình tốt nhưng mà không biết mua ở đâu. Mà thiết bị đắt thế, chúng tôi làm gì có tiền, dùng chảo này cũng tốt rồi”.

Ở thành phố lớn người ta sống chung với “truyền hình trả tiền”, còn ở đây có muốn trả tiền cũng không lấy đâu ra “truyền hình”. Vậy nên đầu thu không rõ nguồn gốc là lựa chọn duy nhất, vừa bắt sóng tốt lại không phải trả tiền.

“Phổ cập” truyền hình qua… chảo lậu

Tại thị trấn Kim Sơn, Quế Phong, chảo không rõ nguồn gốc được bày bán khá nhiều tại các cửa hàng điện tử ở chợ. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các khu dân cư khác ở trên địa bàn các huyện vùng biên.

Khi được hỏi nguồn hàng được nhập từ đâu các chủ hàng cho hay hàng nhập từ dưới xuôi lên, cụ thể là từ Vinh, Hà Nội. Cũng có người cho rằng những đầu thu này được nhập về qua đường biên.

{keywords}
Đối với phần lớn người dân ở miền núi, không dùng chảo lậu cũng đồng nghĩa với việc không xem được tivi.

Ông Nguyễn Đình L., chủ một hàng bán đồ điện tử ở Quế Phong cho biết: “Gia đình tôi cũng có dùng dịch vụ của MyTV, K+..nhưng bên cạnh đó cũng lắp thêm loại chảo mà bà con hay dùng, thêm được tý nào hay tý đó”.

Ông cũng cho biết thực tế không biết loại chảo này có xuất xứ từ đâu, ông nhập hàng từ một đầu nậu ở Phố Huế, Hà Nội. Thấy tốt và giá thành rẻ lại được bảo hành nên ông L. buôn, về phổ cập truyền hình cho bà con.

“Bán loại chảo này chạy hơn nhiều bởi các dịch truyền hình trả tiền vừa đắt, thêm đó có lẽ do còn lạ, chưa có sự tiếp thị rộng rãi nên dân trong xã chả mấy ai dùng”, ông L. cho biết thêm.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Phan Trọng Dũng, Chánh Văn phòng Huyện Ủy, huyện miền núi Quế Phong, Nghệ An cho biết:

“Quế Phong là một huyện miền núi, sóng truyền hình thuộc vùng lõm, ngay cả đài truyền hình huyện phát sóng thì cũng chỉ được vùng thị trấn, các xã lân cận không xem được. Trước tình hình đó nhiều người dân đã mua chảo lậu, chảo không rõ nguồn gốc để phục vụ cho việc xem, giải trí”.

Ông Dũng cũng cho hay: “Thời gian tới cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu. Bên cạnh đó sẽ kiến nghị đến cơ quan cấp trên đầu tư xây dựng các trạm phát để đáp ứng nhu cầu của đồng bào, nâng cấp đài huyện, có cơ chế hỗ trợ đồng bào để có thể mua chảo chính thức của cơ quan có quyền cung cấp để người dân gần hơn với các kênh truyền hình chất lượng”.

Quang Anh

Các tin liên quan

Xem truyền hình “lạ” ở vùng sâu Thanh Hóa

Ở nơi chỉ đại gia mới được xem truyền hình

Không hạn chế DN kinh doanh truyền hình trả tiền

'Thị trường truyền hình trả tiền còn nhiều tiềm năng!'

'Thị trường truyền hình lành mạnh phải vì người dân'

Số hóa truyền hình sẽ mở đường cho 4G tại VN