Trong cuộc phỏng vấn mới đây với tạp chí danh tiếng Rolling Stone, Nguyễn Hà Đông tiết lộ đã bỏ công việc lập trình cho xe taxi và đang nghĩ đến việc mua một chiếc xe Mini Cooper cùng một căn hộ mới để ở. Đông cũng đã làm chiếc hộ chiếu đầu tiên trong đời.
|
Nguyễn Hà Đông qua góc nhìn của Rollingstone.
|
Những ngày đầu
Tháng 4 năm ngoái, Nguyễn Hà Đông còn là một cậu trai 28 tuổi ít nói, sống cùng bố mẹ ở làng Vạn Phúc, với công việc là lập trình các thiết bị định vị cho xe taxi. Trong lúc mọi người bận rộn ăn mừng dịp lễ 30/4, Đông giết thời gian bằng cách viết game.
Cậu muốn game đó đơn giản nhưng phải thật khó, đúng theo tinh thần những tựa game Nintendo mà Đông vẫn chơi từ bé đến lớn. Và đó chính là hoàn cảnh ra đời của Flappy Bird.
Đông lập trình tựa game chơi cờ máy tính đầu tiên của mình năm 16 tuổi. 3 năm sau, khi đang học CNTT tại trường Đại học Bách Khoa, Đông lọt vào Top 20 của một cuộc thi lập trình và nhận được học bổng từ Punch Entertainment, một trong số cực ít công ty game tại Hà Nội khi đó. Sếp cũ của Đông cho biết chàng lập trình viên trẻ khá nổi bật nhờ kỹ năng, tốc độ và khả năng làm việc, tư duy độc lập. "Đông không cần có người giám sát. Cậu ấy không thấy thoải mái khi bị giám sát. Vì thế chúng tôi cho phép cậu ấy không phải báo cáo công việc với bất kỳ ai".
Tuy nhiên, Đông mau chóng cảm thấy mệt mỏi với những tựa game thể thao mà Punch Entertainment sản xuất. Lần đầu cầm trên tay iPhone, Đông đã cảm thấy phấn khích với những năng lực của màn hình cảm ứng. Tuy nhiên, Đông nhận ra có quá ít game nắm được tình thần và quyền lực của phong cách game Nintendo truyền thống.
Hậu Flappy Bird
Đến đầu tháng 2 vừa qua, sức nặng của mọi thứ, sự soi mói, những lời chỉ trích và buộc tội cay nghiệt đổ ập xuống. Đông cho biết cậu không thể ngủ, không thể tập trung và thậm chí không muốn bước ra đường. Bố mẹ cậu rất lo cho sức khỏe con trai và Đông đi đến quyết định duy nhất mà cậu nghĩ được khi ấy: Gỡ bỏ tựa game.
Sau khi Đông tuyên bố sẽ hạ Flappy Bird xuống, hơn 10 triệu người đã tải game này chỉ trong vòng 22 tiếng. Và rồi Đông nhấn nút, Flappy Bird biến mất hoàn toàn. Khi được hỏi vì sao lại làm vậy, Đông trả lời rành rọt, không chút đắn đo: "Tôi làm chủ vận mệnh của chính mình. Một người có tư duy độc lập".
Sự vắng bóng của Flappy Bird dường như đã khiến dư luận nhìn nhận lại mình. Trang web danh tiếng Kotaku xin lỗi vì bài viết buộc tội Đông "thuổng ý tưởng", trong khi John Romero, đồng sáng lập ra tựa game bom tấn Doom gọi Flappy Bird là "phản ứng chống lại những thiết kế game phức tạp theo cách mà dòng nhạc grunge chống đối lại Rock Metal". Bố già của làng game - Bushnell so sánh Flappy Bird với con cưng của mình là Pong. "Game càng đơn giản thì càng gây thỏa mãn".
Về phần Đông, việc hàng triệu người tải game về chơi đảm bảo cậu vẫn kiếm được hàng chục ngàn USD mỗi ngày. Đông cuối cùng đã bỏ việc lập trình cho xe taxi và đang nghĩ đến việc mua một chiếc xe Mini Cooper cùng một căn hộ mới để ở. Đông cũng đã làm chiếc hộ chiếu đầu tiên trong đời.
Mặc dù vậy, Đông cho biết vẫn đang bận rộn làm công việc mà mình yêu thích nhất: viết game. Đông đã cho phóng viên xem ba tựa game mới mà cậu đang phát triển cùng lúc: một game bắn súng phong cách cao bồi chưa đặt tên, một game về vật thể bay thẳng đứng có tên Kitty Jetpack và một game "chơi cờ hành động" có tên Checkonaut. Nếu không có gì thay đổi, Checkonaut sẽ được phát hành trong tháng này. Cả ba đều có cùng phong cách quen thuộc của Flappy Bird: Cách chơi đơn giản, đồ họa hoài cổ nhưng độ khó rất cao.
Kể từ khi gỡ bỏ Flappy Bird, Đông cho biết cậu cảm thấy "thở phào nhẹ nhõm". "Tôi không thể quay trở lại cuộc sống trước đây, nhưng tôi ổn". Liên quan đến tương lai của mình, Đông vẫn từ chối các lời đề nghị mua lại Flappy Bird mà cậu nhận được, từ chối từ bỏ sự độc lập mà cậu trân quý. Nhưng liệu Flappy Bird có thể vỗ cánh trở lại hay không? "Tôi đang cân nhắc", Đông cho biết. Cậu sẽ không bắt tay vào phát triển một phiên bản mới, nhưng nếu phát hành lại thật, Flappy Bird sẽ có thêm một dòng cảnh báo người chơi rằng: "Hãy tạm nghỉ thôi".
T.C (Theo Rolling Stone)