Trong lúc một số ý kiến cho rằng cần quy định rõ danh mục các dịch vụ CNTT mà Cơ quan nhà nước được khuyến khích đi thuê, các chuyên gia lo ngại rằng việc này có thể thiếu cơ sở thực tế và gây tác dụng ngược cho một chủ trương lớn của Chính phủ.

{keywords}
Không nên quy định cứng về danh mục dịch vụ CNTT khuyến khích thuê ngoài mà nên để thực tế quyết định. Ảnh: T.C

Trong dự thảo lần 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy chế thuê ngoài dịch vụ CNTT, Vụ CNTT (Bộ TT&TT) vẫn phân vân về việc có nên quy định nhóm các dịch vụ, ứng dụng CNTT khuyến khích đi thuê, thay vì đầu tư hay không. Các ý kiến ủng hộ cho rằng, việc "điểm mặt chỉ tên" cụ thể các dịch vụ sẽ giúp CQNN dễ dàng xác định được khi nào thì nên đầu tư, khi nào thì đi thuê, cũng như hạn chế hiện tượng "cố tình đầu tư" vì lợi ích riêng.

Tuy nhiên, có khá nhiều chuyên gia cũng như đại diện Bộ, ngành cảm thấy băn khoăn về điều khoản này.

Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp lệnh dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, không nên quy định quá cụ thể dịch vụ nào nên thuê, dịch vụ nào đầu tư mà chỉ cần nêu ra nguyên tắc lựa chọn. Theo đó, những dịch vụ nào mà các CQNN đã đầu tư rồi thì tuyệt đối không đi thuê nữa, chỉ thuê ngoài đối với những dịch vụ, hệ thống chưa có, hoặc hết khấu hao. Nguyên tắc này để đảm bảo tránh lãng phí, chi tiền nhiều lần, ảnh hưởng đến hiệu quả vận hành của đơn vị, tổ chức.

Đại diện Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng không nên quy định cứng về dịch vụ nào thì cấm, dịch vụ nào khuyến khích, dịch vụ nào bắt buộc thuê. Quan điểm của VPCP là một văn bản xây dựng và ban hành gấp như Quyết định lần này sẽ không có đủ thời gian để hình dung hết được về bức tranh dịch vụ CNTT trong nước, từ đó khó xác định được nhu cầu thực tế và những dịch vụ cần chú trọng. Do đó, cơ quan này đề xuất rằng nên chăng, Bộ TT&TT sẽ trình danh mục dịch vụ cụ thể để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau, còn Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy chế thuê ngoài chỉ nên "là một cơ sở pháp lý cho các CQNN triển khai thuê ngoài", không cần phải xin ý kiến Thủ tướng mỗi khi có ý định đi thuê nữa.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Cao Bảo, Chủ tịch HĐQT Công ty Hệ thống thông tin FPT (FIS) cũng tin rằng cơ quan quản lý nên chờ thêm một thời gian nữa, khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được triển khai trong thực tế, rồi mới đúc kết thành danh mục khuyến khích. Quan điểm của ông Bảo là chủ trương chưa được áp dụng, chưa biết thực tế ra sao thì sẽ rất khó biết được dịch vụ nào hiệu quả, tiết kiệm hơn so với hình thức tự đầu tư để mà khuyến khích CQNN áp dụng. "Một cách khoa học thì Bộ TT&TT cần tiến hành khảo sát thực tế tại từng Bộ, ngành, CQNN, doanh nghiệp xem họ cần dịch vụ gì, cũng như dịch vụ đó trên thị trường đã chín muồi hay là chưa. Nếu chỉ áp đặt hành chính rồi xin ý kiến các Hiệp hội thì có thể sẽ không thực tế", ông Bảo khuyến nghị.

Nút thắt "tiền đâu"

Khó khăn lớn nhất của CQNN hiện nay trong việc thuê ngoài dịch vụ CNTT vẫn là tiền lấy từ đâu. Hiện các CQNN vẫn phải chi tiêu cho thuê ngoài dịch vụ từ nguồn chi thường xuyên mà chưa có cơ chế huy động tiền từ ngân sách đầu tư sang. Đây có thể coi là một nút thắt lớn mà chủ trương thuê ngoài vẫn đang mắc phải để có thể thực sự phổ biến và được ứng dụng một cách mạnh mẽ trong thực tế. "Nhiều người lầm tưởng là thuê ngoài dịch vụ thì không cần đến tiền đầu tư, nhưng thực tế là CQNN vẫn cần tiền để trả chi phí sử dụng dịch vụ qua từng năm", đại diện FPT phân tích.

Liên quan đến kinh phí thì rõ ràng, những doanh nghiệp nhà nước không gặp nhiều khó khăn như các đơn vị hành chính sự nghiệp trong việc tìm ngân sách thuê ngoài. Ở nước ngoài, thông thường, mức quy định để thực hiện bảo trì, bảo dưỡng dự án tối thiểu là 22%. Tuy nhiên, tại Việt Nam, trong các dự án của CQNN, con số này chỉ vào khoảng 10 – 15%, dù mức đầu tư ban đầu cho dự án có thể rất hoành tráng.

Muốn đẩy mạnh được thuê ngoài dịch vụ, vì thế, cần phải thay đổi được tư duy của CQNN trong việc lập dự toán chi cho CNTT. Có thể mức đầu tư ban đầu giảm xuống nhưng tăng phần chi phí thường xuyên để đảm bảo vận hành hiệu quả, ông Bảo góp ý. Trên thực tế, vị chuyên gia này tin rằng với chủ trương thuê ngoài, Chính phủ chỉ là người khởi xướng, khơi mào, còn doanh nghiệp mới là lực lượng quan trọng bởi họ có thể thay đổi rất nhanh và sẵn sàng lựa chọn thuê ngoài nếu giải pháp này chứng tỏ được hiệu quả kinh doanh.

Trọng Cầm

Tin liên quan