- Đầu tháng 7/2015, Văn phòng đại diện Viber tại Việt Nam ra thông cáo sẽ ngừng hoạt động vào tháng 8 tới, khi chuyển hoạt động quản lý tới trụ sở mới của Viber Đông Nam Á tại Philippines. Đây liệu có phải là hành động rút lui của Viber, và cuộc chiến khốc liệt thị trường OTT Việt Nam đã ngã ngũ?

Trước hết, chúng ta hãy nhìn lại quá trình Viber âm thầm len lỏi vào thị trường OTT Việt Nam, khi vào thời điểm 29/11/2013, CEO Talmon Marco của Viber đã viết trên Twitter đầy tự hào rằng đã kiếm "được 8 triệu người dùng tại Việt Nam mà không tốn 1 đồng quảng cáo", trong khi cỗ "tam mã"  Zalo – LINE – KakaoTalk đang quyết đấu sống mái với nhau và phải đổ ra cả núi tiền.

{keywords}
Ngay khi thành lập văn phòng đại diện, Viber từng có màn "chào sân" rầm rộ tại Việt Nam hồi tháng 12/2013 với chương trình âm nhạc Giáng sinh Tím, với sự tham gia của nhiều ngôi sao giải trí. Ảnh:go.vn.

 

Đầu năm 2014, Viber chính thức mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, cũng là lúc cuộc “hỗn chiến” của thị trường OTT Việt Nam bắt đầu ngã ngũ. KakaoTalk "tháo chạy" khỏi thị trường, còn LINE cũng giảm nhiệt trong các chiến dịch tiếp thị và truyền thông sau khi Zalo vượt lên dẫn đầu.

Trước sự kiện Viber tuyên bố sẽ đóng cửa văn phòng đại diện tại Việt Nam, một số quan điểm phân tích thị trường OTT cho rằng Viber đã có một cuộc đua “song mã” với Zalo trong cả năm 2014 và đầu 2015, và khi thất thế vì “một văn phòng đại diện gồm vài nhân sự của Viber không thể đấu với một đội quân hùng hậu của Zalo và VNG”, Viber đã quyết định rút lui.

Nhận định này có phần võ đoán và tự mãn về sự thành công của sản phẩm OTT nội địa. Cần phải nhìn rõ thực tế rằng việc Viber chuyển văn phòng đại diện từ Việt Nam sang Philippines không ảnh hưởng gì tới lượng người dùng Viber tại Việt Nam, giống như trước khi có văn phòng đại diện tại Việt Nam, Viber vẫn có được 8 triệu người dùng theo cách tự phát. Việc đóng cửa văn phòng đại diện này của Viber cũng tương tự như Yahoo đóng cửa văn phòng đại diện tại TP.HCM trước đây, và lượng người dùng Yahoo Messenger cũng không vì vậy mà giảm xuống.

Bài toán lợi nhuận từ OTT

Bà Nguyễn Đặng Quỳnh Anh - Giám đốc văn phòng đại diện Viber Việt Nam lý giải rằng văn phòng Viber tại Việt Nam đã “đặt xong nền móng vững chắc cho Viber trên thị trường OTT Việt Nam” và hoàn thành xong sứ mệnh. Nhưng nếu chỉ với các dịch vụ thoại và nhắn tin miễn phí qua kết nối Interner di động, Viber vẫn có thể phát triển thêm người dùng mà không cần có văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Sản phẩm của Viber cần tới yếu tố bản địa của văn phòng đại diện tại Việt Nam nhất chính là Viber Out, dịch vụ cho phép người dùng của Viber gọi điện thoại tới các thuê bao điện thoại (cả di động và cố định) không sử dụng Viber. Khi sử dụng Viber Out, người dùng sẽ trả cước cuộc gọi cho Viber, còn Viber sẽ kết nối và trả cước cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam để kiếm lợi nhuận chênh lệch.

Lợi nhuận từ Viber Out cùng các hình thức quảng cáo (bằng hình ảnh trong ứng dụng và gửi tin nhắn quảng bá tới các thuê bao) là những nguồn thu chính của Viber.

Tuy nhiên, theo dự thảo Thông tư quy định về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) soạn thảo và đang lấy ý kiến góp ý của xã hội, Viber Out sẽ chỉ được cung cấp tại Việt Nam nếu Viber hợp tác với một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trong nước.

{keywords}
Tính năng Viber Out cho phép thực hiện cuộc gọi từ smartphone tới các thuê bao điện thoại không cài đặt Viber.

 

Đóng cửa văn phòng đại diện để “né” luật?

Cụ thể, theo dự thảoThông tư quy định về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet do Bộ TT&TT soạn thảo và đang lấy ý kiến góp ý, nhà cung cấp dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet (OTT) nước ngoài có thu giá cước không đặt máy chủ tại Việt Nam phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông loại hình dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet.

Nhà cung cấp dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet nước ngoài chỉ được đặt máy chủ tại Việt Nam khi hợp tác với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông loại hình dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet phù hợp với cam kết quốc tế và các quy định về đầu tư nước ngoài quy định tại Luật Viễn thông.

Do vậy, theo ý kiến đánh giá của giới chuyên môn, việc Viber đóng cửa văn phòng đại diện tại Việt Nam có thể còn để “né” trước quy định trong dự thảo đang được Bộ TTT&TT soạn thảo. Điều này đồng nghĩa Viber đã chấp nhận không phát triển Viber Out tại thị trường Việt Nam nữa, nhưng vẫn duy trì các dịch vụ thoại và nhắn tin miễn phí giữa người dùng Viber với nhau để khai thác quảng cáo.

Ngoài ra, người dùng tại Việt Nam vẫn có thể “mua cước” Viber Out  bằng ứng dụng Viber để gọi tới các số điện thoại ở nước ngoài thông qua các loại thẻ thanh toán quốc tế như Visa, Master… Đây cũng là nguồn lợi nhuận tiềm năng của Viber từ thị trường Việt Nam nhưng không nhất thiết cần phải duy trì văn phòng đại diện.

Những đối thủ khổng lồ nhưng thầm lặng

Tại thời điểm thông báo đóng cửa văn phòng đại diện tại Việt Nam, đại diện Viber cho biết có khoảng 23 triệu người dùng tại Việt Nam, chiếm khoảng 60% thị trường OTT. Nhưng theo số liệu từ một nhà mạng di động trong nước chia sẻ, nếu căn theo lượng người dùng OTT “chạy” trên hạ tầng 3G, số người đang sử dụng Viber (active) tại Việt Nam khoảng 4-5 triệu. Số thuê bao chạy qua wi-fi được đánh giá là thấp hơn nhiều lần so với chạy qua 3G.

Vào thời điểm tháng 12/2014, báo VietnamPlus đưa tin theo thống kê của Jana.com dựa trên các nguồn tin trong nước, Zalo đã tạm dẫn đầu thị trường OTT Việt Nam với 20 triệu người dùng, tiếp theo Viber (12 triệu) và Line (4 triệu). Zalo chiếm gần 95% thị phần smartphone ở Việt Nam, tương đương 22 % dân số.

Tuy nhiên, các con số thống kê này thường phản ánh số lượt download của các ứng dụng OTT, bao gồm cả những người dùng đã tải về và sau đó xóa ứng dụng đi. Chưa kể nhiều người dùng cài đồng thời nhiều ứng dụng OTT trên cùng một smartphone, nên khái niệm chiếm được bao nhiêu % thị phần OTT sẽ không phản ánh chính xác bằng số người đang sử dụng ứng dụng tại Việt Nam.

Theo một khảo sát có quy mô phỏng vấn 500 người của Asia Plus Inc. (trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản) công bố vào 30/9/2014 tại TP.HCM, khi được hỏi ứng dụng nhắn tin nào được sử dụng thường xuyên nhất, có tới 87% người tham gia lựa chọn Facebook Messenger,  Zalo đứng kế tiếp với tỉ lệ 61%, đứng thứ 3 là Yahoo! Messenger với 56%. Theo kết quả khảo sát này, Yahoo Messenger được phổ biến hơn ở những người trên 30 tuổi, còn Zalo phổ biến ở nhóm người dùng tuổi teen (13-19).

{keywords}
Facebook Messenger mới là ứng dụng đang nắm vị trí độc tôn trên thị trường OTT Việt Nam. Viber thậm chí còn thua cả Skype và Yahoo Messenger.

Điều đáng nói là Facebook Messenger cũng không được đề cập trong các khảo sát trước đây về thị trường OTT tại Việt Nam. Nhưng kể từ khi được tung ra thị trường hồi cuối năm 2013 nhờ vào lượng người dùng Facebook đông đảo, ứng dụng nhắn tin cho smartphone này đã lập tức tăng trưởng lên mức hơn 14 triệu người dùng tại Việt Nam. Vào thời điểm đó, Viber mới có 8 triệu người dùng và Zalo còn thấp hơn.

Theo số liệu mới nhất, tính đến tháng 1/2015, có tới 27 triệu người sử dụng Facebook trên smartphone hàng tháng tại Việt Nam, chiếm 36% dân số. Với chính sách của Facebook gần như “ép” người dùng trên smartphone phải cài Facebook Messenger, có thể thấy lượng người dùng ứng dụng OTT này thực sự áp đảo các đối thủ OTT khác như Zalo hay Viber.

Với những kết quả thống kê trên, có thể thấy “cuộc chiến” trên thị trường OTT Việt Nam không phải chỉ có Zalo và Viber, mà còn rất nhiều đối thủ ‘khủng” và âm thầm khác như Facebook Messenger, Yahoo Messenger hay Skype. Tuy nhiên, yếu tố sống còn nhất của mỗi ứng dụng OTT chính là khả năng thu lợi nhuận, nhất là khi có những nhà cung cấp OTT đã phải chi ra hàng trăm tỷ đồng để cạnh tranh khốc liệt trên thị trường này nhưng chưa thể thu hồi vốn.

  • Huy Phong