Để sự phát triển của tên miền tiếng Việt đi vào thực chất, VNNIC đã tiến hành thanh lọc những tên miền đăng ký nhiều năm nhưng không đưa vào sử dụng. Tính đến tháng 10/2015, đã có tổng cộng hơn 187.000 tên miền tiếng Việt bị thanh lọc trong diện này.

Thông tin này vừa được chia sẻ trong Báo cáo Tài nguyên Internet 2015, do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) công bố tại sự kiện Ngày Internet Việt Nam 2015, 19/11.

{keywords}

Ông Nguyễn Hồng Thắng, PGĐ VNNIC phát biểu tại sự kiện. Ảnh: T.C 

Trong lần công bố Báo cáo tài nguyên Internet thường niên lần thứ 4 này, đại diện VNNIC cho biết muốn phản ánh bức tranh toàn cảnh về sự phát triển tài nguyên Internet Việt Nam năm 2015, cung cấp số liệu thông tin và phân tích về mức độ, tình hình đăng ký sử dụng tài nguyên Internet, qua đó phản ánh về hoạt động Internet và sự tăng trưởng của kinh tế Internet Việt Nam trên khía cạnh phát triển tài nguyên Internet.

Qua Báo cáo có thể thấy được sự tăng trưởng ổn định và bền vững của Internet Việt Nam qua các số liệu, chỉ số đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” cũng như tên miền quốc tế sử dụng tại Việt Nam. Hiện tại, tên miền “.vn” vẫn giữ vị trí đứng đầu khu vực ASEAN về số lượng đăng ký sử dụng và vị trí thứ 7 trong TOP 10 các quốc gia châu Á về số lượng tên miền cấp cao mã quốc gia.

Không chỉ vậy, tên miền “.vn” tiếp tục có tỉ lệ tăng trưởng đăng ký sử dụng cao hơn tên miền quốc tế với khoảng cách ngày càng cách biệt. Tính đến tháng 10/2015, Việt Nam có 335.794 tên miền không dấu và 926.065 tên miền tiếng Việt (TMTV).

Một sự kiện quan trọng liên quan đến tên miền trong năm qua là việc Bộ TT&TT ban hành Thông tư số 24/2015, quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet, bao gồm: đăng ký, phân bổ, cấp, sử dụng, hoàn trả, tạm ngừng, thu hồi, giải quyết tranh chấp, đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực Internet Việt Nam; quy định một số nguyên tắc mới trong quản lý và sử dụng tài nguyên Internet.

Liên quan đến vấn đề tài nguyên địa chỉ, với số lượng địa chỉ IPv4 là 15.758.080, Việt Nam hiện giữ vị trí thứ hai Đông Nam Á và đứng thứ 8 trong khu vực Châu Á và đứng thứ 28 trong số các quốc gia có nhiều địa chỉ IPv4 nhất trên thế giới.

Trong bối cảnh IPv4 đang cạn kiệt rất nhanh, việc đẩy nhanh chuyển đổi sang IPv6 là hết sức cấp bách. Năm 2015 là năm kết thúc giai đoạn 2 (2013-2015) của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 với nhiều sự kiện diễn ra như hội thảo “Triển khai IPv6 cho mạng di động băng rộng” ;chương trình làm việc trực tiếp của Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia với 7 doanh nghiệp/ đơn vị cung cấp dịch vụ trên 3 mảng di động, truy nhập Internet và nội dung số trên địa bàn thủ đô Hà Nội cũng như các khóa đào tạo cơ bản và nâng cao về IPv6 cho cán bộ các cơ quan chuyên trách, ban ngành khối cơ quan trung ương và địa phương.

Ngoài ra, Báo cáo tài nguyên Internet 2015 cũng phân tích các thông tin về Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) - hạ tầng kỹ thuật quan trọng hỗ trợ thúc đẩy phát triển Internet nói chung của Việt Nam với số lượng doanh nghiệp kết nối không ngừng tăng, số lượng cổng kết nối và lưu lượng trao đổi qua VNIX cũng tăng mạnh....

T.C