Văn phòng Chính phủ đề xuất Bộ TT&TT nghiên cứu, khuyến khích mô hình thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho ngành CNTT để tối ưu hóa việc sử dụng các dịch vụ sẵn có, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động thuê dịch vụ CNTT.
Lý do khiến VPCP đưa ra kiến nghị nói trên là vì cơ quan này nhận định, việc doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư trước để xây dựng phần mềm, rồi quảng bá dịch vụ, sản phẩm để cơ quan nhà nước thuê là hoạt động rủi ro cao. Hơn nữa, một số ứng dụng không phổ biến rất khó thực hiện được theo hình thức thuê dịch vụ.
Nếu được đưa ra môi trường CNTT toàn cầu thì lựa chọn dịch vụ sẽ phong phú, đa dạng hơn. Lối ra cho các doanh nghiệp cho thuê dịch vụ sẽ rộng hơn rất nhiều. Nhưng muốn làm được điều đó, thì VN cần có một mô hình thu hút vốn FDI hiệu quả.
VPCP kiến nghị Bộ TT&TT đề xuất nhân rộng mô hình thuê dịch vụ CNTT |
Bên cạnh việc tối ưu hóa môi trường ứng dụng CNTT, trong công văn gửi Bộ TT&TT ngày 3/12 vừa qua, VPCP cũng đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất, đặt hàng liên quan đến hoạt động thuê dịch vụ CNTT. Đáng chú ý, cơ quan này đang rất quan tâm đến việc thuê dịch vụ bảo mật, an toàn thông tin. (Độc giả có thể xem thêm về chủ trương này tại đây: Khuyến khích thuê ngoài dịch vụ ATTT)
Bắt đầu thuê dịch vụ CNTT ngay từ năm 2011, tính đến thời điểm này, VPCP đã triển khai hơn 20 hạng mục ứng dụng CNTT, bao gồm các ứng dụng hiện đại hóa hành chính, phục vụ sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các doanh nghiệp đang cho VPCP thuê dịch vụ gồm có VNPT, Viettel, VDC (VNPT-Net)...
Trong giai đoạn tới (2016-2020), cơ quan này tiếp tục có nhu cầu thuê 10 dịch vụ mới, quan trọng như Dịch vụ nền tảng cho Cổng thông tin điện tử cơ quan hành chính nhà nước 4 cấp từ Trung ương đến địa phương; Cổng dịch vụ công Quốc gia; Hệ thống kết nối liên thông các phần mềm quản lý văn bản của các Bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Mạng xã hội - chính quyền để người dân tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Công khai tiến độ giải quyết hồ sơ của các bộ, ngành, địa phương trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.....
Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc từng gặp phải trong quá trình triển khai, VPCP đặc biệt mong Bộ TT&TT sẽ có những hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu đối với từng hình thức thuê dịch vụ (dịch vụ hạ tầng IaaS, dịch vụ nền tảng PaaS, dịch vụ phần mềm SaaS).
Theo phân tích của VPCP, thực trạng cho thấy, cơ quan nhà nước sở hữu dữ liệu nhưng việc bảo mật thông tin do bên cho thuê dịch vụ đảm nhận - một số doanh nghiệp, đặc biệt tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không có đủ nguồn lực để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong tình trạng mất an toàn, an ninh thông tin toàn cầu hiện nay. Do vậy, VPCP kiến nghị Bộ nghiên cứu, tham mưu đề xuất về chính sách khuyến khích thuê chuyên gia về an toàn, an ninh thông tin hoặc cơ quan tư vấn về an toàn, an ninh thông tin, quy định vị trí việc làm hưởng mức phụ cấp ưu đãi, chuyên trách về an toàn, an ninh thông tin.
Một vấn đề phát sinh nữa khi thuê dịch vụ là trách nhiệm quản trị, vận hành về CNTT sẽ được chuyển sang cho đơn vị ngoài. Khi đó, cán bộ tại các bộ phận chuyên trách CNTT của một số cơ quan sẽ ít việc hơn. Điều này có thể tạo nên tình trạng dự thừa cán bộ. Nhằm tận dụng tối đa nguồn nguồn lực của các CQNN, VPCP kiến nghị Bộ TT&TT nghiên cứu, tham mưu về chương trình đào tạo cán bộ quản trị, vận hành ứng dụng CNTT sang ngành an toàn, an ninh thông tin hoặc hoạch định chính sách CNTT, quản lý dự án CNTT.
Đồng thời, Bộ TT&TT cần tổng hợp thông tin liên quan đến doanh nghiệp cho thuê dịch vụ CNTT (dựa trên thông tin do các bộ, ngành, địa phương cung cấp), trên cơ sở đó đề xuất, tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ tiếp tục thực hiện các văn bản, Nghị quyết quan trọng về ứng dụng CNTT như Chương trình Hành động của Chính phủ về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT; Phát triển Chính phủ điện tử.
"Chủ trương thuê dịch vụ đã được khẳng định trong Kế hoạch chiến lược 2016-2020 của các tổ chức khu vực và quốc tế, đặc biệt chú trọng vào việc hình thành hệ sinh thái CNTT - TT. Đề nghị Bộ dựa trên kết quả tổng hợp của các cơ quan nhà nước để đề xuất nhân rộng mô hình thuê dịch vụ CNTT, nhằm tận dụng các dịch vụ sẵn có trong nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay, tham mưu Chính phủ trình quốc hội để bổ sung nội dung liên quan, sửa đổi Luật CNTT trong năm 2016 theo kế hoạch tại Nghị quyết 26", VPCP kết luận.
T.C