Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho rằng, các cơ chế, chính sách và ngân sách đầu tư cho An toàn thông tin hiện nay hoàn toàn chưa tương xứng so với mức đầu tư cho CNTT nói chung.

Trong đa phần các dự án, mức đầu tư cho ATTT chỉ chiếm chưa đầy 5% tổng dự toán, thậm chí có dự án còn hoàn toàn không được nhắc đến. Đây là một tình trạng rất đáng lo ngại vì khi triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng CNTT; Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ Điện tử, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, xã hội sẽ  càng tạo ra nhiều cơ sở dữ liệu. "Không bảo vệ những dữ liệu này sẽ rất nguy hiểm", vị Tổng tư lệnh ngành cảnh báo.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Đầu tư cho ATTT chưa tương xứng. Ảnh: T.C

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Bộ TT&TT sáng 31/12, Bộ trưởng khẳng định đối với công tác bảo đảm ATTT, khâu thực hiện, triển khai thực tế mới là quan trọng. "Đừng nghĩ rằng có Luật ATTT mạng rồi thì chúng ta sẽ an toàn. Chúng ta có Luật An toàn giao thông nhưng không triển khai thì vẫn xảy ra tai nạn. Tương tự, nếu không tổ chức thực hiện tốt Luật ATTT mạng thì vẫn có thể mất an toàn thông tin".

Trong khi đó, công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng lại đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, tình hình các vụ tấn công diễn biến ngày càng phức tạp cả về quy mô lẫn mức độ ảnh hưởng. Nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng Internet làm phương tiện để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trong khi việc ứng dụng CNTT trong các CQNN tại một số địa phương và nhiều trang thông tin điện tử của các doanh nghiệp, tổ chức trong nước đang tồn tại lỗ hổng, thường xuyên bị tấn công. Đội ngũ nhân lực còn thiếu, nhất là đội ngũ nhân lực về CNTT và ATTT, Bộ trưởng chỉ ra.

Do đó, trọng tâm công tác trong năm 2016 của Bộ TT&TT sẽ là tập trung thực hiện tốt Luật ATTT, xây dựng các thông tư, nghị định dưới luật để hướng dẫn thực thi. "Đây là vấn đề rất bức xúc. Chúng ta hiện có 43 triệu thuê bao băng rộng và 120 thuê bao di động, rất nhiều trong số đó sử dụng smartphone nên nguy cơ tiềm ẩn mất ATTT  trên môi trường mạng là rất lớn. Cụm từ chiến tranh mạng đã thường trực hàng ngày chứ không còn xa xôi nữa", Bộ trưởng chỉ rõ tính thách thức và cấp bách của vấn đề.

Đồng thời, Bộ cũng sẽ tích cực hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương ứng phó kịp thời trước các nguy cơ tấn công từ bên ngoài qua mạng Internet; tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức toàn xã hội về an toàn thông tin. Chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin.

Tuy nhiên, bản thân các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và người dân cũng cần phải thay đổi tư duy, nhận thức về vai trò của ATTT, đầu tư cho hạng mục này một cách tương xứng hơn với ý nghĩa của nó.

Trước đó, tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề an toàn thông tin. Theo ông, nhiều người nghĩ CNTT là cái gì đó rất cao siêu. Nói đến ATTT thì lập tức hỏi ta không sản xuất ra thiết bị gốc, lấy gì mà đòi ATTT? "Quan điểm đó không sai, nhưng cũng không chính xác".

Giải thích rõ hơn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để đảm bảo ATTT thì ngoài kỹ thuật chuyên sâu (vấn đề này đã có các cơ quan chuyên môn lo) thì còn liên quan rất nhiều đến con người, đến thói quen sử dụng. Có đầu tư hệ thống tốt đến mấy, phần mềm mới và đắt đến mấy mà người dùng không tuân thủ những quy tắc cơ bản về sử dụng hệ thống thì cũng không ích gì cả. "Nếu nhận thức này không lan tỏa được từ Bộ xuống các Sở rồi lan tới các nơi khác, thì mọi nỗ lực đầu tư của Chính phủ cho Bộ Quốc phòng, VNCERT... thời gian qua cũng không tác dụng lắm đâu", ông cảnh báo.

Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII vừa qua, Luật An toàn thông tin mạng đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với 424/425 đại biểu tán thành. Luật gồm 8 chương, 54 điều và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2016.

Trọng Cầm