- Tất cả các vụ nổ hạt nhân ở Bắc Triều Tiên trong 10 năm qua đều tiến hành dưới lòng đất, chỉ ghi được địa chấn mà hầu như không trông thấy bằng mắt hay nghe bằng tai dù ở khoảng cách không quá xa.

Chỉ có ý kiến phản hồi hay tiếng dội từ công luận là dồn dập, gần xa và dễ dàng nghe thấy, gồm cả cấp nguyên thủ quốc gia đến người phát ngôn của cơ quan truyền thông…

Trên mười năm rồi, hồi tháng 10 năm 2002, Bình Nhưỡng đã thông báo cho biết Bắc Triều Tiên có chương trình vũ khí hạt nhân. Rồi đúng 4 năm sau, vào tháng 10/2006, vụ thử dưới lòng đất đầu tiên đã diễn ra. Và kế tiếp là các vụ nổ tháng 5/2009 và tháng 2/2013. Tất cả đều được thông báo là những vụ nổ bom phân hạch hạt nhân; tức là bom với nhiên liệu là Uranium U235 làm giàu cao hoặc Plutonium Pu239.

{keywords}
Vị trí và thời điểm các vụ thử bom hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Ảnh: BBC.

Chỉ mới đây nhất, vụ nổ dưới lòng đất vào ngày 06/01/2016 lại được Bình Nhưỡng loan tin chính thức là vụ thử quả bom H (còn gọi là bom khinh khí).

Về nguyên lý, quả bom H này cấu tạo bởi hai phần chính: một trái bom A (tức bom phân hạch) đóng vai trò kích thích và một khối hydro bao quanh là nhiên liệu chính. Quả bom H này nổ như sau: Bom A được kích nổ trước, phát nhiệt lên cao nhiều triệu độ, ép vô số các hạt nhân hydro lại với nhau tạo thành phản ứng (gọi là tổng hợp nhiệt hạch) và cuối cùng là phát ra lượng nhiệt cùng sức công phá kinh khủng.

Về hiện tượng cho nổ quả bom H ngày 06/01/2016, chính đài truyền hình nhà nước Triều Tiên đưa tin: Sắc lệnh đề ngày 15/12/2015, do chính tay lãnh tụ Kim Jong Un ký, đã bật đèn xanh cho việc thử nghiệm, kèm theo việc khuyến khích khởi đầu năm 2016 bằng“tiếng nổ đầy phấn khích của quả bom nhiệt hạch đầu tiên”.

Chính đài nói trên loan báo cụ thể: “Quả bom nhiệt hạch đầu tiên đã được thử nghiệm thành công vào lúc 10 giờ (1 giờ 30 GMT). Với thành công hoàn hảo của quả bom H lịch sử, đất nước chúng ta đã đứng ngang hàng với các quốc gia nguyên tử tiên tiến”.

Nếu nói thuần túy một vụ nổ xảy ra ngày 06/01/2016 thì đó là một thực tế không ai phản bác cả. Hãng Thông tấn RFI công nhận: “Trước khi có thông báo chính thức của Bắc Triều Tiên, cả Hàn Quốc, Trung Quốc và Hoa Kỳ đều ghi nhận một vụ động đất mà theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Địa chấn Hoa Kỳ (USGS) là 5,1 độ Richter”. Họ bổ sung thêm: “Hàn Quốc ngay sau đó lên tiếng cảnh báo, vì vụ động đất này xảy ra ở cách địa điểm thử nguyên tử Punggye Ri (trước đây) của Bắc Triều Tiên chỉ có 49 km”.

Vậy sự nghi ngờ vụ nổ bom ngày 06/01/2016 chỉ là trận động đất bình thường chỉ là nghi ngờ thoáng qua. Nhưng còn đó sự hoài nghi: quả bom cho nổ không phải là quả bom H (bom khinh khí) hoàn chỉnh mà chỉ là một quả bom A nhỏ mà thôi.

Chẳng hạn, một chuyên gia về hạt nhân nguyên tử Crispin Rovere, người Úc nhận xét: “Các dữ liệu địa chấn cho thấy vụ nổ rõ ràng là ít mãnh liệt hơn những gì người ta chờ đợi trong một vụ thử bom H. Mới nhìn thì có vẻ Bắc Triều Tiên đã thử nguyên tử thành công, nhưng họ không tiến được đến giai đoạn hai (tức vụ nổ nhiệt hạch khối khí hydro)”.

Nhà phân tích Bruce Bennett cũng tỏ ra nghi ngờ về loan báo của Bình Nhưỡng. Ông nói với AFP: “Nếu đó là một quả bom H thực sự, thì sẽ gây ra động đất mạnh gấp 100 lần, ở cường độ 7 độ Richter”.

Hoặc ông Choi Kang, phó giám đốc Viện nghiên cứu Chính trị ở Seoul suy luận: “Tôi không nghĩ rằng đó là bom H, vì vụ nổ sẽ phải mãnh liệt hơn nhiều. Có lẽ Bình Nhưỡng gọi là bom H vì mới đây Kim Jong Un đã đe dọa như vậy”.

Và cơ quan tình báo Hàn Quốc (NIS), trong một báo cáo ngắn, sau khi vụ thử bom được loan báo, gởi cho các dân biểu nước này cũng cho rằng đây không thể là bom khinh khí.

Có thể kết luận các nghi ngờ trên đây bằng cái “tit” của một bài viết do Reuters đưa: “Bình Nhưỡng chưa chế tạo nổi bom H”!

{keywords}
Đại diện Nhật Bản tại Liên Hiệp Quốc, ông Motohide Yoshikawa ngày 06/01/2016. Ảnh: REUTERS.

Chính giới Mỹ và Nhật cũng đều công khai tỏ ý hoài nghi về thành công của cuộc thử nghiệm được Bình Nhưỡng phô trương. Nhà cầm quyền Nhật Bản cho biết: ba phi cơ được phái đi để “đánh hơi” phóng xạ, đều trở về tay không, không thấy dấu vết phóng xạ trong các mẫu không khí thu thập để xét nghiệm. Còn phát ngôn viên Nhà Trắng Mỹ, ông Josh Earnest nhận định: Các phân tích đầu tiên mà Hoa Kỳ thực hiện về vụ nổ đều không khớp với các loan báo của Bình Nhưỡng theo đó Bắc Triều Tiên đã thử nghiệm thành công một quả bom khinh khí.

Và sau đây là phản ứng cụ thể đầu tiên trước sự cố “thử bom khinh khí” của Bắc Triều Tiên.

Vài giờ sau khi Bắc Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch ngày 06/01/2016, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp khẩn tại New York thể theo yêu cầu của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại đây 15 thành viên trong định chế này, bao gồm cả Trung Quốc đã lên án Bình Nhưỡng “vi phạm trắng trợn” các nghị quyết của cộng đồng quốc tế. Liên Hiệp Quốc cũng chuẩn bị tăng cường “các biện pháp trừng phạt đáng kể” nhắm vào Bắc Triều Tiên.

Trần Minh

TIN LIÊN QUAN