Với giá trị kim ngạch trên, trong tháng 10, ngành điện thoại các loại và linh kiện đã bỏ xa rất nhiều ngành vốn lâu nay là chủ lực của Việt Nam như, cà phê (gần 72 triệu USD), hạt điều (155 triệu USD), cao su (hơn 231 triệu USD), gạo (gần 257 triệu USD), gỗ và sản phẩm gỗ ( hơn 349 triệu USD), giày dép các loại (hơn 545 triệu USD), hàng thủy sản (604 triệu USD)… và cũng gấp luôn hai lần xuất khẩu dầu thô, khi ngành này chỉ đạt hơn 532 triệu USD.
Duy nhất, giá trị ngành điện thoại các loại và linh kiện chỉ thua ngành hàng dệt, may (đạt hơn 1,2 tỷ USD).
Tính cả 10 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu của ngành hàng điện thoại các loại và linh kiện vươn lên đứng ở vị trí thứ 4, đạt 5,12 tỷ USD, chỉ sau các nhóm ngành hàng là dệt may (hơn 11,6 tỷ USD), dầu thô (6 tỷ USD) và ngang ngửa với nhóm hàng giày dép các loại (5,19 tỷ USD).
Tuy nhiên, nếu đơn thuần chỉ so sánh con số ở tháng 10 và 10 tháng đầu năm chắc chắn sẽ chưa thể “lột tả” hết tốc độ tăng trưởng và ý nghĩa của ngành hàng điện thoại và linh kiện.
Chỉ 5 tháng trước, ngành hàng này vẫn thuộc nhóm “Hàng hóa khác” do giá trị xuất khẩu vẫn còn thấp. Nhưng do tốc độ tăng trưởng và giá trị xuất khẩu tăng nhanh và cao nên lần đầu tiên, tháng 6, Tổng cục Hải quan đã tách riêng ra, bổ sung thêm ngành hàng vào danh mục các mặt hàng xuất khẩu.
Khi đó, 6 tháng đầu năm, ngành hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 2,1 tỷ USD (riêng tháng 6 mới đạt 405 triệu USD), và lọt vào top “câu lạc bộ” 5 nhóm ngành hàng cụ thể có giá trị xuất khẩu đạt từ 2 tỷ USD trở lên. Trong đó, ngành dệt may đạt hơn 6,2 tỷ USD, thủy sản đạt 2,6 tỷ USD, dầu thô hơn 3,4 tỷ USD, giày dép các loại (3 tỷ USD). Còn mặt hàng gạo thì đạt chưa đầy 2 tỷ USD.
Từ con số 6 tháng và tháng 10 cho thấy, tốc độ tăng của ngành hàng điện thoại và linh kiện là rất nhanh và ngày càng tạo khoảng cách lớn so với các ngành chủ lực khác. Chẳng hạn, so với xuất khẩu dầu thô, trong tháng 7, giá trị xuất khẩu của dầu thô đạt hơn 846 triệu USD, của điện thoại các loại và linh kiện là gần 445 triệu USD; tương ứng tháng 8 là 812 và 709 triệu USD; tháng 9 là 458 và 836 triệu USD.
Mặc dù Tổng cục Hải quan không đưa chi tiết tên tuổi các đơn vị xuất khẩu điện thoại và linh kiện vào danh mục tổng hợp các ngành hàng xuất khẩu, nhưng có thể thấy, giá trị xuất khẩu ngành hàng này có tỷ trọng đa số là thuộc về Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV), thuộc tập đoàn Samsung.
Vì tại Việt Nam, mới chỉ có SEV sản xuất điện thoại để xuất khẩu. Công ty này cho biết, hơn 96% sản phẩm là để xuất khẩu.
Trước đó, SEV cũng cho biết, trong quý 1/2011, giá trị xuất khẩu điện thoại của công ty đạt 780 triệu USD, quý 2 là 944 triệu USD, dự kiến quý 3 là 1,276 tỷ USD và quý 4 là 1,340 tỷ USD; năng lực sản xuất của SEV dự kiến tháng 9 là 11,1 triệu sản phẩm/tháng và tháng 10 là 11,5 triệu sản phẩm/tháng. Công ty này cũng dự kiến giá trị xuất khẩu trong năm 2011 là 4,34 tỷ USD.
Trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Samsung Vina nói, sau khi Samsung đầu tư và đưa dây chuyền sản xuất điện thoại di động thứ hai đi vào hoạt động, chính thức từ tháng 9/2011, thì năng lực sản xuất của SEV trong thời gian tới sẽ còn lớn hơn.
Hiện tại, nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung tại Việt Nam cùng với nhà máy tại Hàn Quốc, là hai nhà máy sản xuất điện thoại có quy mô lớn nhất, trong tổng số 7 nhà máy của tập đoàn Samsung trên thế giới.
Việc Samsung đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại tại Việt Nam cũng đã kéo theo hàng chục doanh nghiệp nước ngoài vào cùng để chuyên cung cấp các linh kiện, phụ kiện cho nhà máy này.
(Theo VnEconomy)