“Ăn” là phương thức tốt nhất để phòng chống bệnh tật, giữ gìn sức khỏe. Mùa đông nên ăn uống thế nào để tăng khả năng chịu rét cho cơ thể?


BS Thanh Sơn, nguyên giảng viên Học viện Quân y cho hay, theo quan niệm của Đông y, mùa đông (sau tiết Đông chí) là dịp bồi bổ sức khỏe. Các thức ăn cần ăn uống nóng để cung nhiệt và giúp cơ thể giữ nhiệt. Chế độ ăn nên ít thịt, nhiều ngũ cốc, rau quả tự nhiên để trung hòa được các vị. 

Nên chọn thực phẩm tăng nhiệt để chế biến đồ ăn mùa đông.

Trong Đông y có ngũ vị (chua, đắng, ngọt, mặn, cay). Vị chua (cam quít, ô mai, dưa muối…) ăn ở mức vừa phải sẽ giúp giảm tiểu tiện mùa đông, giữ mồ hôi, ngừa tiêu chảy… Vị đắng trong những món ăn giàu chất kiềm sẽ bổ tâm, tiêu viêm giải nhiệt, thúc đẩy tuần hoàn máu và làm giãn huyết quản. Vị ngọt (đường, mật ong, mứt, nước uống ngọt...), cung cấp nhiệt năng giúp cơ thể chống chọi lại với giá lạnh, nhưng không ăn quá nhiều vì dễ béo phì, giảm cảm giác thèm ăn, ảnh hưởng đến tiêu hóa của dạ dày và tim, thận.

Vị mặn trong thực phẩm (rau câu, sứa, rau tảo...) giúp bổ thận, nhưng không lạm dụng vì dễ tổn hại đến tạng tâm, tì. Vị cay (tính nhiệt trong gia vị hành, gừng, tỏi, ớt, hạt tiêu, quế, hồi, hành tây, cà ri...) giúp trừ hàn và kích thích tăng nhiệt lượng, thúc đẩy tuần hoàn máu, ngừa cảm lạnh, cúm. Nếu cho các gia vị vào món canh khi bay hơi sẽ giúp thông mũi, giảm nghẹt mũi.

Cũng theo BS Thanh Sơn, mùa đông nên ăn các loại thịt chó, thịt dê, thịt hươu vì bổ dưỡng, hoạt huyết, giúp chống lạnh, tăng trao đổi chất và bài tiết... Đặc biệt thịt chó có công hiệu trợ dương tán hàn, rất tốt cho người chân tay lạnh giá, tiểu đêm… Thịt dê làm ấm cơ thể, kiện lực, chống lại giá rét, mất sức khi trời lạnh… (nhưng người bị nhiệt nóng trong người, bị cúm, viêm trực tràng cấp tính, huyết áp cao không nên ăn). 

Hải sản giàu i-ốt (rong biển, sứa, tôm, cua, sò, hến, các loại hạt có dầu, sản phẩm sữa, ngô) giúp nâng cao khả năng chịu rét, thúc đẩy sinh nhiệt, chống giá rét. Mùa đông ngủ nhiều, hoạt động ít, ăn nhiều đồ có dầu mỡ, năng lượng nên “hỏa vượng”. Do đó ăn chút thực phẩm có tính hàn (cua, ốc... và cả dưa, củ cải) giúp cơ thể tự tiêu bớt mỡ, phòng chống béo phì.

Khi nấu ăn mùa đông, bạn nên cho thêm gia vị trị lạnh cay (gừng, hành tây, ớt, hạt tiêu, tỏi và cà ri…) để sinh nhiệt, ngừa cảm lạnh, cúm, nhưng không nên cho quá nhiều vào thức ăn. Cũng không nên lạm dụng quá nhiều rượu ngon, thịt béo, cao lương mỹ vị vì dễ sinh bệnh, dễ tăng cholesterol, gây xơ vữa động mạch, dẫn tới các bệnh lý cao huyết áp, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não... với tỷ lệ tử vong và tàn phế rất cao.

Với rau, củ, quả, BS Thanh Sơn cũng khuyến cáo khi mua nên chọn lựa các loại rau củ mang tính ôn để giúp tăng nhiệt cho cơ thể mà không làm cho thân nhiệt bị thất thoát. Các loại rau củ tươi tính ôn là: Bạc hà, cà rốt, diếp cá, đinh lăng, hành tây, kiệu, húng chanh, húng quế, kinh giới, mùi ta, ngải cứu, nghệ, rau răm, sả, tía tô, tỏi tây. Tính nhiệt gồm: gừng, ớt, riềng, tỏi.
 

Vài món ăn chống rét dễ làm

- Thịt gà kho gừng: Bổ dưỡng, bổ âm cho tỳ vị, bổ khí, huyết và thận, giúp trừ phong hàn, cảm cúm, cảm lạnh, nhức mỏi…

- Cánh gà rán gừng: 10 cánh gà ướp với 2 củ gừng, dầu hào, xì dầu, đường, tiêu trắng, 1 muỗng sốt BBQ. Bọc cánh gà trong túi thực phẩm, để ngăn mát tủ lạnh vài giờ rồi xếp vào chảo, rán vàng. Ăn nóng với dưa góp cà chua/dưa chuột, tương ớt.

- Cật xào ớt: Bầu dục lợn. Ớt chuông (xanh, đỏ). Gừng, tỏi, xì dầu, giấm, bột nêm, đường, bột đao. Cho 2 thìa xì dầu, 1 thìa giấm, 1 thìa bột nêm, 1/2 thìa đường và chút bột đao hoa làm nước sốt. Đặt chảo lên bếp, đun nóng 2 thìa dầu ăn, phi thơm tỏi và gừng. Cho ớt vào xào tái (10 giây), rồi cho bầu dục thái miếng vào xào. Đổ nước xốt đảo đến khi bầu dục chín, nước sốt sánh thì đổ ra, ăn nóng.

(Theo Gia đình)