“Với đường đồi núi, dốc cao, vực sâu, không đèn đường, người lái non tay, không quen đường, đi đêm như thế khác nào giỡn mặt với tử thần”, một độc giả lên tiếng.
Vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào tối ngày 6/12 của nữ sinh Đ.T.T.H trên đường “phượt” lên Mộc Châu một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về hình thức du lịch bụi thiếu an toàn của giới trẻ.
Quá nhiều rủi ro, tai họa
Nhiều độc giả cho rằng, đi du lịch bụi bằng xe máy trên đường dài, đường đồi núi, lại đi trong đêm là rất nguy hiểm, nhiều rủi ro, tai nạn có thể ập tới bất cứ lúc nào.
Độc giả Nguyễn Nhật Minh phân tích những rủi ro của đoàn “phượt” vừa xảy ra tai nạn thương tâm: “Ông leader này liều thật, tổ chức một đoàn 30 cái xe máy, 60 con người, xuất phát 18h ở Hà Nội, tối ngủ Mai Châu? Ông định đua xe máy à? Ông biết quãng đường Hà Nội đi Mai Châu bao nhiêu km không? Khoảng gần 130km đấy! Với đường đồi núi, dốc cao vực sâu, không đèn đường... Lúc xảy ra tai nạn mới chỉ là ở huyện Lương Sơn, huyện đầu tiên giáp Hà Nội, còn nếu xảy ra tai nạn ở đèo Nguyễn Văn Bé ấy thì ông xoay xở kiểu gì? (Chưa kể các xế không có trình độ như nhau). Mong rằng các nhà tổ chức phượt nên tổ chức nhóm nhỏ gọn thôi, dễ quản lý!”.
“Mình cũng không hiểu bản thân anh là một leader kinh nghiệm đầy mình mà lại tổ chức cung xa đi đến 30 xe, bản thân đoàn có xế non mà lại chạy đêm. Thật đáng tiếc”, độc giả Huyền cũng đồng ý với quan điểm đi đêm là quá nguy hiểm.
Còn độc giả Minh thì cho biết: “Bản thân anh cũng là người thích đi đây đó bằng xe máy và cũng đã từng làm việc nhiều năm ở thủy điện Sơn La. Quả thực cung đường này cực kỳ nguy hiểm nhất là vào mùa này. Sương mù làm nên vẻ đẹp của vùng cao nhưng cũng khiến cho việc điều khiển xe máy hết sức nguy hiểm, nhất là các bạn lại đi vào buổi tối nữa”.
Độc giả Long thì cho rằng mùa này trời tối, nhiều sương mù, không có đèn đường nên chuyện xảy ra tai nạn khi di chuyển đường dài trong đêm là dễ hiểu.
“Hồi sinh viên, tôi cũng tham gia rất nhiều các chuyến đi kiểu du lịch bụi này, nhưng đi với nhóm bạn thân, lên kế hoạch cung đường tỉ mỉ và rất kỷ luật. Với các cung đường Tây Bắc, đường dốc và có vực thì chỉ nên đi ban ngày, hạn chế tốc độ, chứ đi đêm như vậy xảy ra tai nạn như chơi. Đi du lịch bụi là để ngắm cảnh, khám phá, chứ không phải đi để liều mạng”, độc giả này chia sẻ.
“Báo động tình trạng đi du lịch bụi thiếu an toàn của giới trẻ hiện nay. Nhóm trưởng đã sai lầm và non nớt khi cho phép 30 xe, 60 con người tham gia rồng rắn trên đường đi. Đã vậy lại còn di chuyển trong đêm, đường đèo dốc, tầm nhìn hạn chế”, một độc giả khác tiếp lời.
Độc giả Trương Thanh Huyền thì cho biết chị đã chứng kiến một đoàn đi “phượt” trên quốc lộ 2 từ Hà Nội đi Hà Giang và thấy quá nguy hiểm: “Khoảng 20-30 cặp đi xe máy tốc độ cao vào buổi tối, luồn lách vượt cả ô tô. Tôi thấy một số bạn đi "phượt" do lãng mạn thích khám phá, một số bạn do đua đòi. Có nên đánh cược tính mạng mình như vậy không? Các bạn nên hiểu nếu rủi ro xảy ra thì đối với các bạn là cái chết vô nghĩa; đối với gia đình là tai họa là cướp công cha mẹ”, độc giả này bày tỏ.
Đừng liều mạng để “trải nghiệm”!
Nhiều ý kiến cho rằng, họ không phản đối việc đi du lịch bụi để khám phá, trải nghiệm cuộc sống của giới trẻ nhưng đừng nên đánh cược cả mạng sống để có được những trải nghiệm ấy.
Ảnh minh họa |
Độc giả Tùng Dương chia sẻ: “Phượt với mục đích để tìm hiểu về phong cảnh, con người Việt Nam ở các vùng miền là thú vui lành mạnh, nhưng mỗi chuyến đi cần chuẩn bị chua đáo để đảm bảo an toàn. Bởi con đường vùng cao không dễ đi như các bạn nghĩ, mỗi mét là một khúc cua, trên là núi dưới là vực. Trước khi đi cũng cần lên tìm hiểu kỹ và cân nhắc một cách rõ ràng. Chứ cứ cắm đầu cắm cổ lên đi, đánh cược cả mạng sống để có những trải nghiệm ấy thì thật không đáng”.
Độc giả Trường Thọ bày tỏ: “Tôi ủng hộ "PHƯỢT" vì nó mang lại cho lớp trẻ và cả chúng tôi thấy đất nước mình đẹp biết bao! Nhưng các bạn thấy đấy: Không nên đi vào thời tối vì chưa kịp xử trí thì tai nạn đã xảy ra! Nên bắt đầu từ khoảng 6h30 trở đi, đi chặng khoảng 40-50km thì nghỉ, trưa ăn cơm xong nghỉ 45 phút thì đi tiếp và nên nghỉ sớm trước khi tối”.
Một số độc giả khác thì cho rằng, "phượt" là một hình thức du lịch khám phá giá rẻ nhưng đòi hỏi người tham gia phải có sức khoẻ và sự am hiểu nhất định cùng với kỹ năng để sống hoà mình với thiên nhiên. Tại Việt Nam hình thức đi phượt đang được các bạn trẻ ưa chuộng nhưng chưa có các khoá học cũng như các trung tâm dạy về kỹ năng này, giới trẻ tự tìm tòi, tự trải nghiệm và cũng rất dễ xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Vì vậy, độc giả Hiếu cho rằng, còn rất nhiều hoạt động lành mạnh khác để giới trẻ trải nghiệm, trưởng thành, chứ không cớ gì cứ phải liều mạng đi phượt:
“Trong cuộc sống có bao nhiêu trải nghiệm quý giá, tại sao cứ phải phượt? Trải nghiệm trên đường phượt giúp ích được gì trong cuộc sống? Nhìn lại đời mình tôi thấy những chuyến đi như vậy không giúp ích được nhiều trong cuộc sống, kỹ năng sinh tồn, sống độc lập... tôi học được là từ những tháng năm xa nhà đi học, tự kiếm tiền để sống chứ không phải từ những chuyến phượt (tôi sống tự lập từ khi bước vào đại học, đã đi tới hầu hết các tỉnh thành Việt Nam từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau, và tới gần 20 nước trên thế giới). Tôi cũng mong dư luận xã hội hãy gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh giới trẻ trước thú vui vô bổ chết người này”.
K. Minh (tổng hợp)