Là trang nhật ký cá nhân để người ta trải lòng, chia sẻ… nhưng Facebook đôi khi cũng mang lại lắm điều phiền toái, có thể dẫn tới hôn nhân tan vỡ.
Vợ chồng chị sắp bước qua tuổi 50, có tới hai mặt con, đứa lớn năm nay 12 tuổi, đứa nhỏ cũng được bảy tuổi. Họ có nhà cho thuê ngay trung tâm Sài Gòn nên cuộc sống khá thoải mái, không phải lo toan cơm áo gạo tiền. Trái hẳn với người chồng suốt ngày nằm nhà ăn, ngủ và Facebook, chị là người phụ nữ hiện đại, luôn tất bật với công việc kinh doanh thiết bị nha khoa. Với chiếc iPhone, iPad trên tay, anh có thể dễ dàng “kiểm soát” mọi hoạt động bên ngoài của vợ.
Khi ảnh vợ và đối tác lên Facebook
Để ký được những hợp đồng, chị thường xuyên gặp gỡ nhiều người, có khi qua những bàn tiệc. Trong những cuộc vui ấy, họ thường mời nhau chụp chung những bức ảnh. Rồi những tấm ảnh ấy ngay lập tức được post lên Facebook, có khi đối tác, bạn hàng “tag” qua Facebook của chị. Thế là anh suy diễn cho rằng vợ không chung thủy, viện cớ công việc để lăng nhăng bên ngoài...
Những ghen tuông vô cớ khiến người chồng luôn tra khảo, khủng bố tinh thần chị. Đã nhiều lần chính quyền địa phương can thiệp nhưng rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy. Chị quyết định xin ly hôn, giải thoát cho mình.
Trong phòng hòa giải của một tòa án quận ở TP.HCM vào cuối tháng 7, người ta nghe rất rõ giọng một người phụ nữ vừa nói vừa khóc: “Anh ấy từng nói vầy: “Mày không bỏ tiền ra mời nó đi ăn thì nó bỏ tiền, mày phải lên giường với nó!”. Thẩm phán nghe có chịu nổi không? Đó là những uất ức bấy lâu nay dồn nén trong em, mà em có làm gì sai đâu chứ! Ảnh cứ áp đặt em như thế…”.
Trước những lời lẽ kể tội mình, ngồi bên cạnh, người chồng vô tư đáp: “Đấy, ai biểu chụp ảnh đưa lên Facebook làm gì!”. Chị lấy tay quệt nước mắt, phân bua: “Sở thích của em là được chụp ảnh. Chẳng qua là vì công việc, những đối tác làm ăn họ hay mời chụp chung một vài tấm, đâu có gì là sai!”.
Chồng chìa chiếc điện thoại mở sẵn Facebook có tấm ảnh vợ chụp chung với những người đàn ông lạ mặt ra: “Đây này, sao cô lại chụp ảnh chung với những thằng này?”. Chị quay qua thẩm phán nói: “Ảnh suốt ngày ở nhà ăn với ngủ rồi lên Facebook comment, dùng đủ lời lẽ chửi bới em và những người bạn. Ảnh không biết làm như thế ảnh hưởng tới công việc của em như thế nào đâu!”. Nước mắt chị lại đầm đìa, giọng nói đầy ấm ức.
Vị thẩm phán liên tục ngắt lời, nhắc nhở chị giữ bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc. Bên ngoài hành lang, một vài đương sự đang… viết đơn ly hôn tò mò ngó vào khi nghe có người lớn tiếng.
Chị bảo những lời sỉ vả của chồng làm chị quá mệt mỏi. Chị ôm đầu: “Em phải nói sao cho anh hiểu đây? Ngay cả địa chỉ email trước kia anh tạo cho em giờ cũng bị anh khóa lại…”. Chồng: “Email đó do tôi làm, tôi có quyền quyết định. Khóa để những thằng khác khỏi gửi”. Chị: “Đàn ông gì mà kỳ cục vậy!”. Anh thản nhiên: “Ai đưa ảnh lên? Vì ai? Vì ai?”. Chị giơ tay lên cao: “Em cũng là một con người. Em thề với trời cao là không bao giờ có chuyện lên giường với người khác!”.
Trước tình thế này vị thẩm phán đành mời cả hai vợ chồng ra ngoài ngồi một lúc cho bớt căng thẳng. Họ ngồi cách xa nhau một dãy ghế. Anh vẫn cứ ngồi yên, còn chị gạt nước mắt nghe những cuộc điện thoại tới tấp về công việc.
Nhìn Facebook nghĩ chồng có bồ
Nhìn cặp vợ chồng trên lớn tiếng, nước mắt vẫn còn đọng trên khóe mi, chị L. bước ra từ phòng bên cạnh của tòa án, trên tay cầm giấy khai sinh của con trai. Tất nhiên, câu chuyện trên đây chị nghe hết. Bởi vậy chị chép miệng: “Khổ! Chị cũng chẳng hơn gì, vừa mới mua hồ sơ xin ly hôn đem về cho ổng biết”. Thế rồi cứ thế chị trải lòng, như được dịp trút nỗi buồn bực mà tám tháng nay chị chẳng thể tâm sự cùng ai.
Vợ chồng chị mới ngoài 30 tuổi, có một bé trai năm nay vào lớp 1. Cả hai bên gia đình nội, ngoại đều khá giả, mướn người giúp việc. Anh làm việc trong môi trường nhà nước chuyên về vàng bạc đá quý, còn chị thì làm tư nhân.
Chị L. kể câu chuyện của mình cũng xuất phát từ nguyên nhân Facebook nhưng trái ngược với câu chuyện trên đây. Cách đây tám tháng, chị bắt gặp trên Facebook của chồng có tấm ảnh chụp chung với một phụ nữ, lại do chính người đó đưa lên. Chị tò mò nhấp chuột xem người phụ nữ kia là ai thì biết cô này làm cùng công ty với chồng, đã ly dị.
Chị bắt đầu xâu chuỗi lại mọi điều và… cật vấn chồng: “Lâu lắm rồi anh không chở mẹ con tôi đi chơi, có phải anh có người phụ nữ khác ở ngoài hay không?”. Chồng chị cười: ““Bé” nghĩ sao mà nói như vậy?”. Thế là cả hai vợ chồng giận nhau sáu tháng trời, chẳng ai nói chuyện với ai, hễ chị vào trong phòng thì anh đi ra ngoài.
Tối nọ, anh ngủ lại nhà cha vợ. Sẵn tiện chị đem chuyện chiến tranh lạnh bấy lâu nay giữa hai vợ chồng ra méc với cha: “Tôi lấy tấm ảnh anh chụp chung với cô ấy trên Facebook cho ba xem. Anh ấy lại nói: “Chỉ là tấm ảnh trên Facebook thôi mà. Tưởng gì, trong máy tôi còn nhiều ảnh chụp chung với nhiều người nữa. “Bé” nói thì phải nói cho đúng”. Ảnh nói vậy thử hỏi sao không buồn!”.
Sau hôm ấy, cả hai đã làm hòa với nhau được vài bữa thì mùa World Cup lại đến. Anh đi xem đá banh tới tận sáng mới về. “Chắc cũng chỉ đến nhà cô kia ngủ mới vậy!” - chị nghi ngờ. Nếu chị không lên Facebook, có thể hai vợ chồng không giận nhau nữa. “Tôi lên Facebook thấy mấy đứa bạn được chồng phụ lo nhập học cho con nhưng vẫn than quá trời. Vậy mà với nhà tôi thì chỉ có mình tôi tất tả cầm hồ sơ đi khắp nơi...”.
Chị cầm đơn xin ly hôn đứng dậy quả quyết: “Tôi biết ổng muốn ly hôn lắm rồi, chỉ ngại không nói ra thôi. Để tôi đi mua hồ sơ ly hôn luôn cho biết…”. Rồi chị quầy quả bước ra khỏi tòa với mớ hồ sơ đã chuẩn bị sẵn khiến người nghe chưng hửng.
Lạm dụng Facebook
Với câu chuyện ban đầu, anh thư ký tòa chia sẻ: Mâu thuẫn của họ không có gì trầm trọng. Chỉ qua vì mấy tấm ảnh người vợ chụp chung với người khác giới trong công việc đưa lên Facebook mà thôi. Người chồng chấp nhận ly hôn, họ không đả động gì tới chia tài sản chung. Vợ thì giành phần nuôi hai con, riêng người chồng chỉ đòi nuôi một đứa…
“Lẽ ra thẩm phán có thể chấp nhận cho họ ly hôn rồi xếp lại hồ sơ. Nhưng thẩm phán không làm thế vì nghĩ rằng sau họ còn có hai đứa con đang tuổi ăn học, chúng cần bàn tay chăm sóc của cả cha và mẹ. Thấy có khả năng hòa giải được, tòa cố gắng dành thời gian cho đôi bên về suy nghĩ lại đặng hàn gắn” - anh thư ký tòa cho biết.
Tôi cũng tin nỗ lực ấy của thẩm phán sẽ có kết quả nếu người chồng chịu nghĩ lại, đừng quá nhỏ nhen, ích kỷ. Còn ở vụ thứ hai, tôi mong rằng câu chuyện chỉ dừng lại ở đó, rằng người vợ sẽ không quay lại tòa để nộp đơn ly hôn. Bởi xét cho cùng mâu thuẫn của họ có gì ghê gớm, trầm trọng lắm đâu. Và biết đâu qua bài báo này, họ đọc được rồi sẽ tự làm lành với nhau…
Bất chợt anh thư ký hỏi: “Bạn có sử dụng Facebook không?”. Tôi trả lời có. Anh trầm ngâm: Facebook là mạng xã hội đang rất thịnh hành, nó giúp chúng ta nắm thông tin người thân, bạn bè đang ở xa và trao đổi công việc... Không chỉ giới trẻ mà rất nhiều người lớn tuổi cũng xài Facebook.
“Nhưng đôi khi họ quá lạm dụng Facebook. Không ít người đang ăn cũng dừng lại chụp ảnh rồi tung lên Face, trước khi đi ngủ cũng vào Facebook, sáng vừa mở mắt đã Facebook. Thậm chí trong một bữa tiệc có bốn người thì cả bốn, thay vì chuyện trò với nhau, mỗi người lại ôm cái điện thoại để… nói chuyện với nhau bằng “like” và comment. Tôi có cảm giác họ ăn, ngủ cùng Face thì phải!” - anh thư ký cười.
Và tất nhiên, chơi Facebook mà để gia đình phải đổ vỡ, con cái phải tan đàn xẻ nghé thì liệu có đáng?
(Theo PL TPHCM)