Đa số các bà mẹ nước ngoài không chọn phương pháp đánh con mà thường thì họ sẽ có “góc suy nghĩ” dành cho con để con suy ngẫm về hành động của mình.
Hồi nhỏ tôi cũng không phải công chúa tiểu thư gì, hư, mải chơi, trốn học, bố mẹ không những la mắng mà cũng đánh tôi như các cha mẹ Việt Nam khác. Ở nhà có một cây đũa to riêng để làm roi, chị em tôi ghét cây đũa đó lắm, mấy lần lên âm mưu phi tang nó rồi mà bị phát hiện, lại đứng góc tường . Đến lớp tủi thân có kể lại với mấy nhỏ bạn, tụi nó đứa nào cũng 'shock', mắt tròn xoe đầy kinh ngạc khi tôi chỉ cho những con lươn đang thâm tím trên mông, một nhỏ còn đầy tự tin nói: “Không thể chấp nhận được, bỏ nhà đi, sang nhà tớ ở! Mẹ tớ không bao giờ đánh như thế đâu!”, sau đó tôi thường nghĩ mình là đứa trẻ bất hạnh nhất trên thé giới. Nhớ lại thật mắc cười.
Tuy sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, nhưng gia đình tôi ở khu chung cư toàn người Việt Nam sinh sống, nên tôi cũng hiểu được phần nào câu: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Bản thân tôi chưa làm mẹ nhưng tôi có em nhỏ năm nay vào lớp 2, vì vậy, từ khi bé mới chào đời cho đến nay tôi hiểu tâm lý người làm cha, làm mẹ và cùng lúc đó tôi vẫn cảm nhận được góc nhìn của trẻ nhỏ.
Dù vậy, về Việt Nam không lâu thì tôi bị ‘shock’ với các bài báo “cách dạy dỗ con” của các bậc cha mẹ ở Việt Nam! Gần đây nhất là bài báo “Ba mẹ ơi đừng đánh con, đừng liệng con đi, đừng chích điện con…” đăng trên một tờ báo điện tử. Và gần đây nhất là vụ bé gái 4 tuổi bị cha mẹ bạo hành dã man.
Nhìn ảnh mấy đứa trẻ mặt mũi bầm tím không mở được mắt, tôi thực sự không hiểu sự tàn nhẫn của lòng người có thể đi đến đâu nữa. Phương pháp dạy con ở mỗi nước khác nhau, Tây hay Ta thì cũng đừng quên khi bạn giơ tay lên đánh con là bạn chịu thua với chính bản thân mình. Bản thân bạn không chỉ bảo con được đúng hay sai để bây giờ bạn phải đánh con, dùng bạo lực để khống chế và ép buộc suy nghĩ của bạn cho con.
Nhìn ảnh mấy đứa trẻ mặt mũi bầm tím không mở được mắt, tôi thực sự không hiểu sự tàn nhẫn của lòng người có thể đi đến đâu nữa. (ảnh minh họa) |
Nên nhớ, con cái là tấm gương phản ánh lại lối sống của cha mẹ mình, bạn dùng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề, khúc mắc giữa bạn và con thì ra xã hội bé cũng nghĩ đó là phương pháp duy nhất để giải quyết mọi vấn đề, từ đó sinh ra các vấn đề tệ nạn bạo lực xã hội. Trẻ nhỏ là mầm móng của tương lai, là thế hệ mai sau, hôm nay mọi người dậy dỗ trẻ thế nào thì thế hệ của 20 năm sau sẽ là kết quả của các bậc cha mẹ hiện nay.
Cũng trong thời gian vừa qua có bài báo về Hào Anh, một người đã từng trải qua tuổi thơ man rợ đầy bạo lực, được mọi người quyên góp tiền cải thiện đời sống.
Tuy nhiên bạn trẻ này hiện tại đã đuổi mẹ ruột ra khỏi nhà và lập tức bị mọi người chỉ trích. Riêng cá nhân tôi thì thấy đó là tiếng kêu cầu cứu của một cá nhân, một tâm hồn vẫn chứa đầy vết thương chưa lành lặn, cần được xã hội quan tâm hơn không chỉ về mặt vật chất mà còn cả về tâm lý. Thay vì lên án và dồn một cá nhân vào góc tường thì ta nên mở một cánh cửa mới với một hy vọng mới, bởi lẽ không ai sinh ra với tâm hồn độc ác sẵn có.
Quay trở lại vấn đề dạy dỗ con, khác với Việt Nam trẻ con PHẢI nghe lời người lớn đơn giản bởi vì CHA MẸ LUÔN LUÔN ĐÚNG! Thì phương Tây coi trẻ trước hết là một CÁ NHÂN, một thành viên trong gia đình và là một viên gạch nhỏ trong cấu trúc của xã hội. Vì vậy, các bé sẽ có ý kiến riêng và suy nghĩ riêng của mình.
Đa số các bà mẹ nước ngoài không chọn phương pháp đánh con mà thường thì họ sẽ có “góc suy nghĩ” (hoặc 1 chiếc ghế ). Hồi đi học mẫu giáo, tôi cũng từng bị vào góc suy nghĩ, cô nói: “Hãy ngồi đây và suy nghĩ hành động của mình có đẹp không! Thật xấu hổ! hành động của em thật là giống những chú khỉ ngoài vườn thú, không được dạy dỗ, cô thấy xấu hổ cho bố mẹ em!” Và tôi đã ngồi nhìn các bạn khác chơi đùa vui vẻ cùng nhau và suy ngẫm tại sao tôi bị phạt cho đến giờ ăn trưa.
Ngược lại, nếu không nghiêm khắc và quá nuông chiều bé, muốn gì được nấy, bé sẽ không biết giá trị của công sức và không biết được sự nỗ lực là gì. (ảnh minh họa) |
Quy tắc đầu tiên cô dạy tôi: “Con hãy đặt mình vào vị trí người khác, con có muốn bị đối xử như thế không? Nếu không, thì con đừng hành động như vậy?”
Thực chất khi đánh trẻ bạn không những hình thành tính chất bạo lực và ngăn chặn tính tò mò hiếu kỳ tự nhiên của trẻ, sự hiếu động và tìm tòi, phát triển trí tuệ của bé mà còn vô ý hình thành thói quen và điểm yếu tuân theo bạo lực, sợ kẻ mạnh hơn và ra đường dễ trở thành nạn nhân của một tên côn đồ. Và khi gặp kẻ yếu hơn thì ra tay bắt nạt. Bạn có muốn con mình hình thành tính nết như vậy không? Hoàn toàn không?
Ngược lại, nếu không nghiêm khắc và quá nuông chiều bé, muốn gì được nấy, bé sẽ không biết giá trị của công sức và không biết được sự nỗ lực là gì.
Để con mình luôn luôn tự tin không nên quá bao bọc con sau 10 tuổi, nếu không các em sẽ trở thành những người luôn luôn tự ti và dễ bị người có cá tính mạnh và lập trường quan điểm riêng rõ ràng chèn ép hoặc chi phối.
Đó là bài học tôi rút ra được khi đọc những bài báo về cách dạy con của các bậc cha mẹ Việt Nam và những gì tôi đã tận mắt thấy khi sống ở nước ngoài 19 năm. Quá bất bình về chuyện cha mẹ đánh đập trẻ nhỏ, tôi phải nói lên suy nghĩ của mình để bảo vệ cho những đứa trẻ đó. Mong là các bậc phụ huynh của chúng ta sẽ suy nghĩ thấu đáo và thay đổi cách dạy con, để con trở thành một người mạnh cả về trí tuệ và tinh thần và để chúng lúc nào cũng tự hào về bố mẹ của mình...
(Theo Khám phá)