Lần nào trước khi về bà cũng phân trần với cô: "Cùng cảnh đi làm dâu, con thông cảm cho mẹ nhé! Bao giờ việc nhà chồng rảnh rỗi một chút, mẹ ở chơi với các con lâu hơn"...

Ngày cô về làm dâu, mẹ chồng về hưu, ai cũng mừng cho bà, bảo từ nay chỉ việc hưởng phước tuổi già, bõ công bao năm không tái giá ở vậy nuôi con. Vốn là tiểu thư quen cưng chiều nên cô chẳng chịu được cảnh làm dâu cả ngày đi làm vất vả chiều về còn lo nội trợ, ngày nghỉ ngập đầu dọn dẹp nhà cửa. Cưới được mấy tháng, cô viện cớ vợ chồng làm xa nhà đi lại bất tiện, xin ra sống riêng. Sau đó bầu bí, bận con nhỏ mệt mỏi, cô chỉ thực hiện bổn phận làm dâu bằng những cú điện thoại hỏi thăm qua quýt.

Một ngày, mẹ chồng bảo với vợ chồng cô muốn tìm bạn sống cùng cho vui cảnh già. Chồng cô nghe vậy phản đối:

"Mẹ còn trẻ nữa đâu mà tái giá, tuổi này mẹ sống an nhàn với con cháu là được rồi". Nhưng bà giữ nguyên ý định và đi làm dâu ở tuổi lên bà. Về sống với nhau, bà bảo ông dọn về sống chung với bố chồng già thay vì sống riêng ở một căn hộ khác. Chồng cô một lần nữa phản đối kịch liệt vì sợ mẹ mình khổ. Bà bảo đó là bổn phận làm dâu nên phải về dù trước đó ông đã thuê giúp việc cho các cụ.

Có lần hai vợ chồng cố ý đến thăm để xem cuộc sống của bà ở đó ra sao. Vừa đến nhà, chồng cô chạnh lòng khi chứng kiến cảnh mẹ mình sớm hôm phục vụ một cụ ông bị tai biến nằm một chỗ, một cụ bà nghễnh ngãng ngày mấy lần đòi ăn cơm. Hôm đó, cô vào bếp cùng mẹ chồng làm cơm. Mâm cơm dọn ra toàn lỉnh kỉnh nhiều món.

{keywords}

Ảnh minh họa.

"Các con thông cảm, hai cụ ăn uống hơi khó một chút nên mẹ phải chế biến nhiều thực đơn trong một bữa ăn". Ăn xong, ông vào làm vệ sinh cho cụ ông, còn bà tắm rửa cho cụ bà. Công việc vừa vãn, tiếng chuông điện thoại kêu, bà nghe máy xong nói vọng ra với ông: "Cái Minh bảo tối nay vợ chồng bận đi tiếp khách nhờ ông bà đón cháu và cho ăn uống luôn. Khuya chúng nó về đón con". Cô ái ngại hỏi: "Các anh chị bên này vẫn thường nhờ vả bố mẹ vậy sao?". "Ban đầu chúng nó thuê người. Từ ngày mẹ về, thấy tội mấy đứa nhỏ nên bảo để ông bà giúp...".

Chiều, ông đi đón cháu, bà lại lúi húi vào bếp. Được một lúc thì ông về, con bé tầm 6 tuổi ào tới ôm lấy cổ bà, hôn chùn chụt. Ông bước vào: "Thằng út muốn mua xe máy. Anh cả cho một ít rồi còn thiếu một ít nữa, tính vay bố mẹ".

"Mai tôi đi rút sổ tiết kiệm, mình cho nó chứ vay cái gì"- bà nói lại. Ngồi bên ngoài nghe lỏm câu chuyện của ông bà, chồng cô nóng mặt: "Thế này thì mẹ khác gì osin vừa hầu hạ cả nhà ông ấy lại còn mất tiền cho họ nữa". Ăn xong, chồng cô kéo mẹ ra ngoài: "Con cứ nghĩ mẹ lấy chồng thì sẽ hạnh phúc và sung sướng hơn chứ thế này thì khổ quá". "Mẹ tự nguyện làm dâu nên gánh vác việc nhà chồng là đương nhiên. Sao con lại tính chuyện sướng khổ ra đây... Đừng lo cho mẹ...".

Sau hôm đó, thỉnh thoảng vợ chồng cô lại viện cớ này nọ để đón bà về nhà chơi một vài hôm. Mục đích là để bà thoát khỏi đống công việc nhà chồng nhưng sang hôm trước thì hôm sau bà lại tất tả đòi về vì "bên nhà vắng mẹ là lộn xộn hết cả lên. Đấy, hết ông ấy rồi mấy đứa con, đứa cháu cứ gọi nóng cả máy điện thoại". Thấy con trai cằn nhằn, bà nhẹ nhàng: "Mẹ vất vả một chút nhưng đổi lại con cháu nhà ông ấy có tình với mẹ lắm". Rồi bà khoe: "Cái áo này là vợ chồng thằng cả mua cho mẹ, cái quần là vải thằng út mua về. Cái vòng tay cẩm thạch là của gia bảo mẹ chồng tặng lại cho, còn cái khăn choàng này là của con gái ông tặng nhân dịp sinh nhật mẹ đấy". Cô thoáng chút hổ thẹn. Bao năm về làm dâu bà, cô chưa từng tặng quà cho bà, chỉ một vài lần biếu một ít tiền để bà "ăn quà".

Lần nào trước khi về bà cũng phân trần với cô: "Cùng cảnh đi làm dâu, con thông cảm cho mẹ nhé! Bao giờ việc nhà chồng rảnh rỗi một chút, mẹ ở chơi với các con lâu hơn".

Đã mấy năm trôi qua, mẹ chồng cô bước vào tuổi xế chiều nhưng vẫn tất bật với bổn phận làm dâu của mình. Và cô cũng đã thay đổi rất nhiều, từ chỗ sợ làm dâu trở thành một cô dâu đảm từ lúc nào. Mỗi lần nghe ai đó khen ngợi, cô lại bảo: "Cháu học cách làm dâu từ mẹ chồng cháu đấy ạ!".

(Theo PNTĐ)