Ghen ghét, đố kỵ, tìm cách bôi nhọ người cũ sau ly hôn là vấn đề thường gặp trong xã hội hiện nay. Vì đâu người trong cuộc lại cạn tình cạn nghĩa với nhau? Hậu quả của những hành vi thiếu văn hóa đó, ai sẽ là người gánh chịu?
Quậy tới bến
Dù đã tái hôn hơn 5 năm và có hai mặt con với người chồng sau nhưng chị Nguyễn Quỳnh Chi (Q.10, TP.HCM) vẫn bị chồng cũ theo quấy rối. Chị ấm ức: “Giá như tôi gây ra lỗi lầm khiến cuộc hôn nhân tan vỡ, anh ấy oán ghét tôi cũng không tức. Đằng này anh ta ngoại tình trắng trợn, nhục nhã, xấu hổ nên tôi mới ly hôn”.
Chị Quỳnh Chi kể, anh và chị lấy nhau khi cả hai đã bước qua tuổi ba mươi. Khi đó, chị đã có một ít tài sản còn anh thì tay trắng. Nhờ chút vốn liếng của chị, hai vợ chồng thành lập công ty rồi nhanh chóng ăn nên làm ra. Chẳng mấy chốc hai vợ chồng đã có nhà cao cửa rộng, hai đứa con lần lượt ra đời. Cuộc sống đang no ấm thì chị phát hiện anh có nhân tình. Chị chưa kịp phản ứng, cô nhân tình đã quậy ngược lại chị. Ấm ức vì bị chồng “hạ nhục” khi đường đường là giám đốc một công ty tầm cỡ mà thua một "con bé" tiếp viên, chị kiên quyết ly hôn, mặc cho anh van xin, thề thốt. Vì không muốn ảnh hưởng đến công việc làm ăn nên việc ly hôn của vợ chồng chị được cả hai giữ kín. Ngay cả ba mẹ chị đang sống ở Mỹ cũng không hay biết.
Sau ly hôn, hai con ở với mẹ, anh không cấp dưỡng đồng xu nào nhưng thường xuyên lui tới thăm con, thực chất là theo dõi cuộc sống của chị. Lần nào chạm mặt, anh cũng kiếm chuyện gây gổ, nói xấu chị với con. Những lần đầu, chị nhẹ nhàng yêu cầu anh giữ mồm giữ miệng vì giữa hai người không còn sự ràng buộc nào, nhưng về sau anh ngày càng ngang ngược, uất ức, chị cũng lớn tiếng lại.
Khi biết tin chị sắp lấy chồng, anh lên facebook chửi mắng chị thậm tệ. May mắn cho chị là người chồng sau hiểu chuyện và thông cảm. Thấy vợ chồng chị khắng khít, đầm ấm, anh càng quậy phá, làm xáo trộn cuộc sống của chị. Mới đây anh lập giả facebook của chị và người chồng mới, kết bạn với bạn bè của chị và chồng chị. Sau đó anh vào facebook giả ấy đăng những dòng status than vãn, nói xấu chồng và ngược lại, như thể vợ chồng chị đang mâu thuẫn với nhau. Suốt cả tuần bạn bè chị xôn xao, bình luận loạn xạ mà chị chẳng hay biết. Đến khi một người bạn gọi điện an ủi, chia sẻ, chị mới tá hỏa.
Cấm cửa thăm con
Gọi điện đến trung tâm tư vấn, anh Trần Anh Tài (Q.2, TP.HCM) than thở, giờ anh muốn gặp con còn khó hơn lên... mặt trăng vì chị luôn tìm cách chia cắt anh và thằng nhỏ. Anh nhớ con, gọi điện, nhắn tin chị không bắt máy, anh đường đột đến thăm, chị viện lẽ con đi học thêm, dù anh biết chắc thằng bé đang ở trong nhà.
Anh than thở: “Trước khi ly hôn, tôi và cô ấy thỏa thuận với nhau sẽ không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của con. Một tháng, hai lần đưa con đi chơi. Một năm cả hai sẽ dành vài ba ngày cùng nhau đưa con đi du lịch. Cô ấy ưng thuận nên tôi không tranh chấp quyền nuôi con để thằng bé ở với mẹ theo nguyện vọng của cô ấy, vậy mà cô ấy lại trở mặt”.
Một mặt chị không cho anh gặp con, mặt khác chị đi bêu riếu với mọi người là anh bỏ bê, không ngó ngàng tới con. Chuyện càng tệ hơn kể từ khi anh có người yêu. Chị mỉa mai, bóng gió bạn gái anh với mọi người. Chị còn nhắn tin xúc phạm bạn gái của anh. Với bạn bè cũ, chị thường xuyên kể xấu về anh, ngay cả chuyện giường chiếu chị cũng bịa này nọ làm anh muối mặt với mọi người.
Ngẫm nghĩ cũng nghĩa vợ chồng, anh không muốn đem ra pháp luật làm lớn chuyện nhưng chị ngày càng cản trở, thách thức anh. Đến nay hơn một năm rồi anh không gặp được con, muốn mua cho con đôi giày, cái áo cũng không biết kích cỡ sao cho vừa vặn.
Đặt nghĩa chung trên tình riêng
Theo TS Võ Văn Nam, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục, trường đại học Sư phạm TP.HCM, sở dĩ sau ly hôn chồng/vợ thường coi nhau như “kẻ thù” vì đó là hai cực đối lập của tình cảm con người “yêu nhau lắm cắn nhau đau”. Trước đó họ yêu nhau tha thiết bao nhiêu thì sau ly hôn họ thù ghét nhau bấy nhiêu. Vì khi đó là sự vỡ mộng, sụp đổ thần tượng dẫn đến bực tức và trút cả trách nhiệm vào nhau. Nếu như trước đây họ chỉ nhìn thấy mặt tốt của nhau, sẵn sàng bảo vệ nhau bằng mọi cách, thì giờ đây họ chỉ chăm chăm nhìn vào mặt xấu của đối phương và sẵn sàng hạ bệ nhau bằng mọi giá. Họ cương quyết không cho người kia gặp mặt con. Họ sẵn sàng xúc phạm nhau một cách không thương tiếc, thậm chí còn ngấm ngầm phá hoại uy tín và công việc của nhau.
Hậu quả của những hành vi “trả thù” nhau như trên thường mang đến những hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến đời sống và tâm tính của con cái. Có thể nói, nạn nhân đáng thương nhất của những hành vi ứng xử thiếu văn hóa sau ly hôn chính là con cái.
Chị Quỳnh Chi kể, từ khi hiểu chuyện, hai con của chị luôn né tránh gặp mặt cha và xa lánh với bên nội. Cháu còn tâm sự với mẹ “cảm thấy xấu hổ với cha dượng và hai em về cha ruột của mình”.
Vì thương con, anh Tài cố nín nhịn vợ để làm tròn trách nhiệm. Thái độ nhẫn nhịn, chịu đựng của anh cuối cùng cũng giải được “hàm oan” trong mắt bạn bè, người thân. Mọi người quay sang ái ngại, cười chê chị. Nhưng tiếc thay, với con trai thì anh vẫn không có cơ hội gần gũi, cha con ngày càng xa cách.
Theo TS Võ Văn Nam, để tránh “hận người hại mình”, trước hết người trong cuộc phải hết sức bình tĩnh để kịp thời kiềm chế cảm xúc, đừng để tình cảm mù quáng xô đẩy, mà phải dùng lý trí và ý chí để điều khiển hành vi một cách có ý thức. Dù cạn tình nhưng vẫn còn nghĩa và cái nghĩa ấy cao đẹp hơn cái tình. Hãy đặt nghĩa chung trên tình riêng!
Người trong cuộc nên nhớ rằng, dù không giữ được mái ấm hôn nhân thì cũng cần giữ lại danh dự và uy tín cho mình, cho người mà mình đã từng yêu thương và nhất là cho con cái; tránh cho các con theo vết xe đổ của cha mẹ. Cần vận dụng văn hóa ứng xử sau ly hôn vì mình có thể còn đi bước nữa và cần giữ lại hình ảnh đẹp trong mắt nhau vì con cái, để các con có niềm tin và chỗ dựa tinh thần. Đó mới thật sự là gia sản quý báu.
(Theo PNO)