Nếu không muốn con mình thấp bé hơn các bạn cùng trang lứa, các bậc phụ huynh hãy tránh 4 sai lầm ít ai ngờ dưới đây.
1. Không chú ý giai đoạn trong bụng mẹ
Theo bác sĩ Lê Quang Hào, Viện Dinh dưỡng quốc gia, có 3 giai đoạn quan trọng để phát triển chiều cao của trẻ. Giai đoạn trong bụng mẹ là quan trọng nhất.
Trong 9 tháng mang thai, người mẹ cần tăng khoảng 10-12 kg để bé sơ sinh đạt được chiều cao 50 cm và cân nặng khoảng 3 kg lúc chào đời. Nếu trẻ sơ sinh cao 49 cm (thiếu 1 cm) khi trưởng thành có thể thấp đi 3-5 cm chiều cao. Còn khi đứa bé được chăm sóc tốt về dinh dưỡng, sức khỏe, khi sinh ra không bị bệnh tật, hoặc sinh non, chiều cao của bé sẽ đạt chuẩn.
Hai giai đoạn còn lại tác động tới chiều cao của con người là 5 năm đầu đời (đặc biệt là 2 năm đầu) và giai đoạn tiền dậy thì (trước khi các cháu có biểu hiện sinh lý). Đặc biệt, bác sĩ Hào cho hay, nếu trong 2 năm đầu đời, không phát hiện và khắc phục vấn đề chiều cao, trẻ lớn lên sẽ bị “hao hụt” 5-15 cm.
2. Không cho trẻ tắm nắng
Theo bác sĩ Hào, vitamin D giúp phát triển chiều cao một cách tốt nhất. Đặc biệt, vitamin D không có trong thức ăn mà chỉ được tổng hợp dưới da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Do đó, việc tắm nắng hàng ngày rất cần thiết để giúp trẻ cao lớn. Tuy nhiên, nhiều mẹ lại bỏ qua điều này vì sợ con say nắng, ốm.
Bác sĩ Hào cho biết, thời gian tắm nắng tùy theo màu da, khí hậu và từng vị trí. Riêng Việt Nam, thời gian tắm nắng tốt nhất vào 9h sáng. Theo đó, chỉ cần từ 7-15 phút có thể đủ vitamin D cho một tuần lễ. Tuy nhiên, vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm, nhiệt độ cao, cha mẹ có thể điều chỉnh thời gian tắm nắng cho bé sớm hơn.
Đặc biệt vitamin D không thể hấp thu qua quần áo hoặc cửa kính nên muốn đủ lượng vitamin này, phải có sự tiếp xúc trực tiếp giữa da với ánh nắng mặt trời.
Riêng vào mùa đông, việc tắm nắng không dễ dàng, vì vậy, bác sĩ Hào cho biết có thể khắc phục bằng việc uống bổ sung vitamin D.
3. Sai lầm trong chế độ dinh dưỡng
Theo chuyên gia này, nhiều người thường nghĩ rằng chiều cao phụ thuộc phần lớn vào yếu tố di truyền. Tuy nhiên trong thực tế và một số công trình nghiên cứu đã cho thấy chiều cao chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, trong đó mạnh nhất là dinh dưỡng, chiếm từ 30-40%. Trẻ em dưới 5 tuổi chiều cao được quyết định bởi dinh dưỡng là chủ yếu.
Theo đó, các em cần được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng theo 4 nhóm chất (bột đường, chất đạm, chất béo và vitamin khoáng chất), và các vi khoáng rất quan trọng, bao gồm vitamin D (quan trọng nhất), C, A, B, E, K. Ngoài ra, các vi khoáng tạo ra xương như canxi, phốt pho, kẽm cũng là yếu tố cần thiết để tăng trưởng chiều cao cho trẻ.
Thực tế, nhiều cha mẹ hiện nay chỉ chú trọng việc bổ sung các chất đạm và béo, bỏ qua các yếu tố vi lượng dẫn đến tình trạng con béo phì, thừa cân song chiều cao không phát triển.
4. Không cho trẻ vận động
Bác sĩ Hào cho biết đây là thói quen xấu của nhiều trẻ em thời đại công nghệ. Khi không được vận động thường xuyên, thể lực của trẻ trở nên yếu ớt dẫn tới biếng ăn, kém ngủ, tăng cân chậm, các tế bào xương không phát triển khiến tình trạng thấp còi diễn ra nghiêm trọng hơn. Một số bộ môn thể thao rất tốt cho việc phát triển chiều cao của trẻ như bơi lội, đu xà...
Theo Zing