- Để kiếm sống, nhiều trẻ em đồng tính phải đi hát đám ma, đồng ý làm những trò ma quái nhất, quái dị nhất: “Nếu muốn nhiều tiền thì tụi em phải sexy, phải cởi đồ, múa lửa…".
Xử phạt đám cưới đồng tính: Biểu hiện của sự kỳ thị
Đám cưới đồng tính bị phạt, đôi uyên ương bỏ trốn
Bài trừ kết hôn đồng tính là ngược đạo lý?
Chấp nhận sống bên lề để được là chính mình
Để được là chính mình, sống đúng với bản dạng giới tính của mình, không ít trẻ em LGBT bỏ nhà đi bụi, lang thang lòng đường, hè phố. Không người thân thích, bị kỳ thị, đánh đập, bị lợi dụng, bị người dân và chính quyền quay lưng… Thậm chí, có em sau khi chuyển đổi giới tính, còn đồng ý làm bất cứ nghề gì để kiếm sống, kể cả bán dâm.
Nhiều người đồng tính chấp nhận những nghề 'không giống ai' để kiếm sống. Ảnh: Internet |
“Vì bộ dạng “khác người” của em mà em luôn phải chịu những ánh nhìn kỳ thị của mọi người. Tụi em chỉ muốn có một công ăn việc làm đàng hoàng, nhưng không thể. Em đi xin việc, dù chỉ là xin ở quán cơm vỉa hè nhưng họ đã nói thẳng vào mặt em: Ở đây không mướn pê đê, pê đê vô đây chỉ ăn trộm ăn cắp chứ gì? Em có thể thay đổi bộ dạng của mình để cho giống người bình thường, để được người ta mướn, nhưng em không làm… Bởi nếu bây giờ em cắt tóc ngắn thì em còn hổ thẹn bản thân em hơn. Em thà mất việc làm chứ hơn là mất bản thân, được là chính mình là quan trọng nhất.
Để có tiền, một số em đành kiếm sống bằng những nghề như đi hát đám ma, đồng ý làm những trò ma quái nhất, quái dị nhất: “Nếu muốn nhiều tiền thì tụi em phải sexy, phải cởi đồ, múa lửa… Có nhiều chỗ là chủ yêu cầu, cũng có chỗ mình muốn có thêm nhiều tiền thì tự đề xuất ra” – một thành viên cay đắng kể lại.
Nhưng dù đã chọn lựa đến “bước đường cùng” ấy, các em vẫn sống trong sợ hãi khi: “Em nghe nói tháng 6 tới Việt Nam sẽ cấm người pede đi hát đám ma, vậy là cắt nguồn sống của tụi em rồi…”.
Đã đến lúc cần sự đối thoại trong xã hội
Có thể thấy, những bất bình đẳng của nhóm trẻ em đường phố LGBT phần nào phản ảnh những bất bình đẳng nghiêm trọng mà nhóm người LGBT nói chung tại Việt Nam cũng đang phải gánh chịu.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng “không ai kỳ thị các em cả, nếu các em cứ hành động như người bình thường” và “cần có những biện pháp hỗ trợ ngăn ngừa từ sớm về mặt y học”.
Một người đồng tính nam người Anh chia sẻ: “Tôi là một gay trưởng thành trong xã hội Anh. Và tôi hiểu các bạn. Khi tôi cố gắng tỏ ra bình thường, thì tôi vẫn chịu sự kỳ thị, không có gì thay đổi cả. Chỉ khi xã hội thay đổi, thì nhận thức của mọi người mới thay đổi được, thì chúng tôi mới có thể sống bình thường được”.
Một lần nữa khẳng định, y học thế giới đã loại đồng tính ra khỏi các bệnh từ năm 1990, ông Lê Quang Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội và Môi trường nhấn mạnh: “Giờ đây chúng ta không còn đặt vấn đề đồng tính là bệnh hay không bệnh nữa. Vấn đề hiện nay đặt ra là làm sao để thay đổi xã hội, để người đồng tính có thể hòa nhập tốt hơn trong xã hội”.
Về vấn đề này, bà Lê Hồng Loan – đại diện Uniceft Việt Nam nêu quan điểm: “Qua hình ảnh và bối cảnh của các trẻ em đường phố LGBT để ghi nhận đến người đồng tính, song tính và chuyển giới ở Việt Nam.
Trong xã hội Việt Nam vẫn còn sự tồn tại nhiều định kiến, kỳ thị đối với nhóm LGBT: Sự kỳ thị có từ trong gia đình, nhà trường, cho đến các dịch vụ xã hội. Hệ thống pháp luật Việt Nam cũng chưa đề cập đến sự tồn tại của nhóm người này và nhóm trẻ em này. Các chính sách, chương trình của chính phủ chưa có sự ghi nhận một cách rõ ràng về sự tồn tại của trẻ em nói chung, và với cộng đồng LGBT nói riêng để đảm bảo quyền bình đẳng cho tất cả mọi người. Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc ở Việt Nam chúng ta cần bàn lại nhu cầu của nhóm trẻ em và những người LGBT.
Đã đến lúc, cần có những đối thoại về vấn đề LGBT trong xã hội”.
Quỳnh Anh