Có một “chân lý” được đúc kết (ngầm?) từ bấy lâu nay, ấy là: cho dù phụ nữ có là ai bên ngoài xã hội, dù họ có tài ba lỗi lạc, uy quyền mạnh mẽ đến đâu, giỏi kiếm tiền thế nào thì khi về nhà (chồng), họ vẫn chỉ là một cô con dâu, không hơn không kém!
>> Mẹ chồng không nói lời có cánh
>> Mẹ chồng tuyệt đỉnh
>> Khi mẹ chồng "sành điệu"...
>> Những chuyện 'siêu tiết kiệm' của bố mẹ chồng
>> Mẹ chồng tuyệt đỉnh
>> Khi mẹ chồng "sành điệu"...
>> Những chuyện 'siêu tiết kiệm' của bố mẹ chồng
"Chân lý" ấy đưa đến kết quả “mặc định” là: để phát triển bản thân, khẳng định vị trí của mình trong cuộc sống, phụ nữ ắt hẳn gặp không ít trở ngại từ phía gia đình chồng, cụ thể là những bà mẹ chồng vẫn còn nặng tư tưởng phong kiến.
Ngày chị tôi về ra mắt mẹ chồng tương lai, mẹ chồng chị không nói thẳng mà ngụ ý rằng bà không muốn có con dâu hơn hẳn con trai mình. Ý bà là chị tôi đã có bằng thạc sĩ trong khi con trai bà chỉ mới tốt nghiệp đại học. Để rồi sau đó bà ra “tối hậu thư” là sẽ từ con nếu anh cứ khăng khăng lấy chị.
Là những trí thức trẻ tự tin với kiến thức và năng lực của mình, anh chị quyết định lấy nhau dù bà mẹ chồng từ chối tổ chức lễ cưới. Sau này, cũng nhờ một tay chị thành lập và quản lý hai công ty riêng mà các con lẫn cháu của bà đều được đưa vào giữ những chức vụ quan trọng trong hai công ty ấy, trong khi anh rể tôi chỉ đóng vai trò “trợ lý” cho vợ còn ông bà đi du lịch hết nước này đến nước khác dưới sự “tài trợ” của cô con dâu hiếu để. Bà đã thay đổi hẳn cách cư xử với chị tôi, đi đâu cũng tự hào khoe con dâu tài giỏi. Có lẽ bà chẳng còn nhớ mình đã khiến cô con dâu ấy khốn khổ, lao đao đến thế nào khi ngăn cản con trai mình lấy chị.
Ảnh minh họa. |
Chị Hà – hàng xóm của tôi lại gặp “khó” với mẹ chồng theo kiểu khác. Ngày đi sinh con ở bệnh viện về, chị tá hỏa khi thấy mẹ chồng (vừa ở quê lên để giúp chị trong thời gian ở cữ) chuẩn bị sẵn nào bếp than để chị hơ mình, nghệ tươi để chị thoa vừa… đẹp da vừa chống lạnh. Là một du học sinh từng sống khá lâu ở nước ngoài về, dĩ nhiên chị Hà không đồng ý nằm than, xức nghệ hay uống rượu nếp than theo ý mẹ chồng. Bà không vui khi cho rằng trước kia bà cũng làm vậy nên bây giờ đã ngoài 60 mà vẫn khỏe mạnh, không như chị chỉ cần trái gió trở trời là đau nhức mình mẩy dù mới 30. Tự tin với vốn kiến thức tích lũy từ trời Tây của mình cũng như viện dẫn ra lời khuyên của các bác sĩ về việc nằm than có hại cho trẻ sơ sinh, chị nhất quyết không làm theo ý mẹ chồng. Thế là bà giận dỗi bỏ về, bỏ mặc chị xoay sở với đứa con mới sinh trong lúc tìm người giúp việc, sau khi nhắn lại với con trai rằng tại chị học cao nên thích… cãi, khó bảo, cứng đầu...
Thanh, em tôi lại “trục trặc” với mẹ chồng trong việc dạy con. Do ở chung với bố mẹ chồng nên Thanh để con ở nhà trong lúc đi làm. Nhiều hôm thấy thằng bé mới vài tháng tuổi bò lăn lóc dưới sàn nhà, áo quần phong phanh, Thanh nhắc mẹ chồng giữ gìn vệ sinh cho cháu, ăn mặc kín đáo để tránh gió, tránh muỗi mòng. Chẳng những không nghe mà bà còn xách mé rằng Thanh “học cao, biết rộng” nên hay bắt bẻ này nọ chứ 7 đứa con bà ngày xưa đâu được chăm bẵm kỹ càng như vậy mà có đứa nào đau ốm gì đâu? Tháng nào con Thanh cũng bị ho, sổ mũi, viêm họng, toàn những bệnh liên quan đến việc giữ ấm hoặc vệ sinh cho bé mà bà cho rằng chả có gì nghiêm trọng, “con nít nào chả thế”… Thuê người giúp việc để trông cháu thì bà không chịu, không thể đưa con đi nhà trẻ vì thằng bé còn quá nhỏ, ra riêng cũng không được vì chồng Thanh là con một. Những mâu thuẫn như thế ngấm ngầm làm khổ Thanh, khiến cả hai người phụ nữ trong nhà cứ bằng mặt mà không bằng lòng.
Với chức vụ trưởng phòng kinh doanh, Mỹ - bạn học cũ của tôi phải thường xuyên vắng nhà cho những chuyến công tác lẫn gặp gỡ khách hàng, chưa kể những khóa huấn luyện để nâng cao nghiệp vụ. Thời buổi khó khăn, để đạt được doanh thu của công ty đặt ra chẳng dễ nên Mỹ phải nỗ lực để củng cố vị trí mà cô đã cố gắng bấy lâu mới đạt được. Thế nên kế hoạch có con của Mỹ cứ trì hoãn mãi dù Mỹ đã cưới được ba năm. Sốt ruột với cô con dâu suốt ngày quần áo đẹp, đi sớm về trễ, có hôm còn để con trai bà ăn cơm một mình rồi tự rửa chén hay ủi đồ, mẹ chồng Mỹ không ít lần bóng gió với con trai rằng bà cần cô con dâu chứ không cần một phụ nữ làm “sếp” trong nhà, rằng bà cưới dâu về là để lo cho gia đình chứ không phải để phục vụ thiên hạ rồi bắt con bà phải “hầu”.
Dù luôn ủng hộ chuyện thăng tiến cũng như nghề nghiệp của vợ và sẵn sàng chia sẻ gánh nặng việc nhà nhưng đôi lúc chồng Mỹ cũng bị ngả nghiêng bởi những câu nói của mẹ. Anh càng khó xử khi hiểu rằng nếu bắt vợ có con lúc này đồng nghĩa với công việc của Mỹ sẽ gặp khó khăn, yêu cầu vợ đổi việc hay nghỉ ở nhà sinh con càng là điều không thể vì Mỹ vốn năng động, cầu tiến và rất độc lập. Mỹ cứ biện hộ rằng con cái muốn có lúc nào chẳng được, còn công việc thì đâu dễ dàng gì, thôi thì cứ cố gắng tích lũy cho ổn định một thời gian rồi có con cũng chưa muộn, nhưng sự thôi thúc của mẹ chồng nhiều lúc khiến Mỹ thấy gò bó, bực bội và cuộc sống riêng tư bị can thiệp quá nhiều. Vợ chồng nhiều phen lục đục chỉ vì bà mẹ chồng cứ càm ràm khi lỡ có cô con dâu là sếp!
Thực ra, những bà mẹ chồng trí thức, có lối sống thoáng, tư tưởng hiện đại vẫn tồn tại đây đó trong xã hội nhưng số này không nhiều bởi dù họ có tiến bộ đến đâu thì tâm lý của phần đông các bà mẹ chồng đều không muốn con dâu mình là người “thống trị” trong gia đình bởi điều ấy đồng nghĩa với việc con trai họ dễ bị vợ… xỏ mũi hay phải “hầu” vợ. Nên ngay từ khâu “tuyển… dâu”, các bà mẹ chồng tuy không nói ra (để khỏi mang tiếng khó khăn, lạc hậu) nhưng họ vẫn thích những cô con dâu giản dị, bình dân hơn để họ dễ bề bảo ban, dạy dỗ từ thuở các cô “bơ vơ mới về”.
Thiết nghĩ những nữ trí thức càng nhún nhường, khiêm tốn và khép mình bao nhiêu thì càng dễ sống (trong nhà chồng) bấy nhiêu. Xã hội đã hiện đại, tiến bộ hơn rất nhiều nhưng bài học ấy ắt hẳn chẳng bao giờ xưa cũ! Vả lại, một phụ nữ trí thức, thông minh hẳn sẽ có và biết cách để hoá giải những trở ngại trong cuộc sống gia đình nói chung, với nhà chồng nói riêng một cách khéo léo, thông minh.
(Theo PNO)