“Với lực học của em thì CĐ còn khó đỗ huống chi ĐH. Nhưng ông bà già cứ bắt đi thi thì em phải đi thôi. Coi như tranh thủ đi chơi cũng được”, Hoàng nói không dè dặt.

Muốn con đi thi phải thuê khách sạn “xịn”

Đó là điều kiện của D. Hoàng (quê Hưng Yên, thí sinh dự thi ĐH Lao động Xã hội) đưa ra cho bố mẹ khi bắt đầu kỳ thi ĐH. Hoàng bảo em học trường bổ túc, đỗ tốt nghiệp “hạng vớt” nên chả thiết tha gì với thi ĐH vì chắc rằng có đi thi cũng không đỗ. Bố mẹ thúc ép quá nên em mới “phải” đi thi.

Hoàng nói không dè dặt: “Nói thật, với lực học của em thì CĐ còn khó đỗ huống chi ĐH. Nhưng ông bà già cứ bắt đi thi thì em phải đi thôi. Cũng chỉ tại xung quanh nhà em đứa nào cũng đỗ ĐH nên ông bà già cứ mơ tưởng”.

  Phụ huynh đội mưa ngóng con trước cổng trường thi sáng 4/7. (Ảnh La Hoàn)

Vì muốn được tự do nên khi mẹ có ý muốn đưa Hoàng lên Hà Nội dự thi thì Hoàng không đồng ý. Lấy lý do “con đã lớn, không muốn mẹ suốt ngày kè kè ở bên”, Hoàng đòi bố mẹ đưa tiền và một mình bắt xe từ Hưng Yên lên Hà Nội.

“Em lên Hà Nội chơi mấy lần rồi nên đường xá không thành vấn đề. Đi một mình cho thoải mái chứ có bà già kè kè thì chán lắm. Nhưng ông bà già cũng chỉ đưa có 7 “củ” (7 triệu – PV) thôi. Tiền thuê khách sạn hết hơn 2 “củ” rồi. Ăn uống ở đây cũng đắt đỏ nên chả biết còn đủ đến hôm về không nữa”, Hoàng nói.

Khi được hỏi môn thi đầu tiên làm thế nào, Hoàng đáp gọn lỏn: “Làm được hết nhưng mà khoanh bừa!”.

Với tâm lý “tạo điều kiện tốt nhất để con thi cử” nhiều bậc phụ huynh phải bấm bụng chiều theo “yêu sách” của các con. Đã trăm mối lo trước mỗi kỳ thi, nhiều bậc phụ huynh còn đắng lòng trước sự dửng dưng của con.

Có không ít cậu ấm cô chiêu nhà nghèo nhưng “tính nhà quan” nên ra sức đòi hỏi cha mẹ. Chị Lê Thị Nhã (quê Thái Bình, đưa con đi thi ở ĐH Nông nghiệp I Hà Nội) tâm sự chị đưa con gái đi thi 2 khối của 2 trường là ĐH Mỏ địa chất và ĐH Nông nghiệp I Hà Nội. Vì đợt thi khối A con gái bảo “tại không được nghỉ ngơi thoải mái nên mới không làm được bài” nên lần này chị phải bấm bụng thuê nhà nghỉ cho con nghỉ ngơi.

“Lần trước thi ở cái trường gần Hồ Tây, nhà trọ ở xa, sợ tắc đường nên hai mẹ con phải nghỉ ngay tại trường. Trưa tôi phải đi bộ hơn 3 cây số ra tận chợ Bưởi mua cơm về mà nó chê không ăn. Thi xong hỏi có làm được bài không thì nó bảo “ăn ngủ thế này sức đâu mà làm tốt được”. Trường trước đã không có hi vọng mấy thì phải đầu tư nốt trường này thôi”, chị Nhã rầu rầu kể.

Chị Nhã bảo, nhà chị cũng không khá giả gì, để có tiền đưa con đi thi chị phải bán non cả đàn lợn thịt. Ấy thế nhưng con gái chị không hiểu, cứ đòi ở nhà nghỉ có điều hòa, ăn cơm hàng sang. Mẹ ra lời khuyên thì con gái xị mặt. Sợ con tinh thần không thoải mái, ảnh hưởng đến kỳ thi, chị đành chiều con.

“Thôi thì đã nuôi nó ăn học được 12 năm, còn xá gì một kỳ thi này nữa. Mình làm lụng vất vả cũng chỉ mong con nó đỗ đạt”, chị Nhã rầu rầu.

Đi thi cho biết đất Hà Thành

Trong khi cha mẹ tạo mọi điều kiện để con thi cử đỗ đạt, thì nhiều sĩ tử lại dửng dưng, coi chuyện đi thi để được đi đây đi đó.

H. Quỳnh (quê Lào Cai, dự thi ĐH Văn hóa Hà Nội) cho biết, em chỉ thi khối C nhưng đã xuống Hà Nội từ trước hôm thi khối A. Quỳnh đã tranh thủ thời gian chờ thi để thăm thú Hà Nội.

Cha mẹ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cũng chỉ mong con đỗ đạt, thoát khỏi cuộc sống bần hàn.

Quỳnh kể: “Em có bạn học ở Hà Nội nên xuống sớm một tí còn tranh thủ đi chơi. Mấy khi được đi du lịch được bố mẹ chu cấp tử tế thế này đâu. Em mới đi được Lăng Bác, vườn thú, công viên nước với cả Vincom thôi. Thi xong em định đi Hạ Long một chuyến rồi mới về nhà cơ”.

Khi được hỏi kiến thức chắc hết rồi hay sao mà em không dành thời gian ôn luyện trước kỳ thi thay vì đi chơi, Quỳnh đáp: “Ôi dồi, cái đầu mình đã thế rồi thì có ôn thêm 1, 2 ngày nữa cũng có ăn thua gì. Em cũng chả hi vọng nhiều, không được thì em xin vào trường trung cấp nào đó học, rồi liên thông lên là xong”.

Ông Đỗ Văn Quang (quê Tuyên Quang, đưa con đi thi ĐH Nội vụ) kể, mới xuống Hà Nội là con trai bác đã đòi đi Lăng Bác, đi Văn Miếu chơi. Vì muốn con tâm lý thoải mái trước khi thi nên bác đành cũng đành chiều con.

“Sáng nay thi rồi mà tối qua nó đi chơi đến tận 12 giờ đêm mới về, hỏi nó đi đâu thì nó bảo ngồi quán điện tử. Bực lắm cũng phải cắn răng chịu chứ chửi nó lại sợ nó tâm lý rồi không làm được bài”, bác Quang nói.

Ở điểm thi Học viện Ngoại giao còn có câu chuyện cười ra nước mắt. Chả là có một nữ sinh thuộc hạng "hotgirl" của tỉnh Lạng Sơn, suốt 3 tiếng đồng hồ thi chỉ ngồi lấy  son phấn ra tô vẽ cho hết giờ thi. Giám thị hỏi thì cô này ráo hoảnh :" Em ngồi cho hết giờ để mẹ em đỡ lo chứ em có biết chữ nào đâu mà làm bài". 

Đâu đó ở các cổng trường thi vẫn có những câu chuyện đắng lòng như thế!

La Hoàn