Vì mê phim Hàn Quốc, hay hận người chồng bội bạc nhiều bậc phụ huynh đã đặt cho con mình những cái tên cực kì đặc biệt, "có một không hai". Tuy nhiên, nhiều em trong số đó đã nảy sinh tâm lý tự ti, chán nản, ngại giao tiếp vì cái tên "quá độc" của mình.

TIN BÀI KHÁC

Đặt tên con là... Nokia, Samsung, Motorola

Tại huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi), hầu hết phụ huynh người Ca Dong ở các bản làng vùng cao đặt tên con theo tên các diễn viên do mê phim Hàn Quốc. Đó là những cái tên như: Đinh Ka Ki Wel, Đinh Un Giun Zờ.... Thậm chí còn chọn tên theo các hãng điện thoại như Đinh Nokia, Đinh Motorola, Đinh Sam Sung…

Tên gọi rất quan trọng khi đứa trẻ đến trường, kết bạn (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, đồng bào Cơtu ở xã A Tiêng, huyện Tây Giang, Quảng Nam cũng đua nhau đăng ký đặt trên con theo kiểu họ Cơtu, tên Hàn Quốc. Cụ thể, do yêu thích diễn viên các phim Hàn Quốc trên truyền hình (như phim “Mối tình đầu”) nên con em đồng bào có những cái tên như Phơloong San Diu, Riah Thị Su U, Briu Thị Hy Su, Pơloong San Ốc, Pơloong Hiên U...

Thậm chí tại làng văn hóa Zơ-rượt (xã A Tiêng), thôn Apat (xã A Vương), nhiều người dân còn chọn tên con theo các hãng xe như Bhơnước Yamaha...

Con “khóc ròng” vì tên cha mẹ đặt

Mai Phạt Sáu Nghìn Rưởi là họ tên đầy đủ của một chàng trai sinh năm 1987, trú tại xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Nguyên nhân xuất hiện cái tên “có một không hai” này là vào năm 1987, ông Mai Xuân Cán - một cán bộ của UBND xã Đại Cường - sinh đứa con thứ năm và bị UBND xã này buộc phải nộp phạt sáu nghìn rưởi mới cho đăng ký khai sinh vì sinh nhiều con.

Ức chế vì bị phạt nên khi làm giấy khai sinh cho con, ông Cán lấy luôn mức tiền phạt đó để đặt tên cho con trai mình. Bởi vậy, con ông Cán đã lớn lên với cái tên Mai Phạt Sáu Nghìn Rưởi. (Mai Phạt 6500)

Tuy nhiên, cái tên này đã làm khó cậu con trai của ông Cán. Cậu bé này khi vào học cấp II, vì bị bạn bè trêu chọc với cái tên này nên không chịu nổi phải bỏ học mất hai năm. Sau đó, được sự động viên nhiệt tình của người thân và bạn bè nên cậu đã vượt qua mặc cảm để tiếp tục đến trường. Vừa qua, nhờ người chị ruột, Mai Phạt 6500 đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho đổi tên lại là Mai Hoàng Long.

Trường hợp ông Võ Mười Sáu, trú tại xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam, lại đặt tên cho đứa con gái "vượt kế hoạch" 1 cái tên rất lạ là: Võ Thị Xin Thôi (SN 1989). Ông kể lại, khi đứa bé ra đời, gia đình ông bị chính quyền địa phương mời lên xử phạt. Nhà nghèo, ông phải nhịn ăn bán lúa để nộp phạt. Nên ông đặt luôn tên con: Xin Thôi, như dặn lòng: Thôi đừng đẻ nữa!. Tuy nhiên, mỗi khi đến trường bị bạn bè châm chọc, bé Xin Thôi đã phải bỏ học.

Ngoài ra, có trường hợp vì người chồng bội bạc mà chị Huỳnh Thị L. (Quảng Nam) đã đặt cho con mình cái tên là Lê Thị Ly Tan. Haycô bé có cái tên Lê Thị Vô Lý (SN 1993) do người mẹ Trần Thị Đ. (trú tại xã Tam Xuân II, huyện Núi Thành, Quảng Nam) đặt. Chị Đ. kể, do giận người chồng bội bạc đã bỏ đi khi chị đang mang thai nên khi sinh con, chị đặt tên như thế cho... bõ ghét.

Méo miệng vì đặt tên con “sính ngoại”

Trên 1 diễn đàn dành cho phụ huynh, nickname Lalan chia sẻ: “Theo mình thì đặt tên con nên kết hợp tên nước ngoài và tên Việt Nam cho bé. Như vậy vừa thuận tiện vừa giữ được dấu ấn gốc gác (tên Việt) vừa sau này nếu con có đi du học, ra nước ngoài làm việc cũng dễ hòa nhập, thuận lợi hơn”.

Từ cách suy nghĩ trên, hiện nay nhiều bậc cha mẹ trẻ đã không ngần ngại tìm cho con những cái tên “nửa ta nửa tây như: Lina Binh, David Nguyễn, Jayden An Khang, Kathy Minh…

Tuy nhiên, việc đặt tên nước ngoài này rất khó khi các ông, bà của cháu hay bạn bè khi gọi tên. Bà Phạm Ngân (Lò Đúc, Hà Nội) chia sẻ: “Hai đứa cháu sinh đôi của nhà tôi được bố mẹ nó đặt cho tên là Scarllee và Jordan. Để gọi được tên của cháu chúng tôi phải luyện tập từ trước, thậm chí nhiều khi con dâu còn khó chịu vì ông, bà phát âm sai tên cháu.”

Bà Ngân chia sẻ thêm: "Đấy là ở thành phố chúng tôi còn cố gắng để phát âm chuẩn tên cháu nhưng khi các cháu về quê thì chẳng kết bạn được với ai vì bạn bè cháu tôi đều than vãn: "không gọi được tên bạn ấy"".

L. Tâm (Tổng hợp)