Chả hiểu sao tôi rất nhạy cảm với những vụ đánh, chửi nhau.
Sống ở Hà Nội, và đi trên phố Hà Nội, thấy bất luận những dấu hiệu nào (dù là
nhỏ nhất) của một vụ đánh, chửi thì tôi cũng phải ngoái đầu lại, hoặc ít nhất
cũng phải thực hiện một cái liếc mắt. Anh bạn người Nam ra Bắc mỗi lần đi chơi
với tôi và nhìn thấy cái liếc mắt tò mò của tôi lại nói nửa đùa nửa thật: “Mày
chẳng Hà Nội tí nào”. Xin lỗi nhé, cho tôi hỏi ngược lại, vậy thế nào mới là
người Hà Nội?
Vì sao Hà Nội lại trở nên xấu xí như vậy?
"Văn hóa xuống cấp, Hà Nội chả khác một cái chợ"
Lê Hoàng: Dân Hà Nội khinh tiền và người có tiền thế nào?
1/Dễ ợt. Dễ như chưa từng dễ. Dễ tới mức một đứa trẻ cũng trả lời được, bởi ở đây, trên mảnh đất này, từ già, trẻ, lớn, bé, trai, gái, Gay, Les…., tất tần tật đều thuộc câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Và như thế, suốt bao năm nay, trải qua mọi bể dâu cuộc đời người ta cứ mặc định mà thực chất là tự lừa dối mình rằng: Tính cách của người Hà Nội là sự thanh lịch.
Đọc tới chỗ này, những người yêu Hà Nội một cách bảo thủ, cực đoan có lẽ sẽ điên tôi lắm. Và nếu có một điều ước, chắc mấy vị sẽ ước được đứng trước mặt tôi để tát cho cái thằng tôi hỗn láo này một cái nảy đom đóm mắt. Nếu các vị tát, tôi xin chân thành…ăn tát, vì điều tôi nói ra có thể đụng chạm tới lòng tự hào tự tôn bấy lâu của các vị. Mà ở đời, bất kể kẻ ngu dốt nào dám đụng chạm tới những giá trị thuộc về sự tự hào, tự tôn của người khác đều xứng đáng…ăn tát cả.
ảnh minh họa (nguồn VB) |
Nhưng trước hoặc sau khi tát xin các vị hãy bình tĩnh nghe tôi giải thích. (Nói thế chứ tôi tin, với “tính cách Hà Nội” bây giờ, nhiều người chẳng thèm nghe đâu. Cứ hễ thấy ai trái ý mình một tí là những người ta lại mặt đỏ tía tai, chửi được thì chửi, tát được thì tát, và chửi rồi, tát rồi thì sẽ tuyệt giao cho tới lúc về bên kia thế giới).
2/Rất nhiều lần tôi tự hỏi mình: Nếu bảo tính cách người Hà Nội là sự thanh lịch thì cái sự thanh lịch ấy bắt nguồn từ khi nào thế? Khi Hà Nội còn là kinh đô của những triều đình phong kiến chăng? Chắc chắn là không, vì xã hội phong kiến Việt Nam là một xã hội thuần nông, một xã hội có tới 80 cho đến 90% dân số là nông dân, mà sự thanh lịch dĩ nhiên không thể là tính cách điển hình của người nông dân.
Nhiều nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu đều cho rằng nét thanh lịch của một bộ phận người Hà Nội (phải gọi thế mới chính xác) được xác lập từ khoảng đầu thế kỷ 20 - khi thực dân Pháp định hình xong chính quyền cai trị cho đến những năm 50, 60 của thế kỷ ấy – khi giai cấp tư sản, tiểu tư sản chính thức bị xóa sổ. Ai cũng biết, từ đầu thế kỷ 20 cho tới trước CMT8 (1945), xã hội Việt Nam là một xã hội thực dân, nửa phong kiến đúng nghĩa, một xã hội mà nói như ông Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam” thì “sự đụng chạm với phương Tây làm tan rã không biết bao nhiêu bức tường thành kiên cố”. Chính sự đụng chạm ấy đã khiến một xã hội mà suốt bao năm luôn chứa đựng cái mâu thuẫn đối kháng giữa nông dân và địa chủ giờ xuất hiện thêm những giai tầng mới như tư sản, tiểu tư sản. Và sự thanh lịch, nho nhã chính là nét tính cách điển hình của những giai tầng mới mẻ, đặc biệt này.
Nhưng nên nhớ rằng tư sản, tiểu tư sản chỉ chiếm một số lượng nhỏ bé nhất định trong xã hội Thủ đô thời đó. Còn có những số lượng người to lớn khác không sống trong khu 36 phố phường, mà sống rải rác trong các làng nội đô, trong đó có những cái tên nổi tiếng như làng Ngọc Hà, Chân Cầm, Tương Mai, Quỳnh Mai, Bạch Mai, Báo Thiên, Khánh Thụy…
Những người sống trong làng nội đô mang tính cách nửa nông dân, nửa thành thị, và điểm trội của phức hợp tính cách này không phải là sự thanh lịch, mà lại là sự điềm nhiên, vui thú.
Tới đây, một kết luận có thể được rút ra: Trong giai đoạn từ đầu thể ký 20 cho tới những năm 50, 60 của thế kỷ 20 – cái giai đoạn được cho là đã xác lập phẩm chất thanh lịch giữa lòng Hà Nội thì nó – cái phẩm chất trân quý ấy cũng chỉ là phẩm chất riêng của những người tư sản, tiểu tư sản, chứ không phải là phẩm chất của người Hà Nội nói chung.
3/Song có lẽ ấn tượng về sự thanh lịch, nho nhã là những ấn tượng đầy sức quyến rũ. Và chính vì sự quyến rũ ấy mà người Hà Nội ngày từng ngày, tháng từng tháng, năm từng năm, cứ dần dần thổi phồng nó lên giống hệt như việc người ta thổi phồng những quả bóng bay.
Bản thân việc thổi phồng ấy là rất tốt, bởi một nét tính cách đẹp có thể chỉ khởi phát ở một bộ phận giai cấp nhỏ bé, nhưng nó nên và rất nên được nhân rộng. Vấn đề quan trọng nằm ở chỗ, đấy là sự thổi phồng bản chất hay sự thổi phồng hình thức?
Nếu là sự thổi phồng bản chất thì người ta chắc chắc sẽ thay đổi từ ý thức cho tới hành động của mình để trở thành những con người thanh lịch đúng nghĩa. Còn nếu đấy là sự thay đổi hình thức thì người ta sẽ chỉ thay đổi ở góc độ cái mồm, nghĩa là sẽ luôn miệng nói và dạy cho những người quanh mình một câu nói máy móc rằng “chúng ta là những người thanh lịch”, và nói xong câu này, tự hào xong cái niềm tự hào giả tạo này thì mọi thứ chấm dứt ở đây.
Nhìn lại những gì phần đông người Hà Nội đã và đang thực hiện, không khó thấy rằng dạng thổi phồng thứ 2 có tính thực tiễn lớn hơn và xác suất chính xác cao hơn so với dạng thứ nhất rất nhiều.
Và như thế, đã đến lúc phải thôi ngay cái việc tự lừa dối mình rằng tính cách của người Hà Nội nói chung là sự thanh lịch. Đã đến lúc phải tỉnh táo, dũng cảm thừa nhận rằng sự thanh lịch ấy chỉ tồn tại ở một bộ phận nhỏ người Hà Nội, trong một giai đoạn lịch sử đã đi qua, chứ không phải là tính cách điển hình chung của phần đông người Hà Nội, nhất lại là một Hà Nội đã mang vào lòng nó cả một “Hà Tây vĩ đại” như bây giờ.
4/Như đã nói ở phía trên, một sự thừa nhận “trần trụi” như thế có thể sẽ khiến cho những người yêu Hà Nội một cách hình thức, một cách cực đoan, bảo thủ phải tức điên lên. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng chỉ khi nào chúng ta dám thừa nhận rằng “sự thanh lịch chưa bao giờ là phẩm chất điển hình của người Hà Nội nói chung”, và rằng “người Hà Nội chưa bao giờ định vị cho mình một tính cách điển hình nào” thì khi ấy chúng ta mới có thể bắt tay xây dựng một tính cách điển hình tốt đẹp và thực chất cho tương lai của mình.
Bằng không hãy cữ mãi mãi “tự sướng” đi, cứ mãi mãi vuốt ve nhau về “những người Hà Nội thanh lịch” đi, để rồi rất nhiều khách nước ngoài khi đặt chân đến Hà Nội sẽ tiếp tục phải rỉ tai bạn bè: “Đến đây cẩn thận nhé, vì ở đây người ta “chém” khách du lịch dã man”!/
Nhà báo Phan Đăng – Báo Công An Nhân Dân
- Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả