- Trong khi khắp các khu chợ phiên ở các tỉnh biên giới nước ta tràn ngập dao, kéo, liềm… Trung Quốc giá rẻ thì làng rèn truyền thống Phúc Sen (Quảng Uyên – Cao Bằng) lại chinh phục thị trường Trung Quốc bằng những sản phẩm rèn chất lượng cao.

TIN BÀI KHÁC:

Trải dài mấy cây số trên quốc lộ 3, nằm ở khoảng giữa đường đi từ thị xã Cao Bằng đến cửa khẩu Tà Lùng, xã Phúc Sen có 10 thôn thì 6 thôn hầu hết người dân làm nghề rèn truyền thống. Cả xã có 420 hộ dân thì có đến 160 hộ làm nghề rèn.

Nghề rèn truyền thống của người Nùng An sống ở Phúc Sen đã tồn tại vài thế kỷ, các sản phẩm dao, kéo, nông cụ… của Phúc Sen cũng đã nức tiếng trong vùng và các tỉnh lân cận từ nhiều đời nay. Đã có thời, nghề rèn ở Phúc Sen chao đảo, các lò rèn hoạt động cầm chừng, sản phẩm không tiêu thụ được do người tiêu dùng bị ngợp trước những sản phẩm nhập từ Trung Quốc, Thái Lan với mẫu mã đẹp, giá rẻ hơn. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó người tiêu dùng đã quay trở lại mua hàng của Phúc Sen do chất lượng vượt trội về độ sắc, độ bền. Anh Nông Văn Vần, người đã có hơn 20 năm làm nghề rèn ở thôn Phia Chang cho biết, hiện nay sản phẩm rèn của Phúc Sen không chỉ bán trong nước mà còn được người dân Trung Quốc rất ưa chuộng. Cũng theo anh Vần thì số lượng sản phẩm rèn của Phúc Sen bán sang Trung Quốc gấp đôi số lượng bán trong nước.

Do đặc điểm địa hình miền núi ít đất canh tác, lúa nương rẫy thường chỉ thu hoạch một vụ, mỗi năm tổng cộng chỉ có 3 tháng làm nương rẫy còn lại làm nghề rèn nên người dân rất chú trọng phát triển nghề này. Tuy nhiên dù đã trải qua hàng thế kỷ nức tiếng với nghề rèn, đến nay, người dân làm nghề rèn ở Phúc Sen cũng chỉ thu nhập ở mức độ đủ ăn chứ chưa giàu.

Anh Long Văn Minh, một thợ rèn ở thôn Pác Rằng cho biết, thu nhập bình quân của một thợ lành nghề mỗi ngày chừng trên trăm ngàn đồng. Do nghề này rất vất vả, sử dụng sức người là chính nên một người có sức khỏe mỗi tháng chỉ có thể làm việc 20 ngày còn lại phải nghỉ ngơi mới có sức làm tiếp.

Được biết, trong kháng chiến chống Pháp, những thợ rèn người Nùng An ở Phúc Sen đã rất tích cực tham gia đúc súng thần công, vỏ lựu đạn phục vụ kháng chiến.


Phúc Sen nằm trải dài vài cây số bên quốc lộ 3 đoạn giữa đường đi từ thị xã Cao Bằng lên cửa khẩu Tà Lùng (Phục Hòa – Cao Bằng). Trên đoạn đường này người dân bày bán rất nhiều sản phẩm rèn nức tiếng ngay cạnh quốc lộ.
Người dân Phúc Sen 3 tháng làm nương rẫy, còn lại thời gian khác trong năm hầu hết đều làm nghề rèn.
Than củi vẫn được những thợ rèn người Nùng An sử dụng để nung thép vì “Than củi nhiệt vừa đủ độ lại đều, không cao quá như than đá khiến thép khi tôi đạt được độ sắc bén, rắn mà không giòn, dẻo mà không mềm” anh Nông Tờ, một thợ rèn thâm niên trên 30 năm hé lộ chút bí quyết nhà nghề.
Một bí quyết nữa để cho ra những sản phẩm rèn nức tiếng của thợ rèn Phúc Sen đó là thép để rèn sản phẩm phải là thép nhíp ô tô được người dân mua ở làng chuyên buôn đồ đồng nát dưới huyện Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc.
Một số công đoạn như thổi bễ, mài thô hiện nay đã được thợ rèn Phúc Sen dùng quạt điện, máy mài thay cho sức người.
Để cho ra những sản phẩm được người dân trong, ngoài nước tin dùng, từ hàng trăm năm nay đòi hỏi một người thợ muốn tinh thông nghề phải mất ít nhất ba năm chuyên cần, nhẫn nại học hỏi người đi trước, đặc biệt khâu tôi thép vô cùng quan trọng với những kỹ năng tinh tế mà phải mất nhiều thời gian mới có được.
Khách du lịch từ khắp cả nước đến với Cao Bằng thường ghé qua Phúc Sen mua dao, kéo và đều rất hài lòng với những sản phẩm rèn của người Nùng An nơi đây. Do nhà ở mặt quốc lộ nên anh Nông Văn Vần không phải mang sản phẩm đến các chợ phiên bán như nhiều gia đình nhà ở trong xóm.
Nông Văn Quang (18 tuổi) theo học nghề đã 3 năm nay nhưng anh Nông Khánh Học (bố Quang) cho biết Quang vẫn chưa làm được những việc khó như tôi thép mà mới chỉ phụ giúp những việc như nhóm lò, quai búa.
Thợ rèn Nông Văn Mèn quai búa một lúc lại phải nghỉ than: nghề này vất vả lắm, không phải ai cũng đủ sức khỏe để làm đâu, mỗi người chỉ làm 20 ngày mỗi tháng thôi còn phải nghỉ để dưỡng sức”.

Lê Anh Dũng