- Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, với người bình thường tìm được một công việc đã là một điều khó thì những người thuộc cộng đồng LGBT (lesbian, gay, bisexual, transexual/transgender) lại càng khó khăn hơn vì bị kỳ thị.


"Ở đây không tuyển les"

Tiếng Anh giao tiếp tốt, có chứng chỉ TOEIC và tấm bằng ĐH Công nghệ thực phẩm trên tay nhưng P.H vẫn chưa có việc làm ổn định dù đã ra trường được gần 2 năm nay. Là một trans guy straight (người được sinh ra trong cơ thể nữ nhưng giới tính thật là nam) P.H luôn khao khát được sống đúng với giới tính của mình. Chính vì thế, P.H luôn có bề ngoài nam tính và nếu không tinh ý khó có thể nhận ra được giới tính sinh học của H. Cũng vì thế mà trong hồ sơ xin việc P.H luôn gặp rắc rối vì nhà tuyển dụng luôn thắc mắc về phần điền giới tính trong hồ sơ. Nghĩa là ảnh trong hồ sơ rất "nam tính" của P.H lại trái ngược hoàn toàn với phần giới tính nữ được điền bắt buộc trong hồ sơ xin việc.

Được là chính mình và được xã hội công nhận là ước mơ của cộng đồng LGBT.

Nhắc lại thái độ và câu nói của nhà tuyển dụng ngày ấy P.H không khỏi buồn bã: "Người ta hỏi xong thì buông một câu khiến tôi vô cùng thất vọng là: 'Ở đây không tuyển les!'".

Cùng cảnh ngộ với P.H, không ít người có học vấn và bằng cấp cao vẫn lao đao vì không thể xin được việc. Nhiều người chấp nhận giấu kín giới tính thật của mình để không ảnh hưởng đến công việc, yên ổn sinh sống nhưng trong lòng vẫn rất đau khổ vì không được là chính mình. Minh Tâm, người đồng tính nam hiện đang là nhân viên ngân hàng tại TP.HCM cho biết: "Nhờ bề ngoài nam tính nên không ai biết giới tính thật của mình, dù rất muốn được công khai giới tính thật nhưng điều kiện công việc không cho phép. Nếu được xã hội và mọi người công nhận thì mình đã không phải sống khép kín như vậy".

Ngoài việc không được tuyển dụng vì là người đồng tính, song tính, người chuyển giới... Những người đã có công việc ổn định khi tiết lộ giới tính thật của mình chịu rất nhiều áp lực vì bị đồng nghiệp, cấp trên kỳ thị. Cặp đôi Hương và Yến thời gian gần đây xuất hiện trên một clip phóng sự ngắn do Trung tâm ICS (Tổ chức làm về quyền của cộng đồng LGBT Việt Nam) thực hiện cũng là một trong những trường hợp bị mất việc khi "để lộ" chuyện mình là người đồng tính nữ.

Là người gốc Hà Nội, trước khi chuyển vào TP.HCM sinh sống cùng người yêu, Hương từng có một công việc tốt. Tuy nhiên khi sự thật Hương là người đồng tính nữ bị một người bạn thân tiết lộ đã ảnh hưởng ngay tới công việc của cô. Lãnh đạo công ty yêu cầu viết kiểm điểm, động viên Hương trở lại làm cô gái bình thường...Vì bất bình với sự kỳ thị của đồng nghiệp và lãnh đạo công ty Hương quyết định từ bỏ công việc đang làm để vào Nam, bắt đầu lại từ đầu và chung sống với người mình yêu.

Dù cố gắng rất nhiều để hòa mình vào xã hội nhưng những người trong cộng đồng LGBT vẫn luôn sống trong phập phồng lo sợ. Tuy nhiên không vì thế mà họ thôi hy vọng, nỗ lực cho những ước mơ từ bình dị đến hoài bão lớn. Để làm được điều đó, trước hết họ đã cố gắng sống tốt và cố gắng không ngừng để một ngày nào đó được tất cả mọi người công nhận họ.

Phải sống tốt để được công nhận

Đại đa số mọi người đều cho rằng người đồng tính nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung có không ít người sống buông xuôi, bất cần, làm những công việc kỳ lạ để kiếm sống, thậm chí sa vào tệ nạn xã hội. Điều đó tuy không sai nhưng chưa hoàn toàn đúng.

Vì gia đình, bạn bè và xã hội chưa đủ bao dung để chấp nhận giới tính thật của họ đã vô tình đẩy họ vào con đường bí bách. Áp lực vì bị kỳ thị, một số người trong cộng đồng LGBT buộc phải từ bỏ ghế nhà trường nên họ vô tình bị tước đi quyền được học hành, không được học các kiến thức văn hóa, chuyên ngành nên cơ hội việc làm cũng mất đi. Họ phải làm nhiều nghề bị mọi người khinh rẻ (hát tại các đám ma, hành nghề mê tín dị đoan, phạm pháp...) để sinh tồn nhưng không ai biết rằng họ là những con người rất cần được cảm thông và chia sẻ.

Tuy nhiên, đó chỉ là một bộ phận nhỏ còn thực tế rất nhiều người trong cộng đồng LGBT vẫn nỗ lực vượt qua để tiếp tục sống một cách đường hoàng, lương thiện. Thậm chí còn trở thành những người thành đạt, được mọi người công nhận và đóng góp rất nhiều cho xã hội.

Với Hương, sau khi vào Sài Gòn, được là chính mình, được sống cạnh người mình yêu theo đúng tâm nguyện đã ấp ủ từ lâu thế nhưng Hương vẫn luôn cảm thấy chưa trọn vẹn vì gia đình cô chưa chấp nhận sự thật con gái họ là một người đồng tính. Nhiều lần nhớ nhà Hương luôn cố kìm nén và lấy đó làm động lực để sống thật tốt, mong một ngày được gia đình chấp nhận. Hương và Yến đang mơ tới một ngày không chỉ có gia đình, bạn bè mà cả xã hội đều chấp nhận con người thật của họ.

Cặp đôi Hương và Yến chia sẻ tại một hội thảo do ICS tổ chức ngày 10/08.

Trở lại trường hợp P.H, sau nhiều lần xin việc không thành công, P.H vẫn không nản chí, vừa xin làm nhiều công việc bán thời gian vừa tiếp tục học thêm ngoại ngữ và học nấu ăn. Khi xin vào làm phục vụ trong một nhà hàng ở Q.1, P.H đã đấu tranh rất nhiều để xin được mặc đồng phục nam thay vì mặc váy theo quy định. Điều kiện đặt ra của nhà hàng khi muốn mặc đồng phục nam là buộc phải làm công việc của nam giới, nghĩa là sẽ nặng nhọc hơn. Vì muốn sống đúng với giới tính thật của mình nên dù công việc nặng nhọc hơn nhiều lần nhưng P.H vẫn cố gắng làm tốt.

Nói về những dự định trong tương lai, P.H cho biết "Thật sự tôi rất ghét những người cứ ngồi than thở mà không chịu làm gì để thay đổi số phận cả. Bản thân tôi cũng chưa bao giờ cho phép mình được than thở, tương lai của mình là do chính mình kiến tạo nên. Nếu bạn đứng lại không làm gì nghĩa là bạn đang bị lùi lại phía sau".

Hiểu Minh