“Không thể nói tọc mạch là tốt hay xấu được. Nó phụ thuộc vào mức độ tọc mạch, cách thể hiện, văn hóa, cách ứng xử của người tọc mạch. Nếu không tọc mạch thì sao lại có các hiệp sỹ Nguyễn Văn Minh Tiến, Nguyễn Thanh Hải ... Nếu không tọc mạch thì sao có chuyện người ta giúp nhau khi cưới xin, tang tóc, tai nạn... ” - Độc giả Nguyễn Nguyên bày tỏ.


Ngay sau khi tăng tải bài viết “Thói quen tọc mạch chủ yếu có ở người miền Bắc” VietNamNet đã nhận được rất nhiều phản hồi từ phía độc giả. Trong đó, hầu hết các ý kiến của độc giả đều đồng ý với quan điểm mà nhà nghiên cứu và phê bình Phan Cẩm Thượng đã nêu trong bài viết. Tuy nhiên, nhiều độc giả lại cho rằng cần phải xem xét thêm về tính hai mặt của đặc tính này.

Ảnh minh họa

Tính hai mặt của vấn đề

“Tôi rất đồng ý với bài viết nhưng mọi người hãy xem vấn đề ở hai mặt. Xã hội luôn phát triển, phát triển thì phải có cạnh tranh. Nó giống như "cân bằng động". Có cạnh tranh tốt và không tốt cũng giống như bàn tay bạn là do tạo hóa tạo ra,vậy mà vẫn có ngón dài ngón ngắn và bàn tay ấy rất hữu dụng. Đó là chọn lọc của tự nhiên. Có khi nào bạn thử nghĩ, nếu những ngón tay đó bằng nhau thì sẽ thế nào? xã hội này mà giống nhau cả thì điều gì sẽ xảy ra?” - Độc giả ở địa chỉ mail luckystar..@yahoo.com viết.

Đồng tình quan điểm trên, độc giả Thanhvn cũng cho rằng: “Ở đâu có con người, ở đó có tốt và xấu, tùy theo vùng miền mà cách gọi cũng khác nhau, sự hơn thua cũng tốt, nếu vừa phải nó sẽ thúc đẩy xã hội tốt hơn còn nếu lạm quá thì ngược lại”.

“Ở các gia đình ngoài Bắc và Trung, họ có một cái hay mà các gia đình trong Nam không có đó là: dù nghèo đến đâu thì cũng ráng cho con cái học tới nơi tới chốn, hiếm khi ta thấy có học sinh người Nam thi đạt được thủ khoa. Đa phần là người Bắc và người Trung. Nhà này, họ này có con cái đỗ đạt cao thì nhà khác, họ khác cũng khuyến khích, hỗ trợ con cái của họ vậy. Ở miền Nam thì người ta cũng thường xuyên "chọt" phá nhau đấy thôi. Ở đâu cũng có người thế này thế kia không thể đánh đồng và quy chụp được".

Cùng chung quan điểm với độc giả Thanhvn, tuy nhiên, độc giả ở địa chỉ mail lexuan@ thì lại nhấn mạnh thêm rằng: “Cần phải có sự phân biệt giữa quan tâm chia sẻ và tọc mạch”.

Độc giả này viết: “Dân tộc Việt Nam từ khi hình thành đến nay không một thế kỷ nào không có chiến tranh xảy ra. Chúng ta không giống các dân tộc khác, nếu không có sự quan tâm chia sẻ từ quần thể xã hội thì chúng ta đã bị đồng hóa từ lâu rồi. Chúng ta cũng không thể phân biệt người Bắc, Trung, Nam vì chúng ta đều là dân tộc Việt”.

“Theo tôi, sự quan tâm chia sẻ để chúng ta hiểu về cộng đồng sống xung quanh không phải là tọc mạch, tôi cần phải duy trì mối quan hệ làng xóm láng giềng, lý do vì sao thì bạn thử nghĩ xem. Sự vô cảm như nhà nghiên cứu và phê bình văn hóa Phan Cẩm Thượng nói chính là hệ quả của việc tây phương hóa, công nghiệp hóa, thương mại hóa, điện tử hóa” - độc giả này nói thêm.

Giáo dục là nguồn gốc

Cho rằng, một đặc tính xấu khi được giáo dục sẽ trở thành một đặc tính tốt góp phần giúp ích cho bản thân mỗi người cũng như sự phát triển chung của xã hội cho nên độc giả Lê Minh đề xuất: “Chúng ta nên đưa vấn đề này vào chương trình giáo dục”.

“Một con người có tri thức sẽ biết xử lý để sao cho tính tốt thắng cái tính xấu. Một người có giáo dục, có tri thức, sẽ không có tính tọc mạch, nhất là tính đó làm hại người khác” - độc giả Hoa Lư tiếp lời.

“Chính sự khác biệt về nhận thức nên mới dẫn đến cách ứng xử khác nhau. Với những người vô ý vô tứ, vô văn hóa thì có thể gọi là tọc mạch. Còn những người cư xử có văn hóa, sống biết mình biết người thì không có nhẽ... Sống ở đâu, gắng phù hợp với ở đấy, không phải là chấp nhận và hùa theo những thói tật xấu xí ở địa phương nơi sống, mà biết cách để giữ mình cân bằng, dung hòa tất cả” - một độc giả khác nói thêm.

Đồng tình với quan điểm này, độc giả Ngọc Phạm cũng khẳng định: “Không phải do khí hậu, thổ nhưỡng,.. Chẳng phải do ảnh hưởng của nền tảng văn hóa, tín ngưỡng... Ai đã làm một cuộc khảo sát về thói quen xấu này trước năm 1945 ở nước ta nào? Tôi thấy chỉ là do vấn đề giáo dục! Mà thực chất ở đây là đạo đức. Cuộc sống còn nghèo nên chỉ chạy theo giá trị vật chất, học hành cũng là vì lý do đó... Gia đình, nhà trường và hệ thống giáo dục chệch hướng dẫn đến người được gọi là có học thì vị kỷ, dẫn đến tha hóa về mặt đạo đức. Tư tưởng cục bộ kéo toàn bộ đất nước thụt lùi”.

“Vì vậy cho nên nếu ai cảm thấy thói tọc mạch này nó đang ngự trị trong người và thấy nó không phù hợp với cộng đồng thì nên học cách từ bỏ nó. Thế mới là văn minh” - Độc giả Nguyên Dương kết luận.

Vũ Lụa (tổng hợp)