- Thằng bé chưa tròn 3 tuổi, chạy lăng xăng khắp nhà. Bé gầy guộc, chỉ nặng chừng 10kg, bên phải mặt sưng húp. Phần đầu của bé cũng lồi lõm khác thường. Mắt phải không còn nhìn rõ. Vậy mà bé vẫn rất hiếu động...
Câu chuyện trong căn nhà nhỏ
Bé có tên Hoài Ân, con của anh Nguyễn Văn Tùng (46 tuổi) và chị Hồ Thị Mai Trinh (43 tuổi) cư ngụ tại một căn hộ trong con hẻm nhỏ trên đường Phan Văn Hớn (phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM).
Cả gia đình 4 người chỉ duy nhất chị Trinh khỏe mạnh. |
Chúng tôi đến thăm gia đình vào một buổi sáng. Nhà nhỏ, không vật dụng nào đáng giá ngoài chiếc máy may của một người hảo tâm. Chị Trinh nói, trước đây em bán khoai luộc. Buôn bán cực nhọc nhưng cũng có đồng ra đồng vào. Đến khi sinh Hoài Ân, mọi việc đổi khác.
'Hoài Ân được sinh ra trong sự khao khát và thương yêu của ba mẹ. Bé sinh trong đêm bình thường như bao đứa trẻ khác. Đến sáng khi có điều kiện nhìn kỹ lại con mình, em rất bất ngờ. Khối u mọc đầy trên thân thể bé. Đầu bé lớn hơn, chỗ nhô ra chỗ lõm vào. Mắt phải bé khác thường, bị sưng lên nên mí mắt khép lại... ", người mẹ kể lại.
Bé được ấp trong lồng kính nhiều ngày trước khi về với mẹ. Bằng chính dòng sữa của mình, chị Trinh nuôi Hoài Ân lớn lên với sự cố gắng và nỗ lực vô bờ bến. Bác sĩ kết luận cậu bé bị u não, u sợi thần kinh, hở van tim, viêm họng, viêm phế quản...
Những căn bệnh trầm kha khó chữa đều dồn vào một đứa trẻ sơ sinh khiến cho việc nuôi bé trở nên vô cùng vất vả. Khi còn nhỏ, Hoài Ân khóc liên tục. Nhiều khi nghe con khóc, lòng người mẹ không khỏi quặn đau.
'Con mình như thế còn lòng dạ nào bỏ đi để mưu sinh, mà không làm thì lấy gì ăn? Nhà em lâm vào bế tắc. Không một đồng xu dính túi, cuộc sống của vợ chồng vô cùng đen tối. Bà con chòm xóm và chính quyền địa phương cũng có những giúp đỡ nhất định. Em không còn đi bán khoai nữa mà dùng chiếc máy may để ở nhà nhận hàng về làm, vừa trông được con vừa có thêm chút thu nhập cải thiện cuộc sống", chị Trinh kể.
Chị chia sẻ tiếp: "Đã gần 3 năm trôi qua bằng sự yêu thương của cộng đồng, bằng tình yêu, chúng em đã vượt qua được những chông gai đầu đời. Giờ đây, những ngày sắp tới với những khó khăn đang chực chờ chúng em chưa biết phải làm sao".
Nhìn qua anh Tùng, cha bé Hoài Ân cũng là chồng chị Trinh, chúng tôi vô cùng thương cảm. Anh không được bình thường như bao người đàn ông khác làm sao anh góp sức cùng vợ để nuôi con?.
"Không giàu sang, chức tước, điều con cần là tình yêu"
Đang ngồi trong lòng mẹ, Hoài Ân bật dậy chạy đến bên ba. "Mấy tháng nay anh thất nghiệp nghĩa là không có đồng thu nhập nào bởi sức khỏe anh ngày càng yếu. Căn bệnh u sợi thần kinh hành hạ anh mấy chục năm nay", chị Trinh buồn buồn kể.
Anh Tùng, chị Trinh và bé Hoài Ân |
Bà Lệ Hồng (66 tuổi, mẹ chồng của chị) tiếp lời: "Chồng tôi bị bệnh mất sớm khi tôi sinh cháu út được vài tháng. Đứa con đầu, Tùng, khi sinh ra bình thường nguyên vẹn như bao đứa trẻ khác. Đến 8 tuổi, người Tùng bắt đầu nổi lên nhiều khối u. Mặt bên trái của Tùng khối u lớn dần làm hỏng một con mắt. Trong người Tùng không chỗ nào là không có khối u.
Nhiều lần đưa con đi chữa bệnh nhưng các bác sĩ đều lắc đầu vì khối u quá nhiều và quá lớn. Sau Tùng đến người em, cháu Tấn hiện bị trượt 3 đốt sống, teo thận, mù một mắt. Bệnh như thế nhưng hàng ngày Tấn vẫn phải đến công trường phụ việc. Đứa kế tiếp thì vừa mới mất trước Tết. Riêng tôi, trước mắt là một màu đen kịt. Tôi bị mù từ nhiều năm nay và hiện được hội người mù cưu mang'.
Năm 2013, một cô gái từ Cà Mau tìm cách liên lạc với Tùng. Cô gái hiểu rõ bệnh tật của Tùng nhưng vẫn muốn kết bạn làm quen. Hai người trao đổi qua lại chỉ bằng chiếc điện thoại.
Thế rồi một lần, anh Tùng đi thẳng về Cà Mau tìm gặp cô gái đó. Nhìn thấy anh như vậy nhưng cô gái vẫn xin đượcnên vợ nên chồng. Bà Hồng đành kể hết hoàn cảnh gia đình và cuối cùng hỏi cô gái: "Cháu đã suy nghĩ kỹ chưa?".
Cô gái không chần chừ đáp: "Thưa bác, con yêu anh Tùng. Anh Tùng có thế nào con cũng yêu anh. Con không cần giàu sang, chức tước bổng lộc, điều con cần là tình yêu".
"Tôi quá bất ngờ. Tôi liên lạc với nhà gái, họ không đòi hỏi gì. Giữa năm 2014, chúng tôi thuê một chiếc xe xuống Cà Mau gặp nhà gái bày tỏ nguyện vọng. Nhà gái cũng rất chân tình, mời nhà trai một bữa cơm trưa. Thế là chúng tôi đón con dâu về", bà Hồng kể lại.
Tiếp lời mẹ chồng, chị Trinh cho biết: "Ở quê, em cũng làm đầu tắt mặt tối mới có được miếng ăn. Về nhà chồng, anh Tùng đi cắt cỏ cho một sân vận động, em thì bán khoai. Rồi Hoài Ân chào đời biết bao khó khăn ập đến.
Gần 4 năm chung sống, chưa một ngày nào chúng em no đủ cả. Về vật chất thì thế nhưng về tình nghĩa lúc nào cũng trọn vẹn bên nhau. Chỉ mong cháu bớt bệnh để em còn có thời gian làm việc.
Anh Tùng cũng đang cố gắng gom góp tìm mua dụng cụ để mở một điểm rửa xe. Công việc này phù hợp với sức khỏe của anh nhưng biết bao giờ anh mới có đủ tiền để thực hiện? Chỉ biết đợi một dịp may nào đó...".
Khổ cực, thiếu thốn, bệnh tật nhưng trong căn nhà của họ vẫn đầy ắp tiếng cười.
Bóng hồng ngành đường sắt và đêm 8/3 bất ngờ
Bất kể ngày hay đêm, lễ Tết hay ngày thường, trên mọi cung đường sắt, những nữ công nhân gác chắn vẫn miệt mài làm việc để giữ an toàn cho mọi hành trình.
Chuyện tình của nữ thợ may phố cổ 4 lần trả trầu cau dạm hỏi
Bà Quyến kể về cuộc hôn nhân của mình. Bà lấý chồng từ năm 1958, khi mới 17 tuổi. Đến nay đã 60 năm trôi qua nhưng hai vợ chồng bà vẫn dành cho nhau những tình cảm vẹn nguyên như thưở ban đầu.
Trần Chánh Nghĩa