Đám cưới được tổ chức linh đình, quan khách ăn cỗ suốt 3 ngày. Cô dâu thay liên tục các mẫu áo dài và đeo trên người nhiều vàng, kim cương…

Sau khi xây dựng cơ nghiệp, trở thành một thương gia giàu có trong lĩnh vực xây dựng, thầu khoán, buôn bán… những năm đầu thế kỷ 20, cụ ông Trương Vọng Trọng và cụ bà Nguyễn Thị Sửu đã cho xây dựng căn biệt thự Pháp cổ có diện tích hơn 800 mét vuông tại số 44 phố Hàng Bè (Hà Nội).

Sau những năm 50, hai vợ chồng thương gia chuyển vào miền Nam sinh sống. Trong căn biệt thự số 44 Hàng Bè chỉ còn lại một mình bà Trương Thị Mô (SN 1924) - con gái thứ 2 của thương gia Trương Vọng Trọng.

{keywords}
Căn biệt thự lớn ở phố hàng Bè những năm đầu thế kỷ 20 của gia đình thương gia Trương Vọng Trọng. 

Ở tuổi 94, bà Mô vẫn nhớ từng kỷ niệm về tuổi trẻ, về những ngày sống trong nhung lụa cùng với bố mẹ. Bên cạnh đó, bà Mô cũng nhớ rất nhiều về ngày bà lên xe hoa cùng chồng...

"Bố mẹ tôi là những người sống rất văn minh. Khi gả con gái đi lấy chồng, các cụ không hề thách cưới như nhiều gia đình khác” - bà Mô xúc động khi nhắc đến đám cưới của mình.

Đám cưới của bà Mô được tổ chức khi bà vừa bước qua tuổi 20. Chú rể là nhân viên của Sở Hỏa xa (nay là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam).

{keywords}
Bà Trương Thị Mô, con gái thứ 2 của thương gia Trương Vọng Trọng.

“Chúng tôi gặp nhau qua mai mối bạn bè. Lúc đó, tôi đang bán tơ lụa ở phố Hàng Đào. Cả hai chỉ tìm hiểu nhau một thời gian ngắn. Sau đó thấy phù hợp thì quyết định đám cưới”, bà Mô kể lại.

“Tôi vẫn nhớ, ngày ăn hỏi, tôi mặc áo dài nhung màu tiết dê, tóc để kiểu phi dê và đeo trên người các loại trang sức như kiềng, dây chuyền, bông tai, nhẫn, lắc tay và cả nhẫn kim cương.

Bố mẹ tôi có nhiều bạn bè nên chỉ riêng ngày ăn hỏi, mọi người đã đứng gần kín phần diện tích 800m của căn biệt thự.

Khi nhà trai xuất hiện, số lượng khách bên nhà trai cũng không kém cạnh. Ai cũng ăn mặc lịch sự, sang trọng. Đi đầu là đoàn nam thanh với 7 tráp lễ được trang trí rất đẹp và cầu kỳ. Tiếp theo là các bô lão, các thành viên trong gia đình chú rể và các anh em bạn bè”, con gái vị thương gia giàu có phố Hàng Bè nói tiếp.

{keywords}
Bà Mô cho biết, trong đám cưới của mình, bà và gia đình đã chụp rất nhiều ảnh nhưng những bức ảnh này đã bị thất lạc (Ảnh tư liệu chụp tại 1 đám cưới năm 1931).

Ngày tổ chức đám cưới, mặc dù đã đơn giản hóa rất nhiều thủ tục nhưng khi thấy một đoàn 7 xe ô tô của nhà trai đến đón dâu, nhiều người dân trong khu vực vẫn tò mò kéo đến nhà thương gia Trương Vọng Trọng để xem.

"Trước khi nhà trai đến, gia đình tôi cũng đã khiến hàng xóm chú ý vì lượng khách đến ăn cưới rất đông"- bà Mô nói.

"Căn biệt thự của bố mẹ tôi có khoảng sân rộng nên đám cưới của tôi không cần phải tổ chức ở nhà hàng. Vì lượng khách quá đông nên bố mẹ tôi phải phân bổ thời gian mời khách khác nhau. Khách của bố, bố tôi mời riêng một ngày, khách của mẹ, mẹ tôi mời riêng một ngày. Khách của tôi, tôi mời riêng một ngày. Tổng cộng, gia đình chúng tôi mời khách ăn uống trong 3 ngày”- bà Mô kể tiếp.

Bà Mô không còn nhớ, bố mẹ bà đã làm bao nhiêu mâm cỗ để tiếp đón các quan khách. Bà chỉ nhớ rằng trong 3 ngày đó, căn biệt thự lúc nào cũng nườm nượp người ra kẻ vào và những người phục vụ cỗ luôn phải làm việc trong tình trạng quá tải.

Song song với việc tổ chức tiệc cỗ linh đình, bố mẹ bà Mô cũng không quên phần quà hồi môn cho con gái đi lấy chồng.

{keywords}
Bà Trương Thị Mô và chồng chụp ảnh kỷ niệm sau 10 năm kết hôn.

Bà Mô cho biết, bên cạnh số trang sức bà đã đeo trên người như trong lễ ăn hỏi… bố mẹ bà còn tặng cho con gái một hộp chứa đầy trang sức vàng. Khi nhà trai đến, gia đình nhà trai lại đeo lên người bà một lượng vòng, kiềng, nhẫn vàng khiến những người chứng kiến phải xuýt xoa.

“Một vài người cho rằng, việc đeo vòng vàng nhiều như vậy là thể hiện sự khoe khoang nhưng thực tế đó chỉ là một lượng trang sức nhỏ. Bình thường, ngoài bông tai, vòng tay, vòng cổ, trên ngón tay tôi dù đi chơi hay ở nhà cũng luôn đeo nhẫn kim cương. Ngày cưới, tôi đeo nhiều hơn vì có thêm phần trang sức do nhà chồng trao tặng” - bà Mô giải thích.

Về trang phục cưới, bà Mô cho biết, mỗi ngày đãi tiệc, bà mặc một mẫu áo dài khác nhau. Ngày cưới chính, bà mặc chiếc áo dài gấm, chân đi giày cao gót. Việc trang điểm cũng vô cùng cầu kỳ và họ cũng đã chụp rất nhiều ảnh để ghi lại các khoảnh khắc đẹp. Chỉ có điều, do thời gian quá lâu, album ảnh cưới của bà đã bị thất lạc...

Hé lộ cuộc sống của thương gia giàu có nức tiếng ở phố cổ đầu thế kỷ 20

Hé lộ cuộc sống của thương gia giàu có nức tiếng ở phố cổ đầu thế kỷ 20

Cuộc sống của chủ nhân căn biệt thự Pháp rộng hơn 800 mét vuông ở phố cổ những năm đầu thế kỷ 20 rất xa hoa và tiện nghi.

Biệt thự gần 100 tuổi của đại gia nức tiếng phố cổ một thời

Biệt thự gần 100 tuổi của đại gia nức tiếng phố cổ một thời

Căn biệt thự cổ có diện tích rộng hơn 800 mét vuông,  tuổi đời gần 100 năm của đại gia phố Hàng Bè những năm đầu thế kỷ 20 vẫn còn nguyên vẹn lối kiến trúc cũ...

Biệt thự gần 600m2 giữa phố cổ của nhà buôn vàng xưa

Biệt thự gần 600m2 giữa phố cổ của nhà buôn vàng xưa

Khuất sau phố Hàng Bạc ồn ào, nhộn nhịp là một không gian yên bình, tĩnh lặng của biệt thự hơn 70 năm tuổi. Ít ai biết đây là nơi sinh sống của gia đình ông chủ hiệu vàng nức tiếng Hà Nội xưa.

Vũ Lụa - Diệu Bình