- Đại sứ Phạm Sanh Châu hoan nghênh MC Phan Anh đã tiên phong phát động phong trào mặc áo dài trong dịp Tết cổ truyền.

Đại sứ Phạm Sanh Châu - Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề Unesco - hiện đang dành nhiều tâm huyết cùng các thành viên nhóm Đình làng Việt chuẩn bị cho sự kiện Tết Việt của nhóm, diễn ra vào ngày 22/1/2017. Bên cạnh việc tái hiện không gian Tết xưa, ông bày tỏ mong muốn tôn vinh và quảng bá áo dài cổ truyền nói chung và của nam giới nói riêng, xuất phát từ nhu cầu lựa chọn trang phục phù hợp trong công tác đối ngoại, những sự kiện quan trọng tại Việt Nam. 

{keywords}
Đại sứ Phạm Sanh Châu trân trọng và muốn bảo tồn nét đẹp truyền thống của chiếc áo dài. 

Trong suốt 10 năm, Đại sứ Phạm Sanh Châu luôn tiên phong mặc áo dài truyền thống trong các cuộc gặp gỡ ngoại giao quan trọng, nhằm quảng bá bản sắc văn hóa của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Đồng thời, ông cũng khuyến khích người Việt mặc chiếc áo dài truyền thống, như một cách để bảo tồn nét văn hóa đẹp cho thế hệ mai sau.  

- Từ đâu ông có ý tưởng cùng nhóm Đình làng Việt thực hiện chương trình tôn vinh và quảng bá áo dài cổ truyền nói chung và của nam giới nói riêng?

Đây là sự gặp gỡ giữa hai ý tưởng. Một là nhóm Đình Làng Việt –  hoạt động tự nguyện, có tới hơn 7500 thành viên, hầu hết là những người yêu nét đẹp truyền thống của Việt Nam. Họ yêu từ cái đình làng, các dòng nhạc dân tộc, những bộ trang phục mang quốc hồn, quốc túy của người Việt, đến những món ăn dân dã của quê hương ta. Họ tập hợp với nhau để bảo vệ các đình làng tại Việt Nam. Bởi hiện nay, tại nhiều nơi, mái đình đã bị xuống cấp, được tu bổ không phù hợp. Chính họ là người đã lên tiếng về thực trạng này. 

Cá nhân tôi rất muốn bạn bè quốc tế biết đến những nét đẹp của người Việt Nam. Điều đó nằm trong nhiệm vụ của Bộ ngoại giao, trong công cuộc quảng bá hình ảnh ảnh đất nước, con người của Việt Nam ra nước ngoài. Thêm vào đó, đây cũng là một trong những nội dung quan trọng, nằm trong danh mục những chương trình hành động trong chiến lược ngoại giao văn hóa từ nay đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt.  

Trước đây, tôi đã yêu và thường ưu tiên quảng bá áo dài của nam giới nói chung. Bởi tôi cho rằng áo dài của nữ đã được giới thiệu nhiều lần. Tuy nhiên, áo dài dành cho nam giới lại được ít người sử dụng. Thực tế, nam giới cũng có nhu cầu mặc áo dài. Đối với những nhà ngoại giao nói riêng, bộ trang phục truyền thống giúp chúng tôi tạo ra sự khác biệt, đánh dấu bản sắc văn hóa Việt trong các nghi thức đối ngoại. Các nước khác có trang phục truyền thống, như Kimono của Nhật Bản, Hanbok của Hàn Quốc, sườn xám của Trung Hoa, và chúng ta cũng không hề thua kém họ. 

{keywords}
Đại sứ Phạm Sanh Châu lựa chọn áo dài trong những sự kiện ngoại giao quan trọng. 

Tôi muốn tìm cái hay, cái đẹp để giới thiệu ra bên ngoài. Trong khi đó, Đình Làng Việt tìm được cái hay, cái đẹp của dân tộc và nỗ lực giữ gìn, bảo tồn chúng cho thế hệ mai sau. Cách đây một tháng, tôi đã có dịp giao lưu, đi dã ngoại với các thành viên trong nhóm. Họ mặc những trang phục của ông cha ta ngày xưa, trông rất nền nã, trang trọng.  Chính vì vậy, hai bên đã thống nhất quảng bá về Tết Việt. Chúng tôi sẽ giới thiệu những nét sinh hoạt đặc trưng trong dịp Tết. Trong đó, chú trọng quảng bá áo dài, của cả nữ lẫn nam, được mặc theo cách truyền thống. Tôi nhấn mạnh việc mặc theo cách truyền thống, không phải cách tân.

- Vậy trong quá trình quảng bá hình ảnh áo dài nam, ông có tìm ra nguyên nhân khiến trang phục này chưa được công chúng Việt biết đến và sử dụng rộng rãi?

Đầu tiên, cần phải nỗ lực thay đổi nhận thức của người dân. Hiện nay, việc mặc áo dài còn tồn tại nhiều hạn chế. Thứ nhất là tính tiện nghi. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, người ta muốn mặc những thứ gọn gàng, không vướng víu. Thứ hai, xét về mặt lịch sử truyền thống, áo dài gợi lại quá khứ không đẹp về những lý trưởng, quan lại, đã hà hiếp, bức bách dân. Cần phải vượt qua quá khứ, hình ảnh ấy.

Thứ ba, đàn ông khi mặc áo dài thường cảm thấy nữ tính, thiếu đi sự mạnh mẽ của bậc trượng phu. Họ e ngại rằng mặc như vậy sẽ không đẹp. Thứ tư, việc mặc áo dài cách tân thực sự không thể hiện được bản sắc dân tộc Việt Nam. Do đó, mọi người cảm thấy chúng không phải là chính thống, gốc rễ. Cần phải vượt qua cả 4 yếu tố đó mới mặc được áo dài.  

- Việc lựa chọn lễ phục Nhà nước là một vấn đề rất quan trọng. Theo thông tin từ báo giới, công tác này vẫn chưa thể đi đến hồi kết vì gặp khó khăn trong việc lựa chọn giữa áo dài hay complet. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Tôi nhận thấy rất nhiều nơi có ý thức mặc áo dài, nhưng họ không quay về truyền thống gốc của mình để tìm hiểu cách mặc sao cho đúng. Trang phục truyền thống của chúng ta không có màu xanh, đỏ, cũng không được mặc theo một cách vội vàng.

{keywords}
Đại sứ Phạm Sanh Châu và nhóm Đình làng Việt khuyến khích phong trào mặc áo dài nam trong dịp Tết cổ truyền. 

Cá nhân tôi ủng hộ nhóm Đình Làng, những người tự nguyện phấn đấu cho những nét giá trị văn hóa mang tính gốc rễ. Tôi thấy đây là hình ảnh đẹp, nhưng để phổ biến một cách rộng rãi, bản thân Bộ Văn hóa, các cấp, các ngành cũng phải thấy chúng đẹp, sang và tiện. Mỗi năm, chúng ta chỉ mặc áo dài vào những dịp nhất định. Chiếc áo dài khiến chúng ta cảm thấy mình nghiêm túc, trang trọng hơn, khiến chúng ta tự nâng cao ý thức về hành vi của mình. Khi hồn ta trong sạch, tâm ta cũng trong sạch. 

Tôi không khuyến khích người lao động, những người tham gia giao thông bằng xe đạp, xe máy phải mặc áo dài. Cần phải khoanh thời điểm, đối tượng, phạm vi cụ thể. Đó chính là tiêu chí của tôi khi quảng bá hình ảnh áo dài. 

{keywords}
MC Phan Anh 

- Trong dịp Tết này, nhiều người nổi tiếng như MC Phan Anh đang tích cực quảng bá chiến dịch mặc áo dài du xuân. Tuy nhiên, bên cạnh những người lựa chọn chiếc áo dài truyền thống, nhiều bạn trẻ lại thích áo dài cách tân, đôi khi dẫn đến phản cảm. Theo ông, chúng ta có nên ngăn chặn điều đó để giữ gìn sự chuẩn mực trong truyền thống văn hóa dân tộc hay không?

Tôi hoan nghênh MC Phan Anh vì đã tiên phong phát động phong trào mặc áo dài. Trước tiên, mọi người cần hướng về các giá trị truyền thống. Những người trẻ có thể cảm thấy mặc theo kiểu cổ xưa không thoải mái, họ thích mặc những trang phục cách tân. Điều đó có thể chấp nhận được. Bởi điều này phụ thuộc vào sở thích và gu thẩm mỹ của mỗi người. Họ có tâm mặc áo dài, đó là một bước tiến bộ, một tín hiệu tích cực trong hành trình quay lại với cội nguồn. Điều đó đã là rất quý.

Cái tôi đang quảng bá là bộ áo dài nghiêm túc, được mặc trong các nghi lễ quan trọng như khi trình quốc thư, tổ chức quốc khánh của các nhà ngoại giao, các đại sứ. Thứ đến là đình, chùa. Khi chúng ta mặc áo dài nghe hát ca trù, cũng giống với người phương Tây mặc complet đi nghe opera vậy.

Hiện tại, các bạn đang còn trẻ, và sẽ có những trải nghiệm riêng. Có lẽ đến tuổi như tôi, các bạn mới cảm thấy muốn mặc những trang phục cổ truyền. Văn hóa không có sự đồng nhất, hay khuôn mẫu cho tất cả mọi người. Miễn sao có cái tâm quảng bá hình ảnh đất nước và giữ gìn bản sắc dân tộc. Đó mới là điều quan trọng nhất. 

- Nhiều người nhận định văn hóa có tầm ảnh hưởng quan trọng đến việc phát triển ngành du lịch tại mỗi quốc gia. Theo ông, tại Việt Nam, chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào là hợp lý?

Có nhiều yếu tố tạo nên sức hút trong quá trình phát triển du lịch. Văn hóa là một trong những tác nhân quan trọng nhất. Những điểm mạnh, vốn liếng của các địa điểm du lịch bao gồm cảnh quan thiên nhiên, công trình văn hóa, lịch sử, truyền thống văn hóa.  

Tôi còn nhớ một tỷ phú Ả Rập, khi sang nước ta thăm quan, đã nói rằng Việt Nam rất quý bởi chúng ta có nhiều thứ có thật. Nước họ cũng có những thắng cảnh đẹp nhưng hầu hết là đồ nhân tạo. Biển họ tự đắp, rừng họ tự trồng. Trong khi đó, chúng ta sẵn có rừng, có biển, các cảnh quan như đền, chùa, nhà thờ. Những thứ đó đều được bảo tồn và duy trì từ nhiều đời nay.

Rõ ràng, những yếu tố gốc như vậy đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút du khách. Bởi trên thực tế, có rất ít quốc gia có được những công trình cổ, nghìn năm văn hiến. Chính vì vậy, họ thực sự tò mò và muốn ghé thăm đất nước chúng ta để chiêm ngưỡng. Điều tiếp theo là sự khác biệt.

Ví dụ, Châu Âu cũng có những công trình cổ, hàng nghìn năm nhưng họ vẫn muốn đổi cảnh, tìm hiểu những nét mới lạ tại Việt Nam. Đó là những điều có ý nghĩa quan trọng.

- Chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Diệu Linh