Hồng Lâu Mộng phiên bản sân khấu do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng lấy nước mắt của người xem bởi những phận người trong xã hội phong kiến.

Tiểu thuyết “Hồng Lâu Mộng” của nhà văn Tào Tuyết Cần, một trong bốn kiệt tác của văn học cổ điển Trung Hoa, vốn đã đậm tính nhân văn, lấy đi biết bao nước mắt của người đọc qua các thời đại vừa ra mắt khán giả Thủ đô phiên bản sân khấu.

Kết hợp với Nhà hát Kịch Việt Nam, đạo diễn người Singapore, Tiến sĩ Chua Soo Pong vẫn lấy nước mắt khán giả, nhưng, câu chuyện ông kể trên sân khấu 'người' hơn. Tấm màn nhung mở ra, câu chuyện về cô bé Lâm Đại Ngọc mồ côi cha mẹ, thân mang bệnh từ nhỏ, mong manh như một làn tơ xuất hiện ở Vinh Quốc phủ vì được bà ngoại là Đại lão phu nhân đưa về nuôi. Buổi hội ngộ người thân đó chính là định mệnh của Lâm Đại Ngọc và anh họ Giả Bảo Ngọc - 'hòn ngọc quý' của Vinh Quốc phủ. Gặp người em họ mong manh như làn tơ, Bảo Ngọc phải thốt lên: “trước mặt rõ là khách đến chơi, mà trong lòng như là người tri kỷ”.

Cái ngày nhìn nhau như tri kỷ ấy cũng là ngày bắt đầu câu chuyện tình yêu đẹp như mơ của Lâm- Giả, và cũng là bắt đầu chuỗi ngày đầy nước mắt, nước mắt giận hờn, nước mắt của “tâm bệnh” mà họ “ban” cho nhau, nước mắt của sự bất hạnh vì phải chia lìa mà họ gánh chịu..Chuyện tình yêu của họ đẹp, nhiều nước mắt cũng bởi xuất hiện Tiết Bảo Thoa - cô gái được coi là chín chắn, nhiều người yêu mến, lại được tặng khoá vàng 'như cặp trời sinh' với miếng ngọc mà Bảo Ngọc luôn mang trong mình.

Trong khi Lâm Đại Ngọc luôn tự ti về sức khoẻ, cảnh ăn nhờ ở đậu,... thì Tiết Bảo Thoa lại tự tin hơn rất nhiều. Những hiểu lầm nho nhỏ, những hờn giận vu vơ khiến Lâm Đại Ngọc - Giả Bảo Ngọc, vốn dĩ vui tươi, sống bên nhau hạnh phúc, bỗng đều mắc bệnh lạ, căn bệnh mà như Giả Bảo Ngọc cuối vở diễn khóc than mà nói với Đại lão phu nhân: Chỉ hai người họ mắc và cũng chỉ hai người họ có thể chữa cho nhau.

Vẫn là câu chuyện nguyên gốc nhưng bản sân khấu của đạo diễn người Singapore 'người' hơn, ai xuất hiện trên sân khấu cũng có tính cách rõ ràng, có đất diễn khiến người xem thương nhiều hơn giận. Bởi, họ đều bất hạnh, đều là nạn nhân của xã hội phong kiến với lối suy nghĩ bảo thủ, yêu đương không được tự do, cha mẹ đặt đâu con phải theo đó.

{keywords}

Vở diễn tròn trịa, đáng là vở diễn để chia tay giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Thế Vinh.

T.Lê