Ở tuổi 70, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển vừa ra mắt cuốn sách “Ơi, cái tuổi trăng tròn” - cuốn cẩm nang hữu ích cho phụ huynh và tuổi teen. 

 Không chỉ là tác giả của nhiều nhạc phẩm nổi tiếng, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển còn được biết đến là nhà văn, nhà báo với nhiều đầu sách được bạn đọc yêu thích như: Đối thoại với tuổi đôi mươi, Kim Dung giữa đời tôi, Hướng đến chân thiện mỹ, Xuân dược,… Mới đây, ở tuổi 70, ông vừa ra mắt cuốn sách “Ơi, cái tuổi trăng tròn”. 

{keywords}
 

Nhà văn Vũ Đức Sao Biển định nghĩa tuổi trăng tròn là lứa tuổi kéo dài liên tiếp 4năm từ tuổi 15 đến tuổi 18; ứng vào với các em đang học lớp 9, lớp 10, lớp 11 và lớp 12. Đây được xem là “mùa trăng tròn” - lứa tuổi đẹp nhất. Cuốn sách “Ơi, cái tuổi trăng tròn” là nỗ lực của tác giả trong việc đi tìm những cách thức giúp lứa tuổi ấy đẹp hơn. Cuốn sách “Ơi cái tuổi trăng tròn” mang đến những vấn đề gần gũi nhất với lứa tuổi “trăng tròn” trong đó tác giả đóng vai trò giống như một người bạn lớn đánh giá, phân tích và khơi mở để các em có thêm một kênh tham khảo tin cậy, từ đó tự đưa ra quyết định cho mình.

Nhà văn Vũ Đức Sao Biển nhắn nhủ: “Nếu các em cảm thấy phù hợp và hữu ích thì các em hãy tích lũy chúng thành kinh nghiệm sống cho riêng mình. Nếu các em cảm thấy không phù hợp, không hữu ích thì các em có thể quên đi rồi tự suy nghĩ để tìm ra một quan điểm mới, phù hợp và hữu ích hơn cho chính mình”.

Cuốn sách không chỉ hữu ích với tuổi teen mà còn là “cộng sự” đắc lực cho các bậc phụ huynh trong việc nắm bắt tâm sinh lý của con em mình, biết được các em đang quan tâm, đang mong muốn điều gì. Từ đó rút ngắn khoảng cách thế hệ, để có thể gần gũi với các em hơn, lắng nghe và hiểu các em như một người bạn thân tình.

18 bài viết mang đến những vấn đề trực diện, liên quan trực tiếp đến lứa tuổi mới lớn như mùa dậy thì, chuyện tình yêu; chuyện tảo hôn cho đến những vấn đề nóng hổi nhận được sự quan tâm của toàn xã hội như chống xâm hại tình dục; ứng xử trên mạng hay theo dõi thời sự…

Không giáo điều và “dạy đời” các em, nhà văn Vũ Đức Sao Biển khiêm nhường: “Hãy tưởng tượng rằng các em đang nói chuyện với một ông già tuổi bảy mươi qua văn chương, chữ nghĩa. Ông già đó là một nhà văn, cũng từng là một nhà giáo có nhiều năm đứng trên bục giảng. Và tất nhiên, ông già đó cũng đã từng một thời đi qua tuổi trăng tròn thơ mộng như các em bây giờ…”.

Tác giả đã chọn cách viết giản dị, mang tính tâm tình, thủ thỉ với các em trên tư cách một “người bạn lớn”. Vì lẽ đó, các bài viết trở nên gần gũi, thân tình, và cũng đầy cởi mở, đôi lúc có thêm dư vị hài hước. 

T.Lê