- Người yêu nhạc bolero giới lao động bình dân hẳn chưa quên một Bùi Vinh Sử từng làm mưa làm gió ở Sài Gòn những năm 70, 80 ... với "Nhành cây trứng cá", "Nhẫn cỏ trao em"..

TIN BÀI KHÁC


Vinh Sử sáng tác với nhiều bút danh như Vinh Sử, Cô Phượng, Hàn Ni, Diễm Nhi, Đức Vượng...  Ông gắn bó với dòng nhạc quê hương mang tính đại chúng với hàng ngàn ca khúc bolero mà chính ông cũng không nhớ hết. Trong đó có khoảng hơn trăm ca khúc là phổ biến và nổi tiếng. Các sáng tác của ông được hầu hết giới bình dân đón nhận vì  gần gũi với cuộc sống của họ.

Nội dung những sáng tác của Vinh Sử thường nói về những thân phận không may mắn, những mối tình trắc trở do không "môn đăng hộ đối" giữa một chàng trai nghèo và một cô gái giàu sang. Công chúng thích nghe nhạc của ông vì  thấy ở đó hình ảnh và tâm sự của chính mình.

Nhạc sĩ Bùi Vinh Sử vừa qua đợt hóa trị 8 tháng bởi bạo bệnh

Vinh Sử cho biết: "Nhạc mình viết là dành cho những người nông dân, những người lao động. Tôi đã gởi hết toàn tâm toàn ý của mình vào đó và cũng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo công chúng lao động nghèo. Tôi nghĩ rằng nhạc của mình cũng là tiếng nói của một bộ phận nhân dân. Nghe nhạc của tôi, những người lao động nói rằng đó là nhạc của người Việt Nam, không lai căng".

Mỗi ca khúc của Vinh Sử đều mang những kỷ niệm trong đời sống của ông, trong những thân phận nghèo và buồn ông gặp nơi ông lớn lên. Nhớ lại những ngày sống ở hẻm lao động nghèo Sài Gòn, cả khu chỉ có một vòi nước sạch để sử dụng. Có khi người dân lam lũ phải đứng cả một hàng dài đợi lấy nước. Những cô gái trong hẻm phải thức đêm để gánh nước giúp cha mẹ. Những chuyện như thế cũng đi vào bài hát của ông, mà người nghe có lẽ sẽ không thể hình dung được. 

Gánh nước ở vòi nước công cộng (Sài Gòn trước năm 1975)

Đêm đêm gánh nước ngõ lầy/ Bao nhiêu nhọc nhằn chai hằn trên vai/ Một sương hai nắng thân này/ Miễn sao đẹp ý mẹ thầy/ Cơm khoai ngày hai bữa cà dưa…” Những câu hát ông viết chỉ vì xuất phát cảm hứng từ cái … vòi nước của khu mình ở như vậy! Bài hát là một thời của ông, hình bóng xóm nhỏ nơi ông lớn lên được lưu giữ bằng âm nhạc.

Mặc dù ca khúc của nhạc sĩ phổ biến trong đời sống của người dân, được coi là vua nhạc sến nhưng ông hiện giờ vẫn sống một đời sống của người nghệ sĩ nghèo ở xóm nghèo Quận 4 (TP Hồ Chí Minh). Hơn một năm nay, nhạc sĩ chống chọi với căn bệnh u trực tràng. Sau 8 tháng hoá trị, sức khoẻ tuy đã hồi phục được mấy phần và khá hơn so với hồi năm ngoái, nhưng nhạc sĩ còn rất vất vả để khoẻ lại.

Giữa tháng 6 này, các ca sĩ Thanh Tuyền, Quang Lê, Giao Linh... sẽ trình diễn những ca khúc nổi tiếng nhất của ông - người được mệnh danh là “ông vua nhạc sến” với: Nhẫn cỏ cho em, Làm dâu xứ lạ, Cầu tre kỷ niệm, Đêm lang thang, Mưa bụi, Nhành cây trứng cá, Chuyến xe lam chiều, Vòng nhẫn cưới, Hai bàn tay trắng, Người phu kéo mo cau, Không giờ rồi, Áo đẹp nàng dâu…. Ông sẽ đến sân khấu Hà Nội giao lưu cùng khán giả và sẽ kể lại xuất xứ ra đời của các ca khúc, đó cũng chính là những ký ức sâu sắc trong cuộc đời ông.

Gia Linh