Amy Chua tự xưng là "Mẹ Hổ" có thể vì bà sinh năm Hổ (1962) hoặc có thể vì bà cho rằng mình đã dạy con như một Hổ mẹ – nghiêm khắc đến tàn nhẫn để chúng có thể sinh tồn trong một xã hội cạnh tranh quyết liệt không có chỗ cho kẻ yếu hèn. Cách dạy con ấy được một số người ủng hộ, nhưng đa số sửng sốt, kinh hãi.


TIN BÀI KHÁC

Con tôi chỉ dùng 1/10 di động cho việc học

Bài "Vì sao các bà mẹ người Hoa giỏi thế? (Why Chinese Mothers Are Superior) đăng trên bản điện tử Nhật báo Phố Wall số ra ngày 8/1 năm nay đã lập kỷ lục hơn 1 triệu lượt người truy cập và 7743 lời bình luận đã lôi cuốn các tờ báo lớn như Time, New York Times... và các đại gia truyền thông như NPR, NBC, BBC vào cuộc.

Bên kia Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, các tờ The Times, The Daily Telegraph, The Guardian... cùng hàng trăm báo đài Trung Quốc, Hongkong, Đài Loan vào cuộc, cùng hàng trăm nghìn cư dân mạng người Hoa trên toàn thế giới phát biểu ý kiến.


Bài báo nói trên giới thiệu về cuốn sách Battle Hymn of the Tiger Mother (Chiến ca của Mẹ Hổ) dày 256 trang tiếng Anh này kể lại chuyện dạy con trong một gia đình người Mỹ có mẹ gốc Hoa và bố gốc Do Thái.


Tác giả bài báo và cuốn sách là bà Amy Chua – còn gọi là Mẹ Hổ người Hoa (Chinese Tiger Mother) – thực sự đã làm rung chuyển nước Mỹ, chủ yếu vì bà dám công khai trình bày cách dạy con độc đáo có phần cực đoan của mình.

Amy Chua tự xưng là Mẹ Hổ có thể vì bà sinh năm Hổ (1962) hoặc có thể vì bà cho rằng mình đã dạy con như một Hổ mẹ – nghiêm khắc đến tàn nhẫn để chúng có thể sinh tồn trong một xã hội cạnh tranh quyết liệt không có chỗ cho kẻ yếu hèn.

Cách dạy con ấy được một số người ủng hộ, nhưng đa số sửng sốt, kinh hãi.

Một người viết: Tôi không thể tin bài báo này. Nhiều người gọi bà là “yêu quái”, kết tội bà “ngược đãi” con, là một “mẫu người nguy hiểm” cho xã hội...

Trong hàng chục nghìn bức thư gửi về địa chỉ Amy Chua, một số người còn đe dọa tính mạng bà, khiến bà phát hoảng và cảm thấy rất khổ tâm. Đã mấy lần Amy Chua xuất hiện trên đài, báo thanh minh về bài viết ấy.


Ngay trong ngày đầu tiên phát hành, Chiến ca của Mẹ Hổ được xếp hạng bestseller thứ 6 trên mạng Amazon. Trên Facebook xuất hiện khoảng 100 nghìn lời bình sách này.

Tiếng tăm Amy Chua càng nổi hơn khi trang bìa tạp chí TIME số cuối tháng 1/2011 in hình ảnh tượng trưng “Mẹ Hổ” cao lớn đứng khoanh tay trước cô con gái nhỏ bé tay cầm chiếc vĩ cầm đang e sợ ngước nhìn mẹ; chính giữa in dòng chữ Sự thật về các Mẹ Hổ (The Truth About Tiger Moms) – tên một bài viết dài trong tạp chí này.

Khi Amy Chua sang Thụy Sĩ dự Diễn đàn kinh tế thế giới Davos (26-31/2011), các nhà báo khắp thế giới bám riết bà.

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV có phát đi một đoạn băng video ngắn phỏng vấn Amy Chua.

Bà xuất hiện trước ống kính, tươi cười thoải mái trả lời bằng tiếng Anh, đại ý:

Tôi không phải là chuyên gia giáo dục. Cuốn sách của tôi chỉ là một bản hồi ký chuyện gia đình. Một tờ báo trích dẫn vài đoạn trong sách của tôi và đặt tên là “Vì sao các bà mẹ người Hoa trội hơn?” Tôi đọc rồi và rất không thích cái tên bài báo ấy. Mỗi gia đình có một cách dạy con riêng, tôi không định nêu lên một hình mẫu dạy con cho ai cả ...
 

Phần 2: Mẹ Hổ dạy con như thế nào?
Phần 3: Sự thật đằng sau chuyện Mẹ Hổ dạy con


  • Nguyễn Hải Hoành (Tạp chí Tia Sáng)