- Sáng 10/5, một lần nữa, các nhà nghiên cứu lịch sử, những người làm giáo dục lại ngồi bàn về "số phận" của môn lịch sử trong trường phổ thông và đề xuất bỏ những định kiến lệch lạc.

Vì sao học sinh chán học sử?

GS.TS Đỗ Thanh Bình nhìn nhận, dù SGK lịch sử hiện hành đã lược bớt những chi tiết vụn vặt, bớt số liệu, trình bày đẹp hơn, có in màu... nhưng vẫn còn hạn chế như: chưa có tính khái quát, còn đi vào chi tiết, nặng về trình bày sự kiện cụ thể hay trình bày diễn biến; chương trình đồng tâm ở 3 cấp học có những kiến thức trong SGK lặp đi lặp lại.

{keywords}

GS.TS Đỗ Thanh Bình tham luận tại hội thảo

TS Tưởng Phi Ngọ (khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nêu bất cập: do là môn phụ, quỹ thời gian giảng dạy eo hẹp mà phải chứa đựng nhiều chủ đề nên kiến thức rộng nhưng không sâu.

"Hầu hết giáo viên không được quán triệt đầy đủ về tầm quan trọng của việc thực hiện chương trình. Họ chỉ biết tài liệu phân phối chương trình là tài liệu phân phối thời gian từng bài do sở gửi mà không biết đến văn bản chương trình... Đó là cách làm ngược so với các nước" - lời ông Ngọ.

Do vậy mới tồn tại thực tế từ thế hệ này qua thế hệ khác là chỉ dựa vào SGK để soạn giáo án. Chưa kể, không ít giáo viên còn ám ảnh coi SGK là "pháp lệnh" nên dạy theo sách, chấm bài thiếu sáng tạo.

Lý do khác khiến học sinh không mặn mà với môn Sử là quan niệm môn phụ - môn không thi tốt nghiệp nên học sinh dễ dàng bỏ qua.

“Cách mạng về sách giáo khoa”

"Hiện nay, SGK gần như cung cấp một hệ thống lịch sử cho học sinh theo từng lớp, từng cấp học, kèm theo một số gợi ý. Vì vậy, SGK của ta so với nhiều nước thì mỏng nhưng lại rất nặng nề" - GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khái quát.

"Thực tế từ năm 2003, các chuyên gia đã có đề nghị phải thay đổi nhận thức lại môn Sử. Bộ GD-ĐT cũng đã tỏ ra tán đồng, tuy nhiên từ đó đến nay vẫn chưa có động thái thay đổi. Môn Sử vẫn là môn phụ - vẫn là môn học bị coi thường nhất...Dù với nhận thức như vậy có kiến nghị cũng như không nhưng đến lúc cần định vị lại giá trị môn học này" - GS Phan Huy Lê nói.

Do vậy, theo GS Lê, những vấn đề cần làm rõ trong SGK lịch sử trong hệ thống giáo dục phổ thông gồm: Phân bổ môn lịch sử theo các cấp học; Cấu trúc SGK lịch sử; Bố cục và trình bày SGK; Tổ chức biên soạn trên cơ sở chương trình cần được xây dựng lại, việc biên soạn SGK nên mở rộng cho nhiều tổ chức, nhiều nhóm tác giả tham gia. Trên cơ sở đó, tổ chức thẩm định, tuyển chọn nên áp dụng một chương trình - một bộ SGK hay một chương trình nhiều bộ SGK.

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ nói việc có một chương trình, nhiều bộ sách không chỉ xoá bỏ được độc quyền mà còn tăng chất cả về nội dung và hình thức.

Ông dẫn dụ, một cuốn SGK Lịch sử và Địa lí của Pháp in song song tên hai nhà xuất bản. Điều này cho thấy, việc dạy học tích hợp đã được áp dụng từ nhiều năm nay.

GS.TS Đỗ Thanh Bình cho rằng, SGK lịch sử của ta so với nhiều nước trên thế giới là rất mỏng và quá khiêm tốn. Ở Mỹ có nền giáo dục tiên tiến, bề dày lịch sử của nước Mỹ chỉ trên 200 năm chứ không phải là 2500 đến 2700 năm như lịch sử Việt Nam. Thế nhưng, SGK lịch sử của họ được biên soạn công phu với độ dày xấp xỉ 1.000 trang với nguồn sử liệu phong phú. Hệ thống kênh hình gồm tranh, ảnh, bản đồ, biểu đồ rất đa dạng...

{keywords}

GS Nguyễn Quốc Hùng (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) trao đổi với giáo viên Trần Trung Hiếu (Trường Chuyên Phan Bội Châu)

Hay SGK lịch sử của Singapore có độ dày như cuốn giáo trình dùng cho sinh viên ĐH - trong khi cuốn Lịch sử 12 của ta có độ dày tương đương với lớp 6 của Rumani, cuốn Lịch sử 11 của ta có độ dày tương đương với lớp 5 của Rumani...

Do đó, theo GS Bình, muốn thay đổi chất lượng dạy và học môn lịch sử ở phổ thông, cần phải có biện pháp đồng bộ mang tích cách mạng, trong đó có SGK.

Ở tiểu học chương trình lịch sử phải chủ ý xu hướng tích hợp hiện nay, trước hết là tích hợp với địa lí và giáo dục công dân. Mạnh dạn bỏ hẳn chương trình thông sử hiện hành trong tiểu học...

Đối với cấp THCS và THPT thiết kế chương trình theo hướng thông sử (cả Việt Nam và thế giới), kết hợp giữa đường thẳng và đồng tâm: đường thẳng ở hai đầu chương trình, đồng tâm ở chỗ giao nhau giữa hai cấp học. Đối với cấp THPT, yêu cầu có kĩ năng phân tích sự kiện, tư duy độc lập, tư duy phản biện, xâu chuỗi các sự kiện lịch sử có liên quan đưa ra chính kiến của mình...

Lịch sử phải là môn học bắt buộc

Đề xuất này nhận được ủng hộ của hầu hết các chuyên gia tham dự.

PGS.TS Đỗ Bang - phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đề nghị bỏ việc bốc thăm môn thi tốt nghiệp. Nên để học sinh tự lựa chọn môn thi.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ đặt dấu hỏi "nếu là bốc thăm may rủi thì tại sao môn Địa lại...may được 5 lần và 5 năm liền học sinh thi tốt nghiệp môn Địa?". Do đó, cần sớm thành lập một trung tâm nghiên cứu SGK lịch sử; đồng thời, xây dựng tiêu chuẩn của SGK phổ thông với tiêu chuẩn SGK lịch sử. Tổ chức nghiên cứu sâu hơn về SGK lịch sử, có đề tài nghiên cứu khoa học hoặc chương trình nghiên cứu về môn học này để định vị lại vị trí môn học quan trọng này trong chương trình phổ thông...

Tựu trung lại, các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng cần thuyết phục Bộ GD-ĐT coi môn Sử phải là môn học cơ bản mà tất cả các ban đều phải học và thi tốt nghiệp. Từ đó, nên cấu tạo theo chương trình đường thẳng để tránh nhược điểm của chương trình đồng tâm và có thêm thời gian cho giáo viên áp dụng phương pháp dạy học tích cực.

"Tới đây, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ tập hợp kiến nghị gửi Bộ GD-ĐT tổng hợp các đề xuất sớm định vị lại số phận môn Sử trong trường phổ thông..." - nhà Sử học Dương Trung Quốc chốt lại.

GS Trần Thị Vinh (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội): Chưa có quốc gia nào trên thế giới đặt "số phận" của môn sử như ở Việt Nam. Do đó, các chuyên gia cũng không mất quá nhiều thời gian để định vị tầm quan trọng của môn học này. Ở nhiều nước họ mặc định, môn sử luôn là môn học chính. Họ không bàn nhiều về số phận môn sử như ở Việt Nam. Cách làm của Việt Nam khác thế giới.

Trần Trung Hiếu - giáo viên Trường Chuyên Phan Bội Châu: Quá trình viết SGK cân mở rộng thành phần biên soạn là những giáo viên phổ thông tâm huyết. Họ là những người thực thi nên biết rõ nội dung SGK cần bám sát thực tế như thế nào từ nội dung lẫn hình thức. Ngoài việc tăng thời lượng dạy và học môn sử nên có một cuốn Alat môn học này...

  • Kiều Oanh