- Những người có khả năng nói chuyện trước đám đông, trình bày tốt khi đi làm tại các tập đoàn, công ty đa quốc gia sẽ được tiếp nhận như thế nào?

Trong phần tiếp theo của bàn tròn trực tuyến "kỹ năng cho phát triển, góc nhìn doanh nghiệp", ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dệt May Việt Nam và bà Phạm Thị Hồng Ánh, Giám đốc nhân sự công ty Ernst & Young chia sẻ nhiều trải nghiệm hữu ích.

XEM CÁC PHẦN TRƯỚC

Phần 1: Nhân lực Việt tụt hậu hơn Hàn, Sing 20 năm trước

Phần 2: Doanh nghiệp hàng đầu đang bắt tay với ai?

Phần 3: Sinh viên tự tạo năng lực cạnh tranh

Xem khách mời

{keywords}
Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến

Nhà báo Hạ Anh: Ông Luis vừa nhấn mạnh vai trò của nhà trường, của giáo dục phổ thông - giáo dục xa hơn hệ đại học trong việc trang bị kỹ năng cho người lao động, đó cũng là một đề xuất mà tôi nghĩ là có tính căn bản. Nhưng cũng có một giải pháp là sự tự đào tạo của doanh nghiệp. Doanh nghiệp mà làm công tác nhân sự tốt, chú trọng vào việc đào tạo và tập huấn tốt cũng là một yếu tố quan trọng để tăng cường kỹ năng cho người lao động. Chị Hồng Ánh có thể chia sẻ gì về điều này?

Bà Phạm Thị Hồng Ánh: Tôi vẫn tin rằng một doanh nghiệp lành mạnh luôn phải có một nhóm chuyên viên có chất lượng và luôn được đào tạo để sẵn sàng trở thành những người lãnh đạo trong tương lai.

Ở Erst & Young, chúng tôi không chỉ đào tạo kiến thức chuyên ngành mà còn giúp tổ chức những khóa đào tạo về kỹ năng. Với các bạn vừa mới ra trường, chúng tôi sẽ đào tạo những cái cơ bản. Nhưng khi lên tới một vị trí nhất định, ví dụ như là trưởng nhóm nhỏ thì sẽ được cung cấp chương trình đào tạo để có kỹ năng lãnh đạo nhóm, kỹ năng quản lý cơ bản.

Lên nữa, họ có thể được đào tạo kỹ năng quản lý hoặc công ty sẽ hỗ trợ họ để có thêm bằng cấp về quản trị kinh doanh.

Ông Christian Bodewig: Chúng ta rất hay chú trọng đến thời điểm từ khi sinh viên rời các cơ sở giáo dục đào tạo đến khi họ vào các doanh nghiệp. Nhưng thực ra, những kỹ năng được hình thành từ giai đoạn chúng ta sinh ra đến khi qua đời. Trau dồi kỹ năng là một quá trình cả đời.

Điều đó có nghĩa là chiến lược phát triển kỹ năng cho nguồn nhân lực của Việt Nam không chỉ nên tập trung vào vài nămg, mà phải rộng hơn nhiều.

Những hoạt động về phát triển não bộ để giúp chúng ta có khả năng tư duy tốt thực ra được hình thành từ 3 năm đầu của cuộc đời. Nó quyết định liệu sau này chúng ta có thể trở thành người lao động tốt hay không.

Như chị Hồng Ánh đã nói, việc đào tạo tại nơi làm việc là một yếu tố ngày càng trở nên quan trọng ở VN vì 2 lý do.

Thứ nhất, khi tuổi thọ trung bình của người VN tăng lên, người ta sẽ sống lâu hơn, đương nhiên người ta sẽ phải làm việc trong thời gian dài hơn.

Lý do thứ hai là nền kinh tế VN ngày càng phát triển, công nghệ cũng ngày càng phát triển. Như vậy, người lao động phải được đào tạo để đáp ứng, thích nghi được với những thay đổi về công nghệ.

Nhà báo Hạ Anh: Nhắc tới lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động, tôi rất chia sẻ ý kiến của chị Hồng Ánh và anh Tiến Trường ở khía cạnh sự chủ động, nỗ lực của mỗi cá nhân. Nhìn một cách rộng hơn, nhà trường và hệ thống giáo dục có thể hỗ trợ được gì cho các cá nhân đó. Mình có thể đặt vấn đề ở khoảng cách xa hơn, tức là nhà trường không chỉ là đại học, mà cả ở phổ thông. Nó tạo ra một văn hóa giáo dục, một nếp tư duy để khiến cho người ta chủ động hay bị động. Các anh chị có nghĩ là vai trò của nhà trường, của giáo dục đại chúng là phải giúp cho các cá nhân hiểu được tính chủ động và giá trị cá nhân không? Và liệu đó có phải là một điểm chưa mạnh của giáo dục ở mình không?

Ông Lê Tiến Trường: Ở tất cả các nước chứ không riêng gì VN, hệ thống giáo dục bao giờ cũng có tốc độ thay đổi chậm hơn so với khu vực năng động nhất của nền kinh tế là doanh nghiệp.

Vì thế, cũng như các chuyên gia vừa nói, luôn luôn tồn tại khoảng cách nhất định giữa đòi hỏi của doanh nghiệp và sản phẩm của giáo dục.

Tất nhiên, ở VN, khoảng cách này lại càng lớn. Cảm giác như giữa tốc độ năng động phát triển kinh tế quá nhanh trong giai đoạn vừa qua và tốc độ thay đổi của hệ thống giáo dục lại càng cho thấy khoảng cách đó xa hơn. Chứ không phải bản thân hệ thống giáo dục VN không có sự thay đổi.

Nếu chúng tôi tốt nghiệp cách đây 20 năm mà quay lại nhà trường thì rõ ràng nhà trường cũng cải thiện, nhưng cải thiện trong 20 năm đó ít hơn so với nền kinh tế rất nhiều.

Vì thế, rõ ràng đây là nhiệm vụ mà hệ thống giáo dục quốc dân vẫn phải tiếp tục.

Cũng vì lý do đó mà tại sao giáo dục luôn là chủ đề nóng của tất cả các diễn đàn. Điều đó cũng phản ánh đòi hỏi của xã hội rất cao đối với giáo dục.

Quan trọng là giáo dục không chỉ là đưa chương trình dạy, mà là tạo ra định hướng tự học, tự nghiên cứu, định hướng phát triển cá nhân cho mỗi con người để nó không phải là một cái khuôn giống hệt nhau thông qua giáo dục, mà nó chỉ là cái lõi về kiến thức thì giống nhau nhưng khả năng phát triển cá nhân thì vẫn đa dạng.

{keywords}
Bà Phạm Thị Hồng Ánh

Nhà báo Hạ Anh: Thưa ông Luis, như anh Tiến Trường vừa đề cập, giữa nhà trường và doanh nghiệp luôn có khoảng cách mà ở Việt Nam, độ vênh này ngày càng lớn. Thế còn ở thế giới thì như thế nào?

Ông Christian Bodewig: Có một điều hết sức quan trọng. Ở những nước mà hệ thống giáo dục sau phổ thông có hiệu quả cao là bởi họ có cơ chế để trao đổi thông tin và có động lực khuyến khích để trường đại học phản ứng nhanh nhạy hơn trước các tín hiệu xung quanh mình.

Có thể đảm bảo được điều này thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Ví dụ, các nhà lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp tham gia vào làm thành viên của hội đồng quản trị của nhà trường. Hay có các chương trình liên kết, liên doanh giữa nhà trường với doanh nghiệp. Rồi những cơ chế cho sinh viên ở các trường thực tập ở các doanh nghiệp.v…v.

Một điểm nữa là các trường đại học phải hết sức quan tâm tới lĩnh vực nghiên cứu và phải thấy rằng nghiên cứu là những điểm đột phá để giúp họ có thể thu được kiến thức và thúc đẩy việc tạo ra kiến thức.

Việc tập trung vào nghiên cứu cũng là yếu tố đảm bảo có một hệ thống giáo dục đại học đạt đẳng cấp thế giới.

Trường đại học cũng phải có liên kết chặt chẽ hơn nữa với các bậc giáo dục trước đó để sinh viên có thể thành công.

Cũng như đồng nghiệp của tôi đã nói, không thể nhìn nhận các trường đại học là các cơ sở tách bạch mà phải là một phần không thể tách rời của một hệ thống tổng thể và toàn bộ hệ thống ấy phải hoạt động nhịp nhàng.

Ở Việt Nam, luật giáo dục đại học mới đây đã đưa ra những quy tắc, nguyên tắc yêu cầu các trường đại học phải có sự điều chỉnh thích nghi và đổi mới mình để có thể đáp ứng được các yêu cầu của môi trường mới.

Tôi cũng chưa bao giờ gặp một nước nào mà trong đó kết quả nghiên cứu cho thấy rằng các nhà tuyển dụng rất hài lòng với kỹ năng trình độ của sinh viên tốt nghiệp.

Xét về nhiều phương diện, đây cũng là một dấu hiệu tốt. Điều ấy cho thấy rằng thế giới của chúng ta luôn luôn có sự tiến bộ và những thay đổi về công nghệ luôn luôn đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với người lao động so với khả năng cung ứng của hệ thống giáo dục đào tạo.

{keywords}
Ông Christian Bodewig

Ông Christian Bodewig: Chỉ có ở nền kinh tế đình trệ không có tiến triển gì cả thì chúng ta mới thấy tất cả mọi người đều hài lòng. Mà Việt Nam lại không phải là một nền kinh tế đình trệ và cũng không muốn là một nền kinh tế đình trệ.

Tuy nhiên, một điều rất quan trọng là àm sao để hệ thống giáo dục đào tạo đủ mức linh hoạt và đủ mức hội nhập để có thể có khả năng phản ứng nhanh nhạy trước những thay đổi về nhu cầu đối với kỹ năng, trình độ cho thị trường lao động.

Một điểm nữa là làm sao đảm bảo những sinh viên tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục đào tạo hay lực lượng lao động có được những kỹ năng nền tảng vững chắc để thay đổi thích nghi trong suốt cuộc đời.

Nhà báo Hạ Anh: Một câu hỏi khác vừa mới xuất hiện ở đây. Câu hỏi như sau: “Với góc độ là một doanh nghiệp, liệu các ông, các bà có sẵn sàng mở cửa để đón nhận những bạn trẻ từ bỏ giáo dục đại học để tự bồi dưỡng và tự rèn luyện kỹ năng theo đam mê của chính họ hay không? Họ có cơ hội tham gia thử thách cùng với công ty không hay sẽ loại ngay từ vòng hồ sơ?”

Ông Lê Tiến Trường: Trong lý thuyết cũng rất rõ. Có hai mặt rất khác biệt. Có những mặt dứt khoát phải do hệ thống giáo dục can thiệp. Anh không thể có thời gian bù đắp thời gian để tự học được đâu bởi thời gian sẽ rất lâu và không thực sự kinh tế. Những trường hợp không tham gia học hành trong hệ thống giáo dục mà vẫn thành công đều là những người có năng lực tự học thuộc loại xuất sắc.

Tôi cũng thấy có nhiều bạn kỹ năng rất tốt, đặc biệt các bạn có hoạt động trong đoàn thanh niên hay hội sinh viên nhiều.

Cảm giác như nói chuyện trước đám đông, trình bày rất tốt nhưng nó không đồng nghĩa với việc khi đi làm bạn sẽ trình bày tốt đâu.

Bởi vì khi trình bày tốt trong công việc là nó xuất phát từ chỗ nền tảng kiến thức và sự hiểu biết về công việc đó phải tốt. Sau đó thì anh dùng các công cụ trình bày đó để trình bày ra cho nó hiệu quả hơn. Chứ không thể nào xây nhà không có gạch, toàn vữa, vôi với cả sơn mà bảo thành nhà. Kỹ năng là nó bổ trợ để anh trình bày cho tốt cái kiến thức cốt lõi và nền tảng chuyên môn của anh mà thôi.

{keywords}
Ông Luis Beveniste

Ông Luis Beveniste: Tôi nghĩ rằng một hệ thống giáo dục đào tạo tốt hay hệ thống đào tạo kỹ năng tốt là một hệ thống tạo ra nhiều loại cơ hội khác nhau cho nhiều kiểu người khác nhau.

Làm sao để người ta có thể đi học các hệ thống như chính quy, các chương trình học bán thời gian hay những khoá học từ xa. Tóm lại là có nhiều cách khác nhau để người ta có thể nâng cao kỹ năng hay kiến thức của mình.

Như vậy một hệ thống tốt thì phải có nhiều cách khác nhau, nhiều cơ hội khác nhau cho nhiều kiểu kỹ năng khác nhau.

Tuy nhiên hệ thống ấy cũng phải tạo cho người ta cơ hội thứ hai. Nghĩa là, có nhiều người có thể vì lý do nào đấy như sức khoẻ, hoàn cảnh gia đình hay điều kiện kinh tế mà họ không tiếp tục theo học được, có khi phải bỏ học. Hệ thống phải cho phép họ có cơ hội để quay trở lại tiếp tục học.

Một ý nữa là phải tạo ra được những kênh để các bên có thể trao đổi được với nhau và người ta có thể định hướng được, xác định được những cơ hội khác nhau để có thể phát triển được những kỹ năng của mình.

Chúng ta cần một hệ thống trong đó chúng ta ghi nhận bằng cấp cũng như khả năng thực tế để người lao động hay mọi người có cơ hội trong suốt cuộc đời của mình.

Phần cuối: Nếu ông là Phó Thủ tướng…

Thực hiện: Ban Giáo dục