- Trong khi đời sống các gia đình đã khấm khá hơn rất nhiều, hầu hết các bậc phụ huynh đều chăm lo cho con cái đầy đủ, đặc biệt là ở thành thị, thì vẫn có những cha mẹ không bao giờ nghĩ rằng hành xử vô tâm của mình ảnh hưởng tới tâm lý, cảm xúc của các con như thế nào.

{keywords}
Ảnh minh họa: Kiều Oanh

Mẹ Thu Hà chia sẻ: “Ngày trước mình cũng như nhiều mẹ, nghĩ rằng phụ huynh ai ai cũng thánh thiện làm gương cho trẻ nhỏ lắm, nhưng rồi càng ngày càng thất vọng với mấy vị phụ huynh… trời ơi!”

Chị kể, năm con học lớp 6 ở trường trung tâm thành phố, các gia đình hầu hết khá giả. Chị đi họp phụ huynh cho con thì bị ấn tượng bởi một “quý bà” ăn mặc sang trọng, trang sức đầy người kiên quyết không đóng quỹ hội phụ huynh vì con chị “không cần lãnh phần thưởng, cũng không ăn liên hoan chung với lớp. Ấy thế mà, hôm tổng kết, chị ấy cũng có mặt, bảo con tranh lấy… 2 phần ăn cho chị ấy ăn luôn. Đến lúc phát thưởng, chị ấy cãi nhau ỏm tỏi đòi phần thưởng cho con mình…” – mẹ này kể và đặt câu hỏi: “Với những phụ huynh như thế thì phải làm thế nào để khỏi ảnh hưởng đến các cháu?”

Câu chuyện của mẹ Jemai cũng tương tự. Lớp con chị có một bà nội, lần nào họp phụ huynh cũng giành đi, trong khi con dâu bà thì đứng chầu chực ngoài cửa lớp. Vì theo chị ấy thì không bao giờ đi họp về mà bà phổ biến lại toàn bộ nội dung cuộc họp, cũng không đề xuất những ý kiến mà cả nhà muốn nói với cô giáo. Trong giờ họp thì bà ý kiến liên tục về các khoản thu. “Khoản thu nào đối với bà cũng bất hợp lý, và luôn yêu cầu giảm bớt, giống kiểu đi chợ trả giá vậy”.

Chị Jemai cho biết, cô giáo đã nói rõ là nếu gia đình khó khăn thì có thể xin giấy xác nhận thì sẽ được giảm. Ban đầu chị tưởng gia đình họ khó khăn thật nhưng theo cô con dâu thì “bố mẹ chồng đã về hưu, lương hưu mỗi người trên 15 triệu, chồng đang tại chức”, nhà có mấy chiếc xe tải cho thuê… “Mới đây, trường in cho các cháu 5 cái bảng tên, giá 22 nghìn, bà cũng ý kiến là làm 5 cái nhiều quá, sao năm ngoái làm có 3 cái thu 15 nghìn mà, cò kè mãi mới chịu đóng”.

Còn một ông bố nữa thì chị để ý ngay từ ngày đầu đưa con đi nhận lớp 1. “Mới 7h sáng anh ta đã có mùi rượu, và đứng ngoài cửa lớp hút thuốc như kéo bễ vậy. Bất kỳ khoản nào, cô giáo nói một câu là anh ta cũng phải đứng dậy nói 10 câu, cứ cắt ngang người ta luôn”. Sau buổi họp thì anh này không chịu đóng 3 khoản: quỹ lớp, quỹ khuyến học và tiền trang bị chén bát đầu năm của các bé bán trú, vì “không tin tưởng hội phụ huynh sẽ chi đúng những khoản này”.

Trong khi có nhiều phụ huynh thậm chí sẵn sàng đóng thêm 1, 2 suất để bù cho những em có hoàn cảnh khó khăn không đóng tiền mỗi khi có dịp ngoại khóa, thì vẫn có những phụ huynh cố tình lờ đi mỗi lần kêu gọi đóng góp tự nguyện.

“Em nhớ mãi có lần đóng góp tự nguyện làm chương trình dã ngoại cho các cháu, phụ huynh bình thường đóng 100 nghìn, có anh chị đóng 500 nghìn. Có người lên đưa 5 nghìn rồi ký tên đi về, thậm chí có người không đóng gì cả (sau đó con vẫn tham gia). Lớp bình thường, không phải lớp nghèo. Cho nên, luôn luôn phải đưa ra mức tối thiểu”.

Hay như một phụ huynh tâm sự, tổ chức gì mà kêu gọi đóng góp tự nguyện thì chỉ 1/3 nộp thôi, 2/3 còn lại lờ đi luôn không góp đồng nào mặc dù bố mẹ con cái vẫn tới tham gia như thường. “Ban phụ huynh kiểm lại thấy hụt nhiều quá đành phải thông báo lại là đóng góp bắt buộc và chia đều. Nói chung làm gì đến đoạn thu tiền mệt lắm, người lớn cả rồi mà không có ý thức tập thể tý nào đâu” – phụ huynh này phàn nàn.

Trong khi nhiều người chỉ trích những ông bố bà mẹ thiếu trách nhiệm thì chị Mai Hoa lại có cái nhìn khác, hướng về những đứa trẻ vô tội. “Bố mẹ xử sự không đúng, kể cả như trường hợp của bà nội trong câu chuyện của chị Jemai, thì đấy cũng đâu phải lỗi của các em. Trường mẫu giáo là nơi các em tâm hồn còn non nớt nhất, bố mẹ không đóng tiền, vậy là lỗi của các em sao? Hơn nữa các em có những người bà, những người bố như trong bài viết của chị thì các em lại càng đáng thương chứ!” – chị Hoa lập luận.

  • Nguyễn Thảo (tổng hợp)