- Mối quan hệ giữa người lớn - phụ huynh và giáo viên – đem lại những ảnh hưởng không ngờ tới đối với các con.

1. Anh Thành, một phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 kể lại, trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, khi chi hội trưởng phụ huynh nói về vấn đề thu tiền quỹ lớp, cô giáo có nói là tiền quỹ lớp này chưa bao gồm tiền bài tập cô giáo photo cho các cháu cuối tuần. Cô cũng nói là theo quy định thì các cháu không có bài tập về nhà, đây là cô muốn các cháu làm thêm thôi. Anh Thành mới có ý kiến là các cháu còn nhỏ, hàng ngày đi học cả ngày, tối về phải làm bài đã rất mệt mỏi rồi, cuối tuần nên cho các cháu nghỉ để vui chơi giải trí. Phụ huynh nào muốn dạy thêm thì có thể mua vở về cho các cháu tự luyện ở nhà.

{keywords}
Ảnh có tính chất minh họa

Sau buổi họp, anh Thành cũng thấy áy náy, sợ cô cho là mình tiếc tiền hoặc chống đối cô, con mình sẽ bị trù. Để ý thì từ hôm đấy điểm của con anh Thành có sút giảm. Thấy con vẫn được phát bài photo, anh Thành còn nghĩ hay là bảo cô đưa bài để anh đến công ty in cho cô, các phụ huynh khác đỡ mất tiền đóng góp. Tuy nhiên, một hôm con đi học về có nói là các bạn có thêm một bài, nhưng con không có. Anh Thành hỏi lý do thì con chỉ bảo cô nói cháu không có bài này. Lo không biết con đã mắc lỗi gì làm phật ý cô không, anh T đã gọi điện cho cô.

Và đây là cuộc trao đổi:

“- Vì hôm trước em bảo không cần bài photo nên cô không phát.

- Em chỉ lo các cháu học hành căng thẳng thôi chứ có bài cô cứ phát cho cháu, em không tiếc tiền, cô không cho cháu bài em cũng cho cháu làm bài ở nhà mà.

- Ờ, bởi vì mấy nữa đi thi là sẽ theo mẫu nên chị muốn phát trước mẫu cho các cháu để các cháu rèn ở nhà trước. Chứ mấy nữa đi thi không biết thì lại bị điểm kém. Vì đi thi người ta chỉ viết đề thi lên bảng, các cháu ở dưới viết.

Khoảng cách như nào cũng theo quy định. Viết sai một chữ là sai hết. Chứ phát bài rồi lại phải chấm, nhiều khi phụ huynh không hiểu cách viết lại phải gọi điện tốn tiền lắm”.

Với cuộc trao đổi này, kết luận của anh Thành là “không phải con mà chính tôi là người mắc lỗi”. Hóa ra chỉ vì một câu nói của anh Thành, cô giáo đã không phát bài để con luyện theo mẫu đi thi. Điều đó đồng nghĩa với việc khi đi thi, cháu nếu không biết sẽ mắc lỗi và bị điểm kém.

“Thảo nào mà hôm họp phụ huynh chỉ thấy mỗi tôi phát biểu. Hóa ra là bởi vì tôi quá quan tâm đến việc học của con rồi. Kỳ họp phụ huynh sau, có lẽ tôi “ngậm miệng” là hơn”.

2. Đồng cảm với anh Thành về việc giáo viên “nhớ lâu”, chị Hằng (Hà Nội) có con học lớp 5 cũng kể về một quãng thời gian kinh hoàng đối với cậu con trai. Có một buổi tối thấy con kêu đau đầu, buồn nôn, hỏi ra mới biết cháu bị ngã ở lớp, đầu có bị đập xuống đất. Vội đưa con vào bệnh viện chiếu chụp, may mắn là cháu không sao.

Tuy nhiên, chồng chị rất bất bình về việc khi cháu ngã giáo viên đã không báo sớm cho phụ huynh biết nên hôm sau gặp hiệu trưởng để phản ánh, góp ý cách xử lý vụ việc của giáo viên.

“Thời gian sau đó con tôi thật sự bị cô “để ý”, bắt ne bắt nét từng tí một. Khi bố cháu đến đón, cô giáo ngày ngày kể tội, nào là không tập trung trong lớp, sách vở luộm thuộm… Về hỏi lại cháu thì có khi chỉ là cháu làm rơi quyển sách xuống đất cũng bị cô mắng, ngồi trong lớp bạn của cháu gọi, cháu quay đầu lại là cô đã phạt.

Điểm của cháu thì trước vốn không cao, nay còn thấp hơn. Nói thêm là ngay từ lớp 1 tôi đã không cho cháu đi học thêm cô giáo ở trường mà cho cháu học ở trung tâm khá uy tín ngoài, vì thấy cháu hứng thú. Sức học của cháu được các thầy cô ở trung tâm đánh giá là tốt.

Bố cháu nghe cô kể tội thì sốt ruột quay ra mắng cháu. Nên ở lớp cháu đã bị căng thẳng, về nhà cũng căng thẳng tiếp, rất mệt. Tôi đã phải thu xếp lại công việc để thay chồng chiều chiều đi đón cháu. Gặp cô, cô nói gì cũng vâng dạ rồi thôi. Có lẽ cô thấy chán vì tôi không phản ứng gì, nên dần dần việc kể tội cũng bớt”.

***

Đây chỉ là một vài câu chuyện, lời nói mà không ít giáo viên đã "buông" ra với các con trên lớp.Anh Thành, cũng như chị Hằng cho rằng, điều may mắn ở đây là trẻ con còn quá vô tư, không hiểu được những nguyên nhân sâu xa tại sao cháu bị đối xử “lạ lùng” như vậy.

“Chỉ có thể bảo vệ con bằng cách, cố gắng hỏi con chuyện xảy ra trên lớp nhiều nhất có thể, từ đó mà kịp thời có cách hành xử, uốn nắn suy nghĩ và thái độ sống cho con, và cả cho cô nếu được” – chị Hằng đúc kết.

  • Chi Mai