- Sự việc bác sĩ thẩm mỹ Nguyễn Mạnh Tường làm chết khách rồi vứt xác xuống sông Hồng để phi tang khiến cả xã hội bàng hoàng. Vậy tại “cái nôi” đào tạo ra những bác sĩ tương lai, SV được giáo dục y đức như thế nào?
Ngày nào cũng vậy, mấy trăm chỗ ngồi trên tầng 2 của thư viện Trường ĐH Y Hà Nội luôn chật kín sinh viên tới học tập, nghiên cứu. Một không khí học tập không thấy nhiều ở thư viện các trường ĐH-CĐ. (Ảnh: Văn Chung). |
Hiệu trưởng trực tiếp đứng lớp
Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội Nguyễn Đức Hinh không khỏi bàng hoàng khi biết tin đồng nghiệp ở Hà Nội lại có hành động như vậy.
“Trong ngành y, trường hợp tai biến dẫn đến tử vong dù ít nhưng không hiếm gặp. Tôi không nghĩ người có kinh nghiệm như anh Tường lại hành động thiếu suy nghĩ như vậy” – ông Hinh xót xa.
Nói về việc giảng dạy đạo đức cho sinh viên, ông Hinh cho biết: “Ngay từ khi nhập trường, sinh viên đã được học lời thề Hippocrates, học tấm gương Hải Thượng Lãn Ông, 12 điều Y đức Việt Nam,….”
“Nếu như trước đây đạo đức y tế được dạy lồng ghép trong các môn học như tổ chức y tế, đạo đức y học thì từ năm 2010 bộ môn này được ngành chú trọng, tách ra thành môn độc lập với tên gọi Y xã hội học và Y đức”.
Bộ trưởng Bộ Y tế khi đó, ông Nguyễn Quốc Triệu làm chủ nhiệm danh dự cho bộ môn này ở Trường ĐH Y Hà Nội. Trưởng bộ môn chính là hiệu trưởng Nguyễn Đức Hinh.
Nhận thức được tầm quan trọng của bộ môn, tại Trường ĐH Y Hải Phòng, Trường ĐH Y dược TP.HCM các hiệu trưởng cũng chính là trưởng bộ môn Y xã hội và Y đức.
Dạy gì cho sinh viên?
Sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội trong tiết học thực hành. (Ảnh: Văn Chung). |
Hiệu trưởng Nguyễn Đức Hinh cho biết: “Chương trình 45 tiết sẽ cung cấp cho sinh viên năm 2 đến năm 4 kiến thức căn bản về y đức, pháp luật, ứng xử, giao tiếp với người bệnh,…
Việc xử lí khi gặp các tai biến hoặc trường hợp xấu nhất là tử vong là khó tránh dù anh đã làm đúng quy trình, thủ tục, xét nghiệm,.. nên không thể thiếu trong các bài giảng. Sinh viên qua bài giảng và thực tế sẽ học được cách ứng xử với người nhà bệnh nhân, lo mai táng, khâm niệm hay các thủ tục sau đó như thế nào,…Đây là cả một quá trình có sự tham gia, phối hợp của bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý và các phòng ban liên quan”.
Định kỳ một năm từ 2-3 lần, ông Hinh cùng các lãnh đạo nhà trường có buổi trao đổi, trả lời trực tiếp hoặc giao lưu trực tuyến với sinh về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.
“Tuy nhiên, thời gian giảng trên lớp còn ít. SV chủ yếu được học lý thuyết. Các em vừa học tâm lý, đạo đức, kỹ năng giao tiếp bên cạnh một số bài tập tình huống điển hình giảng viên đặt ra” – Giảng viên bộ môn y đức Trần Thị Thu Hà, Trường ĐH Y Thái Bình cho hay.
Còn theo PGS Nguyễn Văn Hùng, giảng viên bộ môn y đức Trường ĐH Y Hải Phòng: “Bộ môn chỉ cung cấp cho sinh viên những khái niệm, kiến thức cơ bản về đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp.
Giảng viên cũng cố gắng đưa ra những tình huống khó để sinh viên thảo luận, ví dụ như một cô bé mới 15-16 tuổi đến phòng khám hỏi bác sĩ cách phá thai thì xử lí như thế nào; việc một người vợ/chồng bị bệnh nặng thì có nói cho người kia hay không hoặc nói như thế nào; hay một trong hai bị bệnh nhưng không muốn nói cho người kia biết nhưng bệnh của họ lại ảnh hưởng đến người kia thì xử lí ra sao,….”
Quan trọng là tự học
Trong một tiết học của sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội. (Ảnh: Văn Chung). |
Theo bà Hà: “Các bài giảng của bộ môn y đức dành cho sinh viên năm 2, chuẩn bị cho năm 3 khi đi thực tập ở các bệnh viện. Giáo dục y đức là một quá trình nên ở từng bộ môn khác nhau người thầy sẽ chú ý lồng ghép nội dung này vào bài học”.
“Đau xót song trường hợp của bác sĩ Tường dẫu hãn hữu khi đã có hành động mang vứt xác bệnh nhân xuống sông nhưng ví dụ này sẽ có trong bài giảng tới đây của chúng tôi cho sinh viên” – ông Hùng cho hay.
Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Thái Bình Hoàng Trọng Năng bổ sung: “Sinh viên muốn rèn y đức phải có môi trường xung quanh tốt. Mỗi thầy cô, bác sĩ nếu không cố gắng là tấm gương để sinh viên noi theo thì sao dạy được y đức.”
PGS Nguyễn Văn Hùng đề nghị: “Ngay cả những người học sau đại học, người đã đi làm cũng cần thường xuyên được giáo dục y đức như sự nhắc nhở, căn dặn không được làm trái lương tâm người thầy thuốc”.
“Quan trọng nhất vẫn là tự học, tự rèn luyện mình để tâm luôn trong sáng” – hiệu trưởng Nguyễn Đức Hinh nêu quan điểm ngắn gọn.
TIN BÀI LIÊN QUAN: |
Văn Chung